Nơi thử nghiệm lý tưởng cho các thương hiệu xe điện
Angus Au - chàng trai 27 tuổi người Hồng Kông (Trung Quốc) đã để mắt tới chiếc Tesla model Y, nhưng anh đã thay đổi quyết định sau khi lái thử mẫu xe (EV) MG ZS do Trung Quốc sản xuất.
Anh đã chi 250.000 HKD (32.000 USD) cho chiếc xe điện đầu tiên của mình sau khi đổi chiếc Toyota Sienta 20 năm tuổi và tận dụng chương trình "một đổi một" của chính phủ, một khoản trợ cấp cho chủ xe chuyển sang sử dụng những loại xe không phát thải này.
“Với tôi, việc sử dụng một thương hiệu Trung Quốc không quan trọng lắm. Ngay cả những chiếc Tesla bạn mua ở Hồng Kông cũng được sản xuất tại Thượng Hải. Tôi quan tâm tới sản phẩm, chứ không phải nơi sản xuất”, Angus Au chia sẻ.
Theo nhà phân phối ô tô Inchcape có trụ sở tại London, thị phần của các thương hiệu xe điện Trung Quốc đại lục tại Hồng Kông đã tăng gần gấp đôi lên 30% vào tháng 6, từ mức 16% của một năm trước. Tính đến ngày 19 tháng 7, tổng cộng có 31 mẫu xe điện từ 9 công ty Trung Quốc đại lục, với mức giá dao động từ 160.377 HKD cho mẫu SUV năm chỗ Neta AYA Lite của Hozon New Energy Automobile đến 619.190 HKD cho mẫu xe đa dụng (MPV) SAIC Maxus Mifa 9 Premium.
Những hãng xe như Xpeng và GAC Aion đã mở phòng trưng bày trong vài tháng qua, nhắm đến thị phần lớn hơn, nơi có khoảng 38.000 mẫu xe được bán ra vào năm ngoái.
Hệ thống lái bên phải của Hồng Kông khiến thành phố này trở thành nơi thử nghiệm lý tưởng cho các thương hiệu xe điện Trung Quốc đại lục muốn mở rộng sang các thị trường quốc tế khác áp dụng cùng hệ thống lái xe.
Bàn đạp để thâm nhập thị trường nước ngoài
Ông Wilson Lam, giám đốc phân phối ô tô của Zung Fu Group, cho biết vì có nhiều sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc đại lục nên họ có thể muốn sử dụng Hồng Kông làm bàn đạp để thâm nhập thị trường nước ngoài.
“Ở đại lục, người tiêu dùng có nền văn hóa và phong cách riêng. Những chiếc xe được thiết kế dựa trên sở thích của đại lục có thể không phù hợp với châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á. Những thương hiệu này có thể điều chỉnh và cải tiến dựa trên phản hồi từ người tiêu dùng Hồng Kông”, ông Lam cho biết.
Tháng trước, BeyonCa, một công ty khởi nghiệp xe điện cao cấp của Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận với đối tác trong chuỗi cung ứng và các tổ chức tài chính để đẩy nhanh mục tiêu thành lập thương hiệu ô tô "sản xuất tại Hồng Kông" đầu tiên.
“Ý tưởng không chỉ là xây dựng một nhà máy ở Hồng Kông, mà là xây dựng một thương hiệu xe điện cho Hồng Kông”, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Soh Weiming chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6.
Hồng Kông là một thị trường thử nghiệm lý tưởng cho các thương hiệu xe điện có tầm nhìn quốc tế vì thành phố này không chỉ gần Trung Quốc đại lục, nơi có thể tiếp cận chuỗi cung ứng hoàn chỉnh mà còn có thể đóng vai trò là bàn đạp để tiến vào các thị trường phát triển như Châu Âu.
Vào tháng 9 năm ngoái, Hozon đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Công viên Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Trung Quốc) để thành lập trụ sở quốc tế tại đây, như một phần trong chiến lược đẩy nhanh quá trình phát triển tại Châu Á - Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đã chọn Hồng Kông làm trụ sở quốc tế vì đây là thị trường quan trọng đồng thời vì những chiến lược trong tương lai.
