Còn bộc lộ những điểm yếu
Xin được bắt đầu bài viết này bằng thông tin mới nhất được đăng tải rộng rãi trong tuần qua, liên quan đến kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dẫn nguồn từ báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, mới đây, đoàn công tác số 4 của ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, thông báo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại tỉnh này.
Thanh tra mà không giải quyết tận gốc vấn đề thì chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" (ảnh minh họa).
Tại buổi làm việc, đoàn đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Thanh tra nhiều nhưng phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ít (tổ chức hơn 2.300 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện 1 vụ tham nhũng chuyển Cơ quan điều tra); trong đó, có những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng không chuyển Cơ quan điều tra, gây ra mối hoài nghi lớn trong dư luận; giải quyết các vụ án tham nhũng kéo dài, có vụ trả hồ sơ 2 đến 3 lần trong nhiều năm làm nản lòng đấu tranh chống tiêu cực; đồng thời, các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đều có dấu hiệu chưa nghiêm. Việc thu hồi số tiền sai phạm có tỷ lệ chưa cao, hay xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan để xảy ra sai phạm còn hạn chế.
Bên cạnh đó, những vụ việc xử lý dở dang kéo dài còn nhiều và sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng chưa tốt, nhất là về quan điểm, đánh giá, nhận định chưa thống nhất về tội danh, vụ án nhưng không báo cáo Tỉnh ủy để có hướng giải quyết... Các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, ban nội chính tỉnh đều nhất trí với những đánh giá, nhận xét của đoàn công tác.
Đáng chú ý, con số trên đưa ra trong bối cảnh công tác thanh tra đang bộc lộ những điểm yếu và nặng tính hình thức, mà chính Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng phải thừa nhận trước Quốc hội khi đề cập tới công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, khi cho rằng: Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc tự phát hiện hành vi tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo tham nhũng ít; hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp...
Hạn chế vì chưa xác định được "trọng điểm"?
Khi được PV bản báo tham vấn, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, những số liệu báo cáo mới chỉ là con số nhỏ của "bề mặt nổi", trên thực tế, còn rất nhiều sự vụ mà các cơ quan chức năng, trong đó có thanh tra chưa "sờ tới".
Từng gắn bó nhiều năm trong công tác đào tạo lực lượng thanh tra, thạc sỹ Nguyễn Tất Bình (giảng viên trường Cán bộ Thanh tra) chia sẻ với PV: Một trong những đặc điểm của hoạt động thanh tra Nhà nước là tính độc lập tương đối so với quản lý Nhà nước. Chính đặc điểm này chi phối đến mô hình tổ chức, thẩm quyền và hoạt động của cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, theo quy định luật Thanh tra, cơ quan thanh tra không có sự độc lập trong việc ra quyết định thanh tra, kết luận thanh tra (trừ trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật) mà thẩm quyền này do người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước quyết định.
"Về mặt tổ chức, người đứng đầu cơ quan thanh tra do thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Tổ chức cơ quan thanh tra như vậy đã quá chú trọng bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động thanh tra, mà không chú ý đến tính độc lập tương đối của hoạt động này. Chính sự lệ thuộc thái quá vào người đứng đầu đã làm mất đi tính khách quan, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, làm cho công cụ thanh tra kém đi độ sắc bén trong hoạt động quản lý Nhà nước", thạc sỹ Bình nhận định.
Trong khi đó, theo ông Vũ Việt Hà, giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật - Học viện Hành chính, có thể thấy rõ, sự phụ thuộc quá lớn của các cơ quan thanh tra Nhà nước vào cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp cả về tổ chức, nhân sự, kinh phí, trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như giai đoạn kết thúc, kết luận và kiến nghị xử lý. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính chủ động và độc lập trong hoạt động thanh tra. Các cuộc thanh tra thường kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu khẩn trương, kịp thời của công tác quản lý Nhà nước. Hàng năm, số lượng Đoàn thanh tra không thực hiện đúng tiến độ theo quy định pháp luật và phải chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện chiếm tỉ lệ khá cao.
Cũng theo ông Hà, thực trạng trên bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: Việc chuẩn bị trước khi tiến hành thanh tra còn hạn chế, việc nắm thông tin về nội dung thanh tra chưa đầy đủ, việc khảo sát xây dựng đề cương chưa được coi trọng đúng mức dẫn đến đề cương, kế hoạch thanh tra chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm, vì vậy khi tiến hành thanh tra gặp nhiều khó khăn trong khâu thẩm tra, xác minh, kết luận. Bên cạnh đó, khi tiến hành thanh tra chưa tiên lượng được phần việc và tính phức tạp của nó nên không chủ động để thực hiện...
Ngoài ra, còn do những trường hợp cản trở, chống đối, bất hợp tác của đối tượng thanh tra thể hiện thông qua rất nhiều thủ đoạn tinh vi như: Không cung cấp, cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin tài liệu, tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ, cố tình dây dưa kéo dài thời gian làm việc, hoặc tạo ra nhiều khó khăn, cản trở hoạt động của đoàn thanh tra... Nhưng những hành vi này hầu như không bị xử lý hoặc không xử lý được vì thiếu chế tài. Vì vậy, nó làm cho hoạt động thanh tra gặp rất nhiều khó khăn.
Theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, nhiều cuộc thanh tra mang tính hình thức, đội ngũ làm công tác thanh tra có tâm lý né tránh, ngại va chạm, xử lý các vấn đề phát hiện qua thanh tra chưa nghiêm túc, kiên quyết nên hiệu quả công tác thanh tra chưa cao. Mặt khác, các sai phạm phát hiện được qua thanh tra chủ yếu thiếu sót về thủ tục, giá trị xử lý thấp, không đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa trong quản lý Nhà nước.
Theo một số liệu mà PV tiếp cận được, trong năm 2014, các cơ quan hành chính Nhà nước đã triển khai 6.877 cuộc thanh tra hành chính và 150.932 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 31.510 tỷ đồng, 3.739,3 ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước hơn 29.991 tỷ đồng và hơn 2.689 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý hơn 4.519 tỷ đồng, 1.050 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.552 tập thể, 2.753 cá nhân. Bên cạnh đó, ban hành quyết định xử phạt vi phạm đối với nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển Cơ quan điều tra hình sự 40 vụ, 47 đối tượng.
Theo ANTT