“Bởi chiến tranh không phải trò đùa…”
Ở tuổi 90, có gần 50 năm gắn bó với con đường binh nghiệp, nên không khó hiểu, trong câu chuyện với chúng tôi, ông chỉ thực sự trở nên hào hứng khi nói về quãng đời binh nghiệp lẫy lừng của mình, về những trận đánh thần tốc của lực lượng đặc công, về những chiến công của lực lượng vũ trang Việt Nam…
Phu nhân của ông rót nước mời khách. Nâng ly trà, nhấp một ngụm, ông hỏi tôi: “Lúc nghe tin giải phóng miền Nam, cậu ở đâu? làm gì?”. Tôi bảo: “Lúc đó cháu còn bé, đang cõng em chơi ở sân cùng chúng bạn, cả bọn cứ òa lên ôm lấy nhau... Một cảm xúc thật khó tả. Từ nay không còn giật mình nghe tiếng còi báo động “máy bay địch đang tiến vào… đề nghị bà con xuống hầm trú ẩn”, lại nhanh chóng cõng em chạy xuống hầm nữa”.
Ông cười nhìn chúng tôi âu yếm, bảo: “Lúc ấy tôi đang ở miền Nam. Chiến sỹ trong quân đội chiến đấu vì tổ quốc, vì nhân dân. Ngày 30/4/1975 là dấu mốc thiêng liêng của dân tộc ta mà cả thế giới biết đến. Bao người mẹ lại có cơ hội ôm lấy con mình đứt ruột đẻ ra sau bao đêm mất ngủ ngóng tin, những chàng trai, cô gái từng gác lại bao ước mơ của thời tuổi trẻ, khoác ba lô lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những người vợ, người chồng, người con, người đồng chí… bao đêm thao thức chờ tin người thân, đồng đội… Chỉ vậy thôi đã đủ thấy trân quý tự do hòa bình! Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa!”.
“Điều đó rồi xảy ra/ Em biết và em biết/ Một mai anh chiến thắng trở về/ đôi vai gầy và đôi mắt sâu/ Tóc đã điểm bạc, làn da nay rám màu sương gió/ Ơ ơ ơ ơ ơ ơ…/ Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải một trò đùa…”.
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn, ông cầm chiếc điều khiển, chỉnh âm lượng tivi to hơn. Ca sĩ Cẩm Vân đang trình bày ca khúc “Mùa xuân” của Phạm Minh Tuấn. Nghe hết ca khúc, ông tắt tivi, quay lại phía chúng tôi, vẻ mặt trầm ngâm. Không hiểu sao tôi bỗng nhớ tới hai câu thơ của nhà thơ người Nga (thời Liên Xô) Robert Rozhdestvensky: “Hỡi nhân loại khi trái tim còn đập/ Hãy nhớ hạnh phúc phải trả giá đắt biết chừng nào!”. Vâng, đó là hai câu thơ, theo tôi, thuộc loại hay nhất khi nói về chiến tranh.
“Giải phóng Trường Sa, tôi nhận lệnh từ Tướng Giáp”
Câu chuyện của chúng tôi với Tướng Năng lại quay về chủ đề bộ đội đặc công. Tướng Năng nói: “Đặc công Việt Nam có ba đặc chủng: Biệt động, Đặc công khô, Đặc công nước. Tôi vinh dự được tham gia hai nhiệm vụ của Đặc công khô và Đặc công nước.
Đặc công Việt Nam như Bác Hồ nói, là công tác đặc biệt, đặc biệt tất cả, nhưng trước hết là đặc biệt là trung thành với Đảng và nhân dân! Nhiệm vụ khó khăn đặc biệt nào cũng hoàn thành đặc biệt cao. Nó thành tiềm thức, tư tưởng, suy nghĩ, hành động. Anh em dù ở bất cứ đâu, vị trí nào, đã ra đi là đánh, đã đánh là thắng!"
