AI hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân đột quỵ tốt hơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ sau khi ra viện là vấn đề rất lớn. Y tế số trong các app sẽ giải quyết được vấn đề này, bằng việc hướng dẫn bệnh nhân các yếu tố nguy cơ để có ý thức tránh..." - TS. Trần Quốc Minh nói.

AI đưa ra các cảnh báo cần thiết

Tại phiên thảo luận chuyên đề về AI trong lĩnh vực đột quỵ trong khuôn khổ Hội nghị Đột quỵ Quốc tế “Tiếp cận đa chuyên khoa và AI” do Hội Đột quỵ TP Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai vừa tổ chức, TS. Trần Quốc Minh (Chương Trình ISPF của Anh) đã có một báo cáo về vai trò quan trọng của kỹ thuật số trong đột quỵ.

Phân tích của AI về tình hình đột quỵ ở Việt Nam đã đưa ra dự đoán tỉ lệ chết do đột quỵ ở Việt Nam sẽ cao nhất Đông Nam Á vào 2030.

AI cũng cho biết số tuổi mắc đột quỵ sẽ chủ yếu ở lứa tuổi 60-56 với nam và 65-70 tuổi ở nữ. Đặc biệt, AI đưa ra một con số rất đáng quan tâm: Độ tuổi đột quỵ ở người dân TP.HCM trẻ hơn ở TP Hà Nội là 5 tuổi.

VT_Trần Công Minh.JPG
TS Trần Quốc Minh

Cũng theo TS Minh, nguyên nhân đột quỵ ở Việt Nam trước hết là do cao huyết áp. Nguyên nhân thứ 2 là do ăn uống, ít thể thao. Đây là điều khác biệt ở Việt Nam, vì các nước có nguyên nhân thứ 2 là do ô nhiễm.

AI cũng chỉ ra tình hình đột quỵ ở Việt Nam rất phức tạp và trải dài, nên việc thiết kế cách ứng phó rất khó. Nhưng có thể thấy là Việt Nam cần gấp đôi số trung tâm đột quỵ so với hiện nay.

TS Minh cũng cho hay kinh nghiệm sử dụng App liên kết bệnh nhân - bệnh viện để khi bệnh nhân cần là có hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà xử lý kịp thời, có bản đồ chỉ dẫn đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặc biệt, khi bệnh nhân ra viện, có thiết bị đeo để hỗ trợ bác sĩ theo dõi, đánh giá các chỉ số của bệnh nhân, đồng thời, cũng hỗ trợ bệnh nhân như cảnh báo thời gian dùng thuốc, thời gian tái khám và cần thay đổi thói quen sinh hoạt để cải thiện sức khoẻ; chỉ ra chỉ số sức khoẻ.

“Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ sau khi ra viện là vấn đề rất lớn. Y tế số trong các app sẽ giải quyết được vấn đề này, bằng việc hướng dẫn bệnh nhân các yếu tố nguy cơ để có ý thức tránh, phát huy hiệu quả theo dõi, sẽ giảm bớt được tàn phế do đột quỵ” - TS Minh nhấn mạnh.

VT - Mai Duy Ton.JPG
PGS.TS. Mai Duy Tôn

PGS.TS. Mai Duy Tôn - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - cũng khẳng định vai trò của AI trong điều trị đột quỵ và cho biết tới đây, Việt Nam sẽ ứng dụng phần mềm quản lý và dự phòng đột quỵ do nước ngoài tài trợ.

Điều này sẽ giúp cho bệnh nhân đột quỵ được tiếp cận với các bác sĩ chuyên khoa sớm hơn, tăng số người được tiêu huyết khối.

Hiện đã có 12/15 nghìn người đột quỵ (chiếm 80%) được tiêu huyết khối, là bước tiến ngoạn mục trong công tác điều trị đột quỵ ở Việt Nam.

Bộ Y tế sẽ xây dựng tiêu chí quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ thế giới. Sẽ có phần mềm chuyên dụng cho bệnh nhân đột quỵ trong bệnh viện và ngoại viện. Bộ Y tế sẽ ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia để ngăn ngừa, giảm thiểu bệnh nhân đột quỵ và biến chứng, giảm tàn phế và tử vong.

VT_Đaii biểu.JPG
Các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về AI trong chẩn đoán và điêu trị đột quỵ

Tại hội thảo, các chuyên gia Indonesia cũng lưu ý, việc tham gia của AI trong việc quản lý để phát hiện sớm và chỉ dẫn bệnh nhân đến bệnh viện ngay, sẽ giúp giảm gánh nặng về đột quỵ.

Việt Nam đã ứng dụng AI trong điều trị đột quỵ

Bên lề hội nghị, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Chủ tịch Danh dự Hội Đột quỵ TP Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ: Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp cận nhanh chóng với AI để phục vụ trong lĩnh vực đột quỵ và có nhiều ứng dụng hiệu quả trong chẩn đoán, tiếp cận và đánh giá người bệnh tốt hơn, phục vụ nâng cao chất lượng điều trị.

VT_AnhChi.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Chi

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai cũng đã bắt đầu phát triển AI để cập nhật các kiến thức mới nhất của thế giới. Chỉ sau 4 năm ra đời, Trung tâm đã tạo được bước chuyển biến ngoạn mục trong chất lượng điều trị: Số bệnh nhân tăng nhanh và số người được tiếp cận với kỹ thuật cao cũng ngày càng tăng. Bệnh nhân đến bệnh viện sớm cũng nhiều hơn, nhiều người đã đến vào “giờ vàng” nên được can thiệp hiệu quả hơn. Số bệnh nhân được can thiệp tái tưới máu, tiêu sợi huyết tăng đáng kể. 14 chứng nhận Kim cương của Hội Đột quỵ Thế giới dành cho Trung tâm là minh chứng cho điều này.

Trong 2024, Trung tâm Đột quỵ đã có nhiều kỹ thuật mới như can thiệp tái tưới máu, mở rộng thời gian cửa sổ, thời gian tiêu sợi huyết, kỹ thuật mới phục hồi cho người bệnh sau can thiệp. Đây là điều rất quan trọng, để bệnh nhân sau khi điều trị xong ở bệnh viện, được tiếp tục theo dõi, chăm sóc, để giảm bớt gánh nặng bệnh tật, trở về với đời sống bình thường.

VT_ Dũng.JPG
BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra tình trạng bệnh nhân đột quỵ sau điều trị

Dự phòng đột quỵ là vấn đề được các chuyên gia đặc biệt lưu ý tại Hội nghị Đột quỵ thế giới.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho hay người trẻ cũng mang nhiều yếu tố nguy cơ của đột quỵ, như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, bất thường về nhịp tim, van tim, các bệnh lý về mạch máu, các bất thường về mạch, sử dụng thuốc lá, rượu, bia…

Ông Chi khuyến cáo: Cần kiểm soát thật tốt các yếu tố nguy cơ, đưa về các chỉ số chuẩn, là những việc rất đơn giản nhưng hiệu quả lại rất cao trong dự phòng đột quỵ. Ví dụ tăng huyết áp thì phải điều trị thường quy, sao cho huyết áp, đường máu đạt chỉ số tốt nhất.