Sau nhiều ngày điều trị không đỡ, bé bé M.T.T. (4 tháng tuổi, ở Hà Nội) được đưa vào Khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương.
TS.BS. Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc - cho biết: Với các triệu chứng của một trẻ mới 4 tháng tuổi, không có nguồn lây, lại đã tiêm phòng lao ban đầu, nên bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi. Nhưng điều trị gần một tuần mà bệnh tiến triển chậm. Sau khi làm đủ các xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ phát hiện cháu có nhiều hạch ở rốn phổi và trung thất. Các bác sĩ đặt ra nhiều chẩn đoán phân biệt như hạch viêm/ u trung thất/ lymphoma/hoặc lao...
Nhưng việc sinh thiết với một cháu bé mới 4 tháng tuổi là cực kỳ khó khăn. Gia đình cháu lo lắng và tuyệt vọng khi bác sĩ thông báo nghi ngờ có khối u trung thất và phổi.
Sau khi hội chẩn và phân tích, TS. Duy nghĩ tới khả năng cháu bị lao nên cho làm các xét nghiệm chẩn đoán. Dù vậy, TS. Duy vẫn bất ngờ khi kết quả cho thấy cháu bé bị lao - căn bệnh vốn thường gặp ở trẻ lớn và người lớn, tưởng chỉ có ở các địa phương xa xôi, nghèo khó, ít có điều kiện chăm sóc sức khoẻ.
Theo TS. Duy, việc xác định bệnh lao cho cháu bé mất nhiều thời gian vì chẩn đoán lao ở trẻ nhũ nhi (bú mẹ) thường khó hơn trẻ lớn và người lớn, vì hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên chưa hoàn chỉnh, do đó, phản ứng của trẻ với bệnh lao có thể không giống như ở người lớn hoặc trẻ lớn hơn. Vì vậy triệu chứng thường không điển hình, dễ nhầm với triệu chứng nhiễm virus khác.
Bên cạnh đó, ở trẻ nhũ nhi, các triệu chứng của bệnh lao thường không rõ ràng nên cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, như viêm phổi, vì trẻ có thể chỉ biểu hiện triệu chứng chung như sốt, ho, hoặc chậm phát triển - những triệu chứng không đặc hiệu cho bệnh lao.
Mặt khác, trên hình ảnh X-quang phổi khó đọc do X-quang phổi của trẻ nhũ nhi có thể không cho thấy các biểu hiện rõ ràng của bệnh lao, hoặc dễ bị nhầm lẫn là viêm phổi.
“Nếu bác sĩ không nghĩ tới trẻ bị lao thì sẽ không chỉ định cho trẻ xét nghiệm, rồi chụp phổi, xét nghiệm soi đờm, làm CRP lao, gen Expert, cấy dịch dạ dày - mà việc cấy dịch dạ dày rất phức tạp khi trẻ phải nhịn ăn, rồi đặt sonde dạ dày để lấy dịch - và sinh thiết nếu cần” - TS. Duy chia sẻ.
Khi đã khẳng định cháu bé mắc lao, cháu bé được chỉ định chuyển bé sang Bệnh viện Phổi Trung ương để điều trị. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, các bác sĩ đã cho xét nghiệm những người thân của bé và phát hiện thêm một số người cũng mắc lao, để điều trị kịp thời.
Theo BS Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi Trung ương - mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện và điều trị khoảng 70 - 80 ca bệnh lao, đều là những ca nặng, khó chẩn đoán. Các bệnh nhân thường mắc các thể lao phổi – màng phổi (45%), lao toàn thể (18%), lao màng não (30%), lao xương, lao hạch.
Hầu hết các bệnh nhi đều dưới 5 tuổi và đa số bệnh xảy ra trong vòng một năm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Đáng chú ý khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với trẻ sống trong gia đình không mắc bệnh lao, nếu mẹ bị lao thì tỉ lệ tử vong tăng gấp 8 lần.
BS Thảo hướng dẫn cách nhận biết sớm bệnh lao ở trẻ em qua các dấu hiệu: Từng tiếp xúc gần với người bệnh lao phổi, trong vòng 1-2 năm gần đây; có các triệu chứng lâm sàng nghi lao đã được điều trị nhưng không hoặc ít cải thiện, nhanh tái phát.
Đặc biệt là các triệu chứng lâm sàng nghi lao như sốt, ra mồ hôi đêm; mệt mỏi/giảm chơi đùa; chán ăn/không tăng cân/ sụt cân/suy dinh dưỡng. Có các triệu chứng ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp,… kéo dài trên 2 tuần, không cải thiện với liệu pháp điều trị khác ngoài.
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định trẻ mắc lao có thể khỏi bệnh, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng phác đồ, đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc.
Để phòng bệnh lao cho trẻ em, BS. Nguyễn Phương Thảo khuyến cáo: Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh lao vì miễn dịch trẻ còn yếu. Vì thế, nếu trẻ em nếu có phơi nhiễm cần được sàng lọc tại cơ sở y tế và theo dõi; giảm tiếp xúc nguồn lây.
Bên cạnh đó, làm thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường: Dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc với người khác; khạc đờm đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên.
“Tiêm vaccin BCG nhằm giúp cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. BCG hiệu quả trong việc chống lại bệnh lao lan tỏa và lao màng não” - BS Thảo cho hay.
Việt Nam nằm trong Top 11 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới, đồng thời cũng trong Top 11 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Mỗi năm, Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do bệnh này. Tuy nhiên, số ca được phát hiện chỉ chiếm khoảng 60% số người mắc bệnh, tức là còn 40% chưa được phát hiện.
Sau đại dịch COVID, số người nhiễm lao ở Việt Nam cao hơn nhiều và việc điều trị bệnh nhân lao từng mắc COVID cũng khó khăn hơn.