Hiến pháp và luật tổ chức HĐND và UBND đã trao cho HĐND quyền năng rất lớn, đó là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Để hiện thực hóa quyền năng ấy, HĐND ở các cấp phải đảm đương chức năng, nhiệm vụ rất rộng với trọng trách nặng nề. Tuy vậy, vị thế, uy lực, thực lực của cơ quan này trong tổ chức thực hiện chưa tương xứng với trọng trách được giao.
Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước. Với vị trí, vai trò quan trọng và đặc điểm địa giới hành chính như vậy nhưng cơ cấu tổ chức của cấp chính quyền thành phố không khác nhiều so với những địa phương khác.
HĐND thành phố chỉ có 13 đại biểu hoạt động chuyên trách, quản lý 30 đầu mối quận huyện, 21 đại diện sở ngành. Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội cho biết, với định biên nhân sự như vậy không thể kham hết việc chứ nói gì đến làm tốt chức năng, nhiệm vụ.
Ông Nam lý giải, hiện nay ở cấp quận huyện, HĐND chỉ có 2 người chuyên trách, còn cấp xã có 1 người thì không thể thực hiện hết quyền năng giám sát, hay là giúp để thực hiện được quyền năng quyết định của Hội đồng. Chưa kể bộ máy tham mưu giúp việc cho Hội đồng của cấp quận huyện không có, lại kiêm nhiệm của Ủy ban giúp việc sang. Thậm chí, Phó Chủ tịch HĐND trực tiếp đánh máy văn bản. Với nguồn lực con người, cơ quan tham mưu, kinh phí như vậy thì việc hoạt động kém hiệu quả là đương nhiên.
“Tự mình túm tóc mình”, “tôi đi giám sát tôi” là cụm từ được nhiều người làm công tác Hội đồng cũng như công tác chính quyền nhận thấy khi nói về giám sát quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương. Đáng nói, đó không phải là cái khó của HĐND ở riêng một địa phương nào.
Ông Phốn Khen Song, Chủ tịch HĐND thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho rằng, số lượng đại biểu kiêm nhiệm lấn át số lượng đại biểu chuyên trách như hiện nay thì rất khó để giám sát khách quan.
Một người vừa có quyền đưa ra quyết định, vừa thực thi, chấp hành quyết định, vừa giám sát việc tổ chức, thực hiện quyết định đó liệu có thể tách bạch từng vai, có thể khách quan và ra những kiến nghị phản biện mạnh mẽ, thẳng thắn được không? Cùng một con người nhưng thực hiện hai chức năng, nhiệm vụ khác nhau của hai cơ quan khác nhau, liệu kiểm soát quyền lực có đang được hiểu và vận hành đúng nghĩa? Đại biểu dân cử đi giám sát hoạt động của Giám đốc Sở, nhưng người này nằm trong cấp Ủy. Vị thế khác nhau, uy lực ở đâu?
Theo ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, với hàng loạt câu hỏi từ thực tiễn đang đặt ra, hoạt động của HĐND không hình thức mới là điều lạ.
“Nhiều nơi giới thiệu đại biểu HĐND vào Hội đồng, cũng như giới thiệu cán bộ làm công tác Hội đồng khó; cái khó lí giải tại sao, đó là do cơ chế, do bộ máy, quan điểm của chúng ta chứ không phải chỉ là do họ. Những điều kiện hoạt động cho họ, những cơ chế xử lý trách nhiệm với người làm HĐND, tất cả đòi hỏi phải nhìn lại nghiêm túc bộ máy, cơ chế tổ chức chính quyền, trong đó có việc tổ chức HĐND, một vai trò chính trong thiết chế, tổ chức chính quyền địa phương”, ông Hoạt nói.
Quyền phải đi liền với lực. Có quyền mà không có lực thì quyền cũng trở nên vô nghĩa, nhưng lực phải tương xứng thì mới phát huy được quyền. HĐND đang thiếu những uy lực, thực lực và nội lực để đảm đương cho trọn, cho tốt quyền năng nhân dân trao cho. Thế nên, có lúc, có nơi, có thời điểm, tưởng chừng đại biểu HĐND buông lơi quyền của mình, cũng đồng nghĩa với không làm tốt trách nhiệm với cử tri. Nhưng không hẳn là như vậy.
Hoạt động của HĐND đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Đó là vì không có nhân sự phù hợp, không đảm bảo cơ chế điều kiện thực hiện quyền nên hiệu lực, hiệu quả công việc hạn chế và vì không phát huy được vai trò, nhiệm vụ nên không được bố trí nhân sự phù hợp. Để thoát ra sự luẩn quẩn này, không cách nào khác, phải gỡ từ cơ chế chính sách pháp luật.
Theo VOV