Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Thụy Sĩ hồi 20/1/2016, dựa trên những tác động của hệ thống trí tuệ nhân tạo - AI, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng máy móc sẽ thay thế cho lực lượng lao động con người trong tương lai không xa. Những cuộc cách mạng công nghệ sẽ tác động trực tiếp vào thị trường lao động trong giai đoạn 2015-2020 và khiến 5,1 triệu công nhân bị thất nghiệp. Nghiên cứu này cho trong vòng 20-30 năm tới sẽ có khoảng 30-50% lực lượng lao động toàn cầu sẽ có nguy cơ bị những cỗ máy thông minh thay thế.
Tuy nhiên, một xã hội được tự động hóa hay ứng dụng máy thông minh không có nghĩa sẽ khiến công việc bị loại bỏ. Mỗi ngành nghề đều có những phần cần đến con người.
Con người trong vòng lặp (human in the loop)
Mối quan hệ giữa con người và máy móc
Thuật ngữ “human in the loop” hay còn được gọi là bán tự hành-semiautonomous nhằm chỉ việc hệ thống máy móc thực hiện các hoạt động trong khoảng thời gian nhất định và dừng lại để đợi lệnh mới từ con người. Đây được xem là khái niệm cơ bản về mối quan hệ giữa con người và máy thông minh.
Tiến xa hơn là các loại máy có khả năng thực hiện hoàn chỉnh một chức năng, còn con người nắm vai trò giám sát và sẵn sàng can thiệp nếu sự cố xảy ra. Khái niệm này gọi là “tự hành có giám sát” (human-supervised autonomous, hay “human on the loop”).
Còn những loại máy có khả năng tự động và con người không có khả năng can thiệp gọi là “tự hành hoàn toàn” (fully autonomous, hay “human out of the loop”).
Khi người ta nói về công nghệ tác động như thế nào lên thị trường việc làm thì dường như cuộc tranh luận này chỉ hướng vào việc làm rõ là công nghệ đã lấy đi việc làm của chúng ta như thế nào.
Tuy nhiên đây dường như là một sự nhầm lẫn bởi công việc của chúng ta được doanh nghiệp quyết định theo động lực thị trường (market force) và nền kinh tế được quyết định bằng kỷ nguyên máy thông minh - những hệ thống có thể làm công việc của bạn tốt hơn với chi phí thấp hơn.
Đây có vẻ là một quan điểm nhằm an ủi, điều quan trọng là các nhà điều hành doanh nghiệp sẽ có tiếng nói cuối cùng về việc có hay không chuyện sẽ thay thế một phần lực lượng lao động mà họ cảm thấy không cần thiết.
Định luật biến đổi gia tốc (The law of accelerating returns)
Định luật của Ray Kurzweil - nhà khoa học của Google đã nói rằng “giải pháp công nghệ đi theo quỹ đạo có thể dự đoán với tốc độ cấp số nhân”. Sự phát triển của công nghệ hiện nay đã có tốc độ nhanh hơn bao giờ hết nhưng dường như con người vẫn chưa hề nhận ra toàn cảnh của sự thay đổi đó. Chúng ta chỉ nhận ra khi cuộc sống thường nhật của mình được thay đổi hoàn toàn bởi công nghệ.
Nhìn lại công nghệ và nền tảng của con người thì có thể dễ dàng định vị ra những cột mốc quan trọng như 500 năm, 200 năm rồi 100 hay 10 năm trước đây, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra mình đã khác với 5 năm trước như thế nào. Sự thay đổi này cho thấy tốc độ phát triển của công nghệ nhưng hậu quả tốc độ phát triển này chính là khoảng thời gian giữa mỗi làn sóng thay đổi các ngành công nghiệp và xã hội ngày càng ngắn hơn. Nếu công nghệ không mang đến những nguy cơ cho công việc của bạn trong hôm nay thì điều này có khả năng diễn ra vào ngày mai.
Công nghệ thông minh làm được gì?