Ông kể tiếp: “Năm 1975, tôi là Đoàn trưởng đặc công Hải quân nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua cấp trên. Chỉ thị nêu rõ: “Hải quân phải tập trung mọi khả năng, mọi biện pháp đánh chiếm và giải phóng tất cả các đảo do địch chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào được xâm chiếm các nơi đó.
Tuy nhiên, lúc đó có một vấn đề khó là anh em chưa thuộc hết các đảo. Khoảng cách giữa các đảo với nhau và giữa các đảo và đất liền đều rất xa. Tôi đề xuất phương án đánh từng đảo một, đánh chắc thắng đảo này tiến tới đảo khác với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa” như bức điện mật Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho các đơn vị trong cuộc tổng lực giải phóng miền Nam. Chỉ từ ngày 14 đến 29/4/1975, Đoàn đặc công hải quân đã giải phóng hoàn toàn Trường Sa, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tuy nhiên, khi tiến quân giải phóng Trường Sa, chúng ta chỉ có vũ khí thô sơ: súng chỉ có tiểu liên, súng hỏa lực dùng chủ yếu B41 vì tiện nhất, bắn chính xác nhất; cũng có trang bị cối, DKZ nhưng đó chỉ là dùng cho phòng thủ chứ không phải dùng cho tấn công. Trang phục chủ yếu quần áo lót để tiện cho bơi. Phao bảo hiểm luôn ở trong người nhưng khi nào cần mới bật lên”.
Hết dăm tuần trà. Mặt trời đã đứng bóng. Tướng Năng cũng đã thấm mệt. Trước khi chia tay, ông nắm chặt tay tôi, bảo: “Trong chiến tranh hy sinh, mất mát là điều khó tránh khỏi. Mình cũng bị thương mấy lần mà không chết là quý hóa lắm rồi. Bao đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để có được độc lập tự do cho dân tộc”.
Rồi ông nhìn cậu sinh viên Trường Đại học Hàng hải đi cùng tôi một cách trìu mến. Dường như ông muốn nói gì đó với cậu sinh viên, nhưng lại thôi. Trong ánh mắt của vị Tướng già như đang muốn nhắn nhủ, gửi gắm rất nhiều điều về tương lai.
Chia tay vị tướng già đã 90 tuổi, ông tiễn chúng tôi ra tận cổng, ngoài kia bao bạn trẻ thành phố Cảng đang náo nức chuẩn bị cho Ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các chàng trai cô gái trong trang phục áo xanh tình nguyện, làm duyên với vành mũ tai bèo của anh giải phóng quân năm nào, vừa làm vừa hát:
“Đi qua vườn trẻ chơi, ngỡ bầy chim đang hót, / Ta nghe đời vui hơn… Những nghĩ suy một mình. / Đi thăm người mới quen, một lần chưa nói hết / Chuyện dài của quê hương, hiểu nhiều càng yêu hơn. / Như người đứng gác đêm / thầm lặng mà đẹp lắm đất nước ơi. / Những người dân nước tôi / mang con tim thời đại/ Đẹp nhất cuộc sống vì mọi người…” (Lời bài hát “Đi qua vùng cỏ non” của Trần Long Ẩn).
Thiếu tướng Mai Năng tên thật là Tạ Văn Thiều, sinh năm 1928, tại Ngũ Phúc, Kiến Thụy, Hải Phòng. Ông nhập ngũ năm 1950. Năm 1969 ông được phong danh hiệu Anh hùng LLVT khi đang là Đại đội trưởng đặc công.
Trong kháng chiến chống Mỹ ông đã tham gia xây dựng ngành đặc công hải quân, nghiên cứu phát triển cách đánh mới độc đáo, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Ông là người trực tiếp chỉ huy bộ đội đặc công chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa.
Đất nước thống nhất, tướng Năng về tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam. Chiến dịch chống quân bành trướng phía Bắc, tướng Năng giữ chức vụ Tư lệnh Binh chủng Đặc công.
Ông được Nhà nước trao tặng: Huân chương kháng chiến (hạng Nhất, hạng Nhì), Huân chương Quân công (hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương Chiến công (hạng Nhất, hạng Nhì)