VARS tiếp tục hành trình “Góp một cây để có rừng” với dự án Rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – VARS vừa chính thức khởi động dự án trồng cây mắc ca kết hợp cây tếch và trám đen, với tổng diện tích là 9,7 ha tại bản Hua Tát, xã Cò Nòi, nhằm tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Đại diện các bên VARS, Hội nhà văn, UBND Xã, Giảng viên trường ĐH Tây Bắc, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Đại diện các bên VARS, Hội nhà văn, UBND Xã, Giảng viên trường ĐH Tây Bắc, gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Đây là dự án được ấp ủ và gây quỹ từ tháng 5/2021, nhân 49 ngày mất cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Sáng kiến trồng cây tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được khởi xướng bởi vợ chồng nhà giáo Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman - giáo sư Sử học tại Đại học UC Berkeley, Hoa Kỳ.

Chi phí thực hiện dự án được gây quỹ trực tiếp qua việc bán đấu giá bản in đầu tiên cuốn sách đầu tay của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - tác phẩm Tướng về hưu. Bản in còn lưu lại chữ ký của tác giả lúc sinh thời. Tác phẩm đặc biệt này do họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường (Sách Vipen) quyên tặng và được ông Alex Thai - nhà Việt Nam học tại Hoa Kỳ - mua với giá 72 triệu đồng – tương đương với số tuổi hưởng dương của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Phiên đấu giá còn nhận được gần 30 triệu đồng của nhiều độc giả ủng hộ sáng kiến này.

Với một dự án đầy ý nghĩa như vậy, VARS, Hội Nhà văn Việt Nam đã kết hợp với nhóm giảng viên bộ môn Ngữ Văn, Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc đã quyết định chọn Bản Hua Tát để thực hiện.

Bản Hua Tát, xã Còi Nòi là nơi gắn liền với sự nghiệp văn chương và cuộc đời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Sau 10 năm sinh sống tại đây, ông đã sáng tác nhiều truyện ngắn, và sau này được tập hợp xuất bản dưới tên “Những ngọn gió Hua Tát”.

Dù đây là một dự án riêng lẻ, không thuộc kế hoạch trồng và phục hồi 100 ha rừng đầu nguồn Sông Gianh ở Quảng Bình của VARS năm 2022, nhưng dự án Rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn được thực hiện đúng với tinh thần của VARS: Hỗ trợ người dân trồng rừng cây đa mục tiêu để đảm bảo tính bền vững của dự án, cũng như mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân.

Vào tháng 7/2022, đại diện của Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) đã làm việc trực tiếp với UBND xã Cò Nòi, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, về ý tưởng và kế hoạch thực thi dự án.

Sau đó, VARS và đại diện UBND xã, Phòng Nông nghiệp huyện và Hạt Kiểm lâm đã tiến hành khảo sát địa bàn trồng, xác định 13 hộ tham gia với 9,7 ha đất lâm nghiệp liền vùng, và chọn mắc ca là giống cây chính của dự án bên cạnh trồng kết hợp cây bản địa tếch và trám đen, để tạo độ che phủ bảo vệ khu rừng.

Đại diện VARS cùng con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (bên phải) trồng cây.

Đại diện VARS cùng con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (bên phải) trồng cây.

“Cây mắc ca là cây trồng vừa có khả năng tạo ra một thảm thực vật che phủ đất ổn định lâu dài trên 45 năm, vừa tạo thu nhập cho người dân. Do vậy việc hướng dẫn các kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch được thực hiện bởi cơ sở cung cấp giống, vừa đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn của VARS trong trồng rừng, vừa thiết lập một kế hoạch duy trì sức khỏe của rừng đa mục tiêu lâu dài, góp phần tăng cường năng lực phòng hộ của lưu vực và tạo thu nhập cho người dân. Ngoài ra, trồng xen tếch và trám đen sẽ tạo ra lớp che chắn toàn diện bảo vệ mắc ca khỏi gió, bão, sương muối…” – ông Nguyễn Văn Sự, đại diện của VARS chia sẻ thêm.

Dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh" được ấp ủ bởi những người sáng lập Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS). VARS đăng ký hoạt động từ tháng 12/2020, theo hình thức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa.

Mục tiêu chính của Dự án “Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh” là vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên với khoản đóng góp là 50.000 đồng/cây xanh.

Ngoài việc trực tiếp trồng rừng, Chương trình còn có tham vọng đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án, mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.

Tính đến 25/8/2022, VARS đã nhận được 1.748 lượt đóng góp với tổng số tiền hơn 4,6 tỉ đồng qua 2 tài khoản ngân hàng ACB và Techcombank.

Kết quả trồng rừng năm 2021 (giai đoạn 21/3/2021-21/3/2022) đã trồng được 80,46 ha trên 8 xã thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình với 43 chủ rừng hộ gia đình và 1 chủ rừng cộng đồng.

Các loài cây bản địa được sử dụng: Huỷnh, lim xanh, sưa đỏ, lát, dổi, re hương, gáo vàng, vàng tim, vồng ... với tổng số 98.330 cây trong đó có 8.939 cây phục vụ trồng dặm.

Từ 21/3/2022 đến nay, VARS đã trồng thêm được 14,3 ha rừng, đang tiến hành trồng tiếp 46 ha trong tháng 9 và tháng 10/2022. Mục tiêu tiêu đến tháng 3/2023, VARS sẽ trồng hoàn thành 100 ha rừng trên hai địa bàn huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.