Tối 20/4, Trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa thấy tung tích hai phi công, khả năng rất cao là hai sỹ quan lái biên đội Su-22 gặp nạn ở vùng biển huyện đảo Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận, đã hy sinh.
Theo Trung tướng Tuấn, năm ngày qua, lực lượng tìm kiếm huy động nhiều thiết bị hiện đại, phát hiện các mãnh vỡ của 2 tiêm kích Su-22 gặp nạn. Trong đó có rất nhiều mãnh vỡ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định nguyên nhân và số phận hai phi công.
"Khi tìm thấy ghế dù, qua phân tích cho thấy bộ phận này rớt xuống nước mới vỡ chứ không phải bắn ghế ra. Vì vậy chuyện phi công nhảy dù trước khi máy bay rơi là không có", ông Tuấn nói.
Nói về nhận định hai máy bay có thể vỡ tung trên bầu trời trước khi rơi xuống nước, ông Tuấn cho biết, khi máy bay va chạm có thể đã mất điều khiển. Tuy nhiên, muốn biết nguyên nhân và sự việc chính xác cần phải giải mã hộp đen.
Việc tìm kiếm khó khăn những ngày qua, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho là do các mảnh vỡ đã bị cuốn trôi khỏi khu vực bị nạn. "Có khả năng dòng hải lưu mạnh trong ngày xảy ra tai nạn đã cuốn 2 máy bay và các phi công ra xa. Những ngày tới đây, chúng tôi tiếp tục ưu tiên tìm kiếm phi công, sau đó là hộp đen để biết được nguyên nhân tai nạn", Trung tướng Tuấn nói.
Trước việc liên tiếp xảy ra tai nạn máy bay trong thời gian qua, ông Tuấn nói rằng sẽ tổ chức nhiều hội nghị liên quan chuyên môn kỹ thuật, xem lại các yếu tố để đảm bảo an toàn bay.
“Quan trọng nhất là phải tìm cho được hai phi công Lê Văn Nghĩa
và Nguyễn Anh Tú, sau đó mới ưu tiên tìm các bộ phận khác của máy bay”.
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết như vậy khi trao đổi vối Tuổi Trẻ.
Đã xác định ví trí hai máy bay SU-22
Tín hiệu tích cực này đã được thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - phó tư lệnh Quân chủng phòng không không quân - thông tin với Tuổi Trẻ lúc 19g ngày 19-4, sau khi bổ sung nhiều phương án tìm kiếm hai máy bay SU-22 trong ngày tìm kiếm thứ tư.
Trong ngày 19-4, đã có thêm nhiều tàu được tăng cường đến hiện trường tìm kiếm hai máy bay SU-22, trong đó có tàu KN-782 của chi đội kiểm ngư 4, tàu 884 và 886 của Đoàn đo đạc, biên vẽ bản đồ và nghiên cứu biển của Quân chủng hải quân (Đoàn 6).
Ngoài ra, 12 đặc công người nhái được tăng cường và tất cả lực lượng khác đang có mặt tại hiện trường tìm kiếm cũng được bổ sung phương tiện và lực lượng.
Bổ sung phương án tìm kiếm
Bổ sung quan trọng nhất là ba tàu có trang bị thiết bị rà quét, dò tìm kim loại. Ngay trong buổi sáng, tất cả tàu cá và nhiều tàu tìm kiếm khác đã được lệnh giãn ra bán kính 5 hải lý quanh vị trí các tàu rà quét kim loại.
Lực lượng đặc công người nhái của lữ đoàn đặc công 5 cũng được lệnh tạm ngưng trong buổi sáng, nhường vị trí cho các tàu rà quét kim loại.
Lãnh đạo quân chủng trực 24/24 giờ tại đảo Phú Quý để ứng phó với các tình huống tìm kiếm, không bay đi bay về từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) đến đảo Phú Quý như trong ba ngày tìm kiếm đầu tiên.
Việc tăng cường lực lượng và phương án tìm kiếm này đã mang lại hiệu quả. Sau khi dò tìm và ném phao để định vị một số vị trí, kết thúc ngày tìm kiếm thứ tư, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết đã vớt được một số mảnh vỡ của cánh máy bay SU-22 số hiệu 5863 do đại úy phi công Nguyễn Anh Tú điều khiển.
Đồng thời xác định chính xác vị trí của máy bay này dưới đáy biển. Cũng sau ca lặn cuối cùng của ngày tìm kiếm thứ tư, thượng tá Hoàng Văn Số - chủ nhiệm chính trị của lữ đoàn đặc công 5 - thông tin: “Vào cuối giờ lặn, các đặc công người nhái đã trục vớt được một mảnh buồng lái rộng khoảng 1m2 và hai mảnh vỡ nhỏ hơn từ thân của máy bay SU-22”.
Như vậy, với các mảnh vỡ máy bay SU-22 do phi công Nguyễn Anh Tú điều khiển được tìm thấy, cả hai máy bay SU-22 bị mất tích đều đã xác định rõ vị trí.
“Do đó chúng tôi quyết định thu hẹp phạm vi tìm kiếm, tập trung vào vị trí đã xác định. Phối hợp cả tàu rà quét kim loại và đặc công người nhái để phát hiện và trục vớt” - thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn cho biết.
|
Mảnh vỡ buồng lái máy bay SU-22 do phi công Nguyễn Anh Tú điều khiển được các đặc công người nhái trục vớt chiều 19-4 - Ảnh: thượng tá Hoàng Văn Số cung cấp |
Tìm người: ưu tiên hàng đầu
Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan trong việc xác định vị trí hai máy bay SU-22 nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nói đó không phải là ưu tiên lớn nhất. “Quan trọng nhất là phải tìm cho được hai phi công Nghĩa và Tú, sau đó mới ưu tiên tìm các bộ phận khác của máy bay”.
Ông Tuấn cho biết hôm nay sẽ tăng cường một số trang thiết bị tìm kiếm hiện đại. Trong đó, hi vọng lớn là tìm được hộp đen để xác định nguyên nhân tai nạn, mở ra hướng tìm kiếm hai phi công.
Trong suốt đêm 19 rạng sáng 20-4, ba tàu rà quét kim loại đã hoạt động liên tục để quá trình trục vớt hai máy bay SU-22 được tiến hành sớm nhất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đỗ Hồng Đó - chính ủy Vùng cảnh sát biển 3 - cho hay khi trục vớt các bộ phận chính của hai máy bay SU-22, tàu cảnh sát biển 9001 sẽ truyền hình trực tiếp cảnh trục vớt về Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tại Hà Nội.
Theo đại tá Đó, việc truyền trực tiếp hình ảnh trục vớt về Bộ tư lệnh Cảnh sát biển sẽ giúp có những chỉ đạo kịp thời để việc trục vớt an toàn và hiệu quả.
Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm gia đình phi công Nguyễn Anh Tú
Chiều 19-4, nguyên tổng bí thư Lê Khả phiêu và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đã đến thăm, chia sẻ động viên gia đình phi công Nguyễn Anh Tú.
Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã ân cần thăm hỏi bố mẹ, vợ con phi công Nguyễn Anh Tú và mong gia đình bình tĩnh, quân đội và các lực lượng khác đang tập trung tất cả phương tiện tối tân để tìm kiếm hai máy bay SU-22 và hai phi công.
Theo: VnExpress