Các “Tổ tuần thị trung ương” – nỗi khiếp đảm của các quan tham
Từ những năm 1990, Trung ương ĐCSTQ đã thăm dò việc triển khai công tác “tuần thị” (tuần tra, thị sát nắm tình hình, tương tự với thanh tra). Trong các năm 2001, 2002, UBKTKLTƯ và Ban Tổ chức TƯ đã thí điểm phối hợp cử các Tổ tuần thị xuống một số tỉnh. Tháng 7/2009, Điều lệ công tác “tuần thị” (thử nghiệm) được ban hành. Đến tháng 11/2009, Tổ lãnh đạo công tác tuần thị Trung ương là cơ quan nghị sự của Trung ương ĐCSTQ được lập ra để lãnh đạo công tác “tuần thị” của toàn Đảng và các Tổ tuần thị trung ương, chịu trách nhiệm và trực tiếp báo cáo công tác với Trung ương Đảng.
Thành phần Tổ lãnh đạo gồm các thành viên là người của UBKTKLTƯ và Ban Tổ chức Trung ương. Hiện nay, Tổ trưởng là ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư UBKTKLTƯ; hai Tổ phó là các ông Dương Hiểu Độ (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ, Phó Bí thư Thường trực UBKTKLTƯ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia) và Trần Hy (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương).
Các Tổ tuần thị trung ương được thành lập theo nhu cầu thực tế của công cuộc chống tham nhũng để thực hiện nhiệm vụ “tuần thị”, thực hiện chế độ Tổ trưởng phụ trách, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Tổ lãnh đạo công tác “tuần thị” trung ương. Đối tượng “tuần thị” là tập thể ban lãnh đạo và thành viên ban lãnh đạo các cơ quan đảng, chính quyền, đơn vị xí nghiệp cấp tỉnh trở lên. Tổ trưởng Tổ tuần thị nói chung là cán bộ cấp trưởng của Bộ, tỉnh đã rời khỏi vị trí lãnh đạo (tuyến 1) nhưng chưa tới 70 tuổi, được lựa chọn kỹ lưỡng; thời gian mỗi đợt “tuần thị” căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ, mỗi đợt (chiến dịch) thường huy động từ 10 đến 13 Tổ.
Tháng 8/2015, Điều lệ công tác “tuần thị” sau khi được sửa chữa, hoàn chỉnh đã sửa đổi quy định mối quan hệ giữa Tổ lãnh đạo công tác “tuần thị” trung ương với công tác “tuần thị” các tỉnh, thành từ “chỉ đạo” thành “lãnh đạo” và mở rộng phạm vi đối tượng “tuần thị” có thêm: người lãnh đạo tổ chức đảng của Tòa án, Viện kiểm sát, người phụ trách “bộ tứ lãnh đạo” (Bí thư, Chủ tịch, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Chính Hiệp) các thành phố thuộc tỉnh, ban lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trung ương, cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, xí nghiệp trực thuộc trung ương…
Nhiệm vụ của các Tổ Tuần thị là kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành đường lối, phương châm, chính sách, các nghị quyết của đảng, đảm bảo mệnh lệnh của Trung ương được thực thi suôn sẻ và phát hiện các hành vi tham nhũng hủ bại. Chính qua hoạt động của các Tổ Tuần thị, đã phát hiện các vụ án cán bộ lãnh đạo cao cấp vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng như Trần Lương Vũ (UV Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy kiêm Thị trưởng Thượng Hải), Ngũ Vũ Kiệt (Phó bí thư tỉnh ủy Sơn Tây), Từ Quốc Kiện (UV thường vụ, Trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy Giang Tô), Lý Bảo Kim (Viện trưởng Kiểm sát, Phó bí thư Chính pháp tỉnh Sơn Đông), Đỗ Thế Thành (Phó bí thư tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư thành ủy Thanh Đảo)…
Quy trình công tác của Tổ Tuần thị gồm các bước:
Chuẩn bị: tìm hiểu tình hình ban lãnh đạo và các thành viên lãnh đạo địa phương, đơn vị định đến qua Ban Tổ chức, cơ quan Tổng thanh tra, Cục tiếp dân; lập phương án, thông báo cho địa phương, đơn vị biết.
Tìm hiểu: thông báo mục đích, nhiệm vụ, công bố phạm vi “tuần thị”, bố trí công tác, phương thức liên hệ; tìm hiểu các vấn đề, tồn tại qua nhiều con đường khac nhau; trong thời gian “tuần thị” phát hiện thấy vấn đề vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng của cán bộ lãnh đạo thì kịp thời báo cáo Tổ lãnh đạo của Trung ương.
Báo cáo tình hình sau khi kết thúc và đề xuất ý kiến kiến nghị.
