Vì sao Bệnh viện Trung ương Huế không bị thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mỗi ngày, Bệnh viện Trung ương Huế có khoảng 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú và phẫu thuật 150-200 ca với trên 3.000 thủ thuật, nên nhu cầu về thuốc, sinh phẩm lớn. Nhưng, Bệnh viện vẫn đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.

Mỗi ngày điều trị cho khoảng 5.000 bệnh nhân và tiến hành phẫu thuật 150-200 ca, trên 3.000 thủ thuật, nhưng Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Mỗi ngày điều trị cho khoảng 5.000 bệnh nhân và tiến hành phẫu thuật 150-200 ca, trên 3.000 thủ thuật, nhưng Bệnh viện Trung ương Huế vẫn đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Trong khi nhiều bệnh viện (BV) kêu khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị, dẫn đến không đủ thuốc, vật tư phục vụ bệnh nhân, thì có nhiều BV vẫn tổ chức thành công việc đấu thầu, đảm bảo được nguồn hàng y tế phục vụ người bệnh.

Có mặt ở Hà Nội dự kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trưa 6/11, ông Phạm Như Hiệp – Giám đốc BV Trung ương Huế, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) đã chia sẻ những “bí quyết” để BV Trung ương Huế không bị thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh.

Theo ông Hiệp, để tháo gỡ những vướng mắc trong đấu thầu hàng hoá y tế, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp, nhằm đảm bảo phục vụ người bệnh bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó, BV Trung ương Huế đã vận dụng vào thực tiễn, nên đã không gặp phải cảnh thiếu thuốc, trang thiết bị như nhiều nơi.

Theo Giám đốc BV Trung ương Huế, để chủ động trong đấu thầu, khi có kết quả thầu đợt nay là BV đã chuẩn bị ngay kế hoạch đấu thầu của đợt mua sắm tới. Bên cạnh đó, BV còn có các dự báo về tình hình bệnh nhân, trang thiết bị, kỹ thuật…

VT_ HIỆPp.jpg
Ông Phạm Như Hiệp – Giám đốc BV Trung ương Huế, đại biểu Quốc hội

Trong quá trình đấu thầu có thể thiếu một số mặt hàng, nhưng BV lập tức có biện pháp phù hợp như lọc mặt hàng đó ra để đấu thầu lại; mua sắm trực tiếp; chào hàng cạnh tranh… để sớm có thuốc, hóa chất, vật tư.

Trong trường hợp thiếu do đứt gãy nguồn hàng, hay do nhà cung cấp không có thì BV sử dụng các loại thuốc, vật tư có tác dụng tương tự để thay thế cho thuốc, vật tư đang thiếu.

Vì thế, dù sau dịch COVID-19, lượng bệnh nhân tăng đột biến, công tác khám, chữa bệnh của BV vẫn ổn định, mặc dù nhu cầu về thuốc men, sinh phẩm rất lớn khi mỗi ngày BV có 4.500 – 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú, phẫu thuật 150 – 200 ca cùng trên 3.000 thủ thuật.

Để đảm bảo thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ bệnh nhân thời gian tới, ông Phạm Như Hiệp cho biết thêm:“BV Trung ương Huế đã tổ chức các nhóm như: Tổ chuyên gia; tổ thẩm định nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật mới như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua cùng nhiều quy định của Chính phủ, Bộ Y tế trong lĩnh vực này, đồng thời, tiếp tục chuẩn bị kỹ các hồ sơ đảm bảo đúng quy định pháp luật để phục vụ việc mua sắm, đấu thầu trong năm 2024”.