Cuộc đua “ngôi chủ” ngân hàng

Dù “miễn cưỡng” giảm sở hữu cổ phần xuống dưới mức 5% theo quy định, các chủ ngân hàng và nhóm người có liên quan vẫn tìm cách nối dài sở hữu để duy trì quyền lực. Bố, mẹ, người thân của vợ lãnh đạo ngân hàng cũng “hăm hở” mua cổ phiếu...
Dù sở hữu cá nhân bị giảm, nhưng các cổ đông lớn vẫn duy trì ảnh hưởng của mình.
Dù sở hữu cá nhân bị giảm, nhưng các cổ đông lớn vẫn duy trì ảnh hưởng của mình.

Theo Luật Các TCTD năm 2010, các cổ đông lớn buộc phải thoái vốn về dưới tỷ lệ 5%, và nhóm cổ đông liên quan không được vượt quá sở hữu 20% vốn điều lệ ngân hàng. Gần đây, một số nhà băng tồn tại tình trạng sở hữu “vượt trần” đã bắt đầu có những diễn biến khá lạ và gây tò mò cho giới đầu tư.
 
Cổ phiếu chạy sang “bên ngoại”


Đáng chú ý nhất là tại VIB, khi các cổ đông lớn tích cực mua - bán cổ phiếu. Theo báo cáo quản trị năm 2014, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ chỉ còn nắm hơn 21,2 triệu cổ phiếu VIB, chiếm tỷ lệ 4,99%. Còn vợ ông Vỹ - bà Trần Thị Thảo Hiền - đã bán toàn bộ 20,82 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu từ 4,9% xuống 0% (trước đó có tổng sở hữu tới 18,5%).

Trái ngược với động thái này, anh vợ Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ, là ông Trần Nhất Minh, thành viên HĐQT đã mua 1,53 triệu cổ phiếu, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại VIB từ 0% lên 0,36%. Và, bố mẹ ông Minh đã mua tổng cộng 41,85 triệu cổ phiếu VIB, chiếm tỷ lệ 9,85%. Tổng cổ phần mà gia đình “bên ngoại” của ông Vỹ đã mua thêm chiếm tới 10,21% vốn ngân hàng.

Như vậy, phần lớn cổ phần thoái vốn của vợ chồng ông Đặng Khắc Vỹ (gần 13,7% cổ phần VIB, tương ứng 58,2 triệu đơn vị) đã “chuyển gọn” sang gia đình “bên ngoại” nắm giữ mà không thuộc diện “người có liên quan” với ông Vỹ, nên không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu.

Ngoài ra, 2 thành viên HĐQT khác của VIB cũng tăng mua cổ phần, như bà Đặng Thị Thu Hà, vợ Phó Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Sơn (sở hữu 0,36%) mua thêm 5,28 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 1,24%. Còn bố của ông Đỗ Xuân Hoàng, Thành viên HĐQT (sở hữu 5,99%) cũng tăng mua thêm 5,16 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên 1,21%...
Gia đình ông Trầm Bê hiện là cổ đông lớn của 2 ngân hàng. Tại Sacombank, đến cuối năm 2014, ông Trầm Bê vẫn nắm hơn 1,84 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,15% vốn điều lệ. Cùng với 3 người con, tổng sở hữu của gia đình ông Trầm Bê tại Sacombank là 6,77%.

Hiện chưa rõ ông Trầm Bê và các thành viên gia đình đã khắc phục sở hữu “vượt trần” tại Southern Bank chưa. Còn trước đó, cổ đông Trầm Bê nắm tới 8,36% vốn điều lệ (tính tới 30/6/2013) và 3 người con khác nắm tổng sở hữu tới 20,1%. Được biết, Sacombank và Southern Bank đang tiến hành hợp tác và nếu xảy ra sáp nhập, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Trầm Bê sẽ có thay đổi lớn.

Ngân hàng NamABank cũng có “tai tiếng” về sở hữu vượt quy định. Mãi đến cuối năm 2012, bà Tư Hường cùng các thành viên gia đình mới giảm sở hữu xuống dưới 5%. Nhưng tổng sở hữu của cả gia đình hiện vẫn rất lớn, trên 13% và nắm tới 3/8 ghế trong HĐQT.

Dù sở hữu cá nhân bị giảm, nhưng các cổ đông lớn vẫn duy trì ảnh hưởng của mình thông qua việc sở hữu ngân hàng của các công ty con, người có liên quan. Dẫn chứng là, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương - thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu - hiện là cổ đông lớn, sở hữu tới 10% cổ phần ngân hàng.

Hay Công ty CP Đầu tư và Thương mại hệ thống quốc tế (Nettra) đã sở hữu 15% cổ phần VIB - có liên quan đến 3 thành viên HĐQT là các ông Đặng Khắc Vỹ, Đặng Văn Sơn, Đỗ Xuân Hoàng. Ông Vỹ và ông Hoàng là cổ đông lớn nắm trên 5% cổ phần của Công ty Nettra.

Tính chung, tổng sở hữu của nhóm cổ đông này và người thân bên gia đình vợ tại VIB lên tới… 39% vốn điều lệ.

Khởi động thâu tóm?

Để khắc phục sở hữu chéo và thao túng ngân hàng, NHNN cũng ban hành các quy định, chỉ đạo buộc các cổ đông lớn phải chấp hành giới hạn tỷ lệ sở hữu. Dù thế, tình hình thực tế sở hữu tại ngân hàng vẫn rất phức tạp, bị chi phối bởi nhóm cổ đông quyền lực.

Có ý kiến cho rằng việc xử lý cổ phần “vượt trần” sở hữu thực ra khá đơn giản, đó là chia nhỏ tỷ lệ dưới 5% và chuyển nhượng lại cho nhiều cá nhân là người thân “bên ngoại”, hoặc công ty sân sau. Hay nhờ người khác đứng tên sở hữu cổ phần theo những bản hợp đồng “thỏa thuận ngầm” nên về bản chất, họ vẫn chi phối được ngân hàng.

Mặc dù chưa “gỡ” được vấn đề sở hữu “vượt trần”, gần đây, NamAbank lại gây chú ý khi liên tục mua gom hàng triệu cổ phiếu Tập đoàn Đại Dương (OGC) và công ty con của đại gia Hà Văn Thắm - chủ Oceanbank - vừa dính lao lý. Đơn cử: NamAbank mua 5,35 triệu cổ phiếu OGC, 3,25 triệu cổ phiếu OCH…

Trước đó, hàng loạt cổ đông lớn (Công ty CP Đầu tư Xây dựng Sông Đà - SDcon, DNTN Hà Bảo, Công ty Thành Đông) đã cấp tập bán ra tới 52 triệu cổ phiếu OGC (chiếm 17,33% vốn điều lệ) theo yêu cầu của ngân hàng. Đây là 3 cổ đông lớn sở hữu Oceanbank với tỷ lệ là OGC nắm 20%, SDcon nắm 6,65%, Công ty TNHH VNT nắm 20%...

Có thể thấy, cổ đông nào nắm quyền chi phối tại Tập đoàn Đại Dương thì sẽ nhanh chóng “đặt chân” vào Oceanbank - ngân hàng đang được đồn đoán sẽ bị sáp nhập. Từ đó, phương án sáp nhập sẽ giúp giảm nhanh tỷ lệ sở hữu “vượt trần”.

Theo Thời báo kinh doanh