Phương thức công tác: ngoài các phương thức thông thường như hội họp, tọa đàm, tiếp nhận đơn, thư, kiểm tra hồ sơ, sổ sách…từ sau Đại hội 18 các Tổ tuần thị còn công bố số điện thoại di động chuyên dụng để nhận tin nhắn tố giác của cán bộ, quần chúng.
Trong vòng 3 năm sau Đại hội 18, UBKTKLTƯ đã cử 208 Tổ tuần thị tới 1.214 lượt địa phương và đơn vị. Thực tế cho thấy hoạt động của các Tổ tuần thị tỏ ra rất hiệu quả. Thông thường các thành viên bí mật xuống địa phương nằm vùng, tiếp xúc với các đối tượng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, những người có đơn thư tố cáo để điều tra, nắm tình hình, thu thập chứng cứ, nhận định đánh giá, kết luận về đối tượng rồi báo cáo với Tổ lãnh đạo công tác “tuần thị” trung ương (Gọi tắt Tổ trung ương) đề đạt xin ý kiến lãnh đạo Trung ương xử lý.
Ví dụ, năm 2014, Tổ trung ương tổ chức 2 đợt “tuần thị”. Đợt 1 vào tháng 3, thành lập 13 Tổ tuần thị đi xuống các tỉnh, thành, đơn vị: Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Sơn Đông, Hà Nam, Cam Túc, Ninh Hạ, Tân Cương, Binh đoàn sản xuất xây dựng Tân Cương, Bộ Khoa học kỹ thuật, Đại học Phục Đán, Tập đoàn Lương thực Trung Quốc. Kết quả: phát hiện, hạ gục một số quan tham như: Tổ tuần thị số 3 Ninh Hạ phát hiện hạ bệ Giả Phấn Cường, Phó giám đốc Sở CA và Dương Hữu Minh Phó giám đốc Sở Giao thông Ninh Hạ; Tổ số 5 đi Thiên Tân đã phát hiện, hạ gục Vũ Trường Thuận, Giám đốc CA thành phố; Tổ số 7 đi Hải Nam đã quật ngã Ngô Quốc Hoa, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội Văn nghệ Tam Á; Tổ số 8 đi Hà Nam đã phát hiện, hạ gục 3 quan tham: Lưu Quốc Khánh, Bí thư thị ủy Trú Mã Điếm, Lưu Trường Xuân, Bí thư thành ủy Khai Phong, Lưu Hồng Đào, Giám đốc Sở xây dựng nhà ở tỉnh.
Đợt 2, tháng 7/2014 cử 13 tổ đi 10 tỉnh, thành, khu: Quảng Tây, Thượng Hải, Thanh Hải, Tây Tạng, Chiết Giang, Hà Bắc, Thiểm Tây, Hắc Long Giang, Tứ Xuyên, Giang Tô và Tổng cục TDTT, Viện khoa học Trung Quốc, Tập đoàn xe hơi số 1. Kết quả đã lôi ra rất nhiều Hổ lớn, Hổ nhỏ tại 10/13 nơi. Tại Quảng Tây: hạ bệ 3 quan tham; Thượng Hải: 2; Thanh Hải: 1; Chiết Giang: 1; Hà Bắc: 5; Thiểm Tây: 3; Hắc Long Giang: 6; Tứ Xuyên: 7; Giang Tô 5; Tập đoàn sản xuất xe hơi số 1: 7.
Năm 2015, từ tháng 3, Tổ trung ương đã cử 13 Tổ tuần thị đến 26 xí nghiệp trực thuộc trung ương để điều tra, nắm tình hình. Kết quả, ít nhất 2 lãnh đạo các xí nghiệp lớn là Thôi Kiện, Phó Chủ tịch Tập đoàn Gang thép Bảo Sơn và Vương Thiên Phổ, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Hóa dầu (SINOPEC) đã bị ngã ngựa vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” – cụm từ được dùng để chỉ hành vi phạm tội tham nhũng.
Trong đó đáng chú ý là vụ quật ngã “Hổ lớn” ngành Hóa dầu Vương Thiên Phổ. Vương Thiên Phổ, quê Sơn Đông, sinh tháng 9/1962, là Giáo sư, Tiến sĩ, một cán bộ được coi là “đầy triển vọng”. Tốt nghiệp Đại học KHKT Thanh Đảo năm 1985, năm 1993 Phổ được SINOPEC lựa chọn là “Nhân tài kế tục xuyên thế kỷ”, đưa đi đào tạo tại Học viện quản lý công thương Đại Liên. SINOPEC là tập đoàn lớn với số vốn đăng ký 231,6 tỷ tệ, có Công ty TNHH cổ phần Hóa dầu Trung Quốc đã phát hành cổ phiếu và niêm yết trên các sàn chứng khoán Thượng Hải, Hong Kong, New York và London từ các năm 2000, 2001.
Theo Tạp chí Forbes năm 2005, SINOPEC hiện đứng thứ 2 trong danh sách 500 xí nghiệp hàng đầu thế giới. Tháng 3/2015, Tổ Tuần thị số 6 của UBKTKLTƯ về nằm vùng tại SINOPEC đã phát hiện nhiều vấn đề tiêu cực như một số cán bộ lãnh đạo có biểu hiện móc ngoặc, chia chác lợi ích trong xây dựng công trình, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, hợp tác kinh doanh ở nước ngoài; có lãnh đạo cho người nhà, con em mở xí nghiệp kinh doanh trái phép, bắt tay nhau để trao đổi lợi ích. Tổ Tuần thị còn nhận được thư tố giác manh mối phạm tội của một số người lãnh đạo trong đó có Vương Thiên Phổ và chuyển cho Ban Tổ chức trung ương, UBKTKLTƯ và các cơ quan liên quan xử lý.
Đầu tháng 4/2015, Ngô Chấn Phương, đảng ủy viên, Phó TGĐ SINOPEC bị điều tra. Ngày 27/4, UBKTKLTW đã quyết định lập hồ sơ điều tra Tổng giám đốc Vương Thiên Phổ vì “có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”. Ngày 18/9, trang web của UBKTKLTW đăng thông báo với nội dung: “Được sự phê chủan của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, UBKTKLTƯ đã tiến hành lập hồ sơ điều tra vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng của Vương Thiên Phổ, nguyên thành viên Hội đồng quản trị, đảng ủy viên, Tổng giám đốc Tổng công ty tập đoàn Công nghiệp hóa dầu Trung Quốc (SINOPEC).
Qua điều tra cho thấy, Vương Thiên Phổ đã: Vi phạm nghiêm trọng các quy định chính trị và kỷ luật tổ chức của Đảng, để mưu cầu thăng tiến cá nhân, chạy chọt đưa hối lộ, che dấu những vấn đề cá nhân có liên quan; vi phạm nghiêm trọng các quy định về liêm khiết tự răn, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ để mưu cầu lợi ích cho việc kinh doanh của người thân, sau khi được tổ chức nhắc nhở vẫn không chịu sửa, tiếp tục ủng hộ, dung túng người thân làm sai; vi phạm nghiêm trọng tinh thần “8 điều quy định” của Trung ương, dùng tiền công tiệc tùng chè chén trái quy định; lợi dụng thuận tiện về chức vụ để chiếm hữu trái phép tài sản công cộng; mưu cầu lợi ích cá nhân cho người khác trong kinh doanh xí nghiệp rồi vòi vĩnh và nhận hối lộ. Trong đó, có biểu hiện phạm tội tham ô và nhận hối lộ.
Vương Thiên Phổ là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng nhưng vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, sau Đại hội Đảng lần thứ 18 vẫn không sửa đổi, không ngừng tay, tính chất xấu xa, tình tiết nghiêm trọng. Căn cứ quy định liên quan của Điều lệ xử lý kỷ luật đảng, Hội nghị Ban Thường vụ UBKTKLTƯ đã xem xét, báo cáo Trung ương Đảng phê chuẩn, quyết định khai trừ đảng tịch đối với Vương Thiên Phổ; Bộ Giám sát báo cáo Quốc vụ viện xử lý kỷ luật khai trừ về mặt hành chính (cách chức), thu hồi toàn bộ những thu nhập trái quy định; chuyển vấn đề phạm tội, manh mối và những tiền, vật liên quan sang cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật”.
Chiều cùng ngày 18/9/2015, trang web chính thức của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đưa tin: Viện đã quyết định lập án điều tra và bắt giam Vương Thiên Phổ vì bị tình nghi phạm tội nhận hối lộ. Như vậy, việc bắt giam Vương Thiên Phổ đã được thực hiện chỉ mấy tiếng sau khi ông ta bị xử lý kỷ luật khai trừ đảng tịch.
Thông qua trang web tố giác quan tham (http://www.12388.gov.cn/) và địa chỉ nhận tin nhắn (http://jfts.mos.gov.cn/m), quần chúng có thể nhắn tin, gửi hình ảnh tố cáo hành vi tham nhũng hủ bại của các quan chức như: dùng tiền công ăn nhậu, đi du hí trong, ngoài nước; sống sa đọa, trụy lạc; sử dụng xe công trái quy định; ở nhà công vụ trái quy định; nhận tiền, quà biếu; tổ chức tiệc tùng cưới xin, ma chay linh đình; tiếp khách hoặc nhận tiếp đãi quá tiêu chuẩn; nhận hoặc dùng tiền công để tiêu xài hay tham gia hoạt động thể thao đắt tiền..v.v.
Đó là cơ sở để các Tổ Tuần thị ra tay điều tra, phát hiện giúp UBKTKLTƯ xử lý kỷ luật đảng trước khi chuyển hồ sơ, manh mối phạm tội của quan tham sang cơ quan pháp luật trừng trị.
(Còn tiếp)
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham Trung Quốc