Không giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nhằm giải phóng con người khỏi lao động nặng nhọc, công nghệ ngày nay được dùng để thay thế những công việc lặp đi lặp lại hay những tính toán phức tạp. Kết quả là một lực lượng lao động toàn cầu bị thất nghiệp và khiến những người đang làm việc lo ngại về việc thiếu chuyên môn và kĩ năng.
Công nghệ ảnh hưởng lớn đến thị trường việc làm có thể được chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên “Individual Emerging Technologies" bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), tầm nhìn máy (Machine Vision) và phần cứng cùng phần mềm cho Robot. Nhóm còn lại “Aggregated Emerging Technologies” là sự kết hợp của nhiều công nghệ khác nhau để tạo ra nền tảng mới, ví dụ như Autonomous Vehicles, Avatars, Cloud, Connected Home, Internet of Everything, Smarter Cities, Wearables và Telehealth.
Mô hình hoạt động của thiết bị tự hành-Autonomous Vehicles |
Một phần thế giới trở nên thú vị hơn nhờ vào việc tự học của hệ thống trí tuệ nhân tạo và nhận thức. Công nghệ này có thể giúp thay thế các nhà nghệ sĩ, nhà bình luận, tư vấn, bác sĩ, nhà điều tra, nhà báo và ngay cả những nhà khoa học đã tạo ra các mô hình thuật toán ban đầu. Còn hệ thống Machine Vision đang thay thế việc kiểm định chất lượng, phân tích an ninh và bảo vệ. Robot thì đã thay thế rất nhiều con người trong các nhà máy và kho hàng, một số hiện nay đang thay thế nhân viên quầy bar, nhân viên bảo trì, khuân vác, binh sĩ và bác sĩ phẫu thuật… riêng các phần mềm hiện đại ngày nay đã có thể thay thế nhân viên hành chính hay nhân viên dịch vụ khách hàng.
Những thiết bị tự hành từ xe hơi, xe tải cho đến máy bay đang dần làm giảm đòi hỏi về người điều khiển, phi công và thậm chí là người quản lý giao thông. Công nghệ Avatar thì có thể thay thế các diễn viên, giao dịch viên ngân hàng, trung tâm chăm sóc khách hàng và cả giáo viên….
Những điều trên có thể khiến chúng ta lo lắng về tương lai của mình, nhưng giống như cán cân quyền lực không bao giờ nghiêng về bên nào cả mặc dù tại thời điểm này máy thông minh dường như được ưu ái hơn.
Vùng an toàn
Công nghệ sẽ tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện và nơi nào là vùng an toàn cho con người chúng ta trong công việc, những công việc nào được cho là sẽ an toàn, hoặc ít nhất không bị thay thế bởi máy móc trong vòng 20 năm tiếp theo? Những công việc khó xác định cụ thể hay đòi hỏi tính chuyên môn cao rất khó để tự động hóa. Một số ngành nghề sau đây mà máy thông minh không có khả năng thay thế con người trong tương lai.
- Sáng tạo nghệ thuật. Những người nghệ sĩ làm việc dựa trên những cảm hứng để tạo ra các tác phẩm, sáng tạo ra sự khác biệt. Còn các cỗ máy có hiện đại đến đâu đi nữa thì chúng cũng không thể có được sự thăng hoa của người nghệ sĩ.
- Vận động viên chuyên nghiệp. Các môn thể thao không chỉ thể hiện sức mạnh, sự uyển chuyển hay độ chính xác mà còn mang đến những cảm xúc của sự đối đầu của các tuyển thủ, giữa con người với con người. Khán giải yêu thích những trạng thái cảm xúc được thể hiện trên sân đấu.
- Chăm sóc y tế. Robot và những hệ thống dữ liệu mang đến sự hỗ trợ rất lớn đối với bác sĩ. Robot cũng có thể thay thế bác sĩ trong các cuộc phẫu thuật bình thường nhưng khả năng giao tiếp với bệnh nhân một cách tận tình thì chỉ có con người làm được. Bác sĩ còn có khả năng hiểu được tâm lý người bệnh để từ đó đưa ra những