Tôi nghĩ Hồng Kông phù hợp để các thương hiệu xe điện của Trung Quốc nghiên cứu và tích hợp một số nguồn lực cho phát triển địa phương, bao gồm cả nghiên cứu và phát triển”, phó chủ tịch Zhou Jiang cho biết.
Ông cho biết nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Thượng Hải đặt mục tiêu đạt 15% thị phần tại Hồng Kông trong vòng ba năm với thương hiệu Neta.
Theo đó, hãng xe điện Neta sẽ mang ít nhất ba mẫu xe đến Hồng Kông để đạt được mục tiêu. Nhà sản xuất ô tô này có kế hoạch ra mắt X SUV sau khi ra mắt AYA SUV vào tháng 6.
Ray Leung, giám đốc điều hành của BMW Concessionaires (HK) tại Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc), đơn vị phân phối thương hiệu xe hơi cao cấp của Đức, cho biết: "Trong nửa đầu năm 2024, chúng tôi nhận thấy thị phần của các thương hiệu xe điện Trung Quốc đã tăng lên, nhưng vẫn chưa đạt đến giai đoạn dẫn đầu thị trường".
“Trong phân khúc đại chúng hoặc phân khúc không cao cấp, các thương hiệu xe điện Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển hoặc thậm chí đóng vai trò dẫn đầu. Họ có nhiều sản phẩm tốt với mức giá rất hấp dẫn. Trong phân khúc này, sẽ có sự xáo trộn lớn của thị trường. Nhưng ở phân khúc cao cấp, tôi tin rằng các thương hiệu châu Âu vẫn sẽ duy trì được mức độ cạnh tranh nhất định và vai trò dẫn đầu", ông Ray Leung nói thêm.
Tesla là thương hiệu xe điện hàng đầu tại Hồng Kông (Trung Quốc), với hơn 40.000 xe đã được bán ra, chiếm 47% trong tổng số 86.938 xe điện tư nhân, theo dữ liệu từ tháng 8 năm 2017 đến tháng 7 năm 2024. BMW và Mercedes-Benz đứng sau với thị phần lần lượt là 10,9% và 10,2%.
BYD là thương hiệu xe điện hàng đầu tại Trung Quốc đại lục, với 8.416 xe được bán với thị phần là 9,7%, tiếp theo là MG thuộc sở hữu của SAIC với 2,7% thị phần.
Raymond Cheung, giám đốc điều hành của BYD Hong Kong cho biết: “Mặc dù Hồng Kông là một thành phố rất nhỏ, nhưng đây là một thành phố quốc tế và là một trong những bước đệm tốt nhất để bất kỳ thương hiệu xe điện nào tung sản phẩm từ Hồng Kông đến với thị trường Châu Á - Thái Bình Dương”.
Ông cho biết, vị trí địa lý của Hồng Kông giúp việc ra mắt xe và thử nghiệm trước khi thâm nhập vào các thị trường khác trở nên rất thuận tiện.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào sự trỗi dậy của Hồng Kông như một trung tâm thử nghiệm và bệ phóng xe điện.
Lawrence Iu, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Civic Exchange, cho biết Hồng Kông có tỷ lệ thâm nhập EV cao và tỷ lệ cơ sở sạc đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng việc thiếu chính sách và quy định về lái xe tự động khiến thành phố này khó có thể trở thành trung tâm thử nghiệm EV.
Lawrence Iu nhận định rằng: “Nếu Hồng Kông (Trung Quốc) muốn trở thành trung tâm thử nghiệm xe điện nhưng không cho các nhà sản xuất ô tô điện thử nghiệm xe tự hành, điều này sẽ khiến các công ty ở Trung Quốc đại lục và nước ngoài không muốn mang những công nghệ mới nhất của họ đến Hồng Kông (Trung Quốc) để thử nghiệm”.
Ông nói thêm rằng việc thiếu hệ sinh thái cho pin EV, thiếu nhân tài R&D và hạn ngạch đào tạo lại kỹ thuật viên không đủ sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của việc Hồng Kông (Trung Quốc) trở thành trung tâm EV.
Theo SMCP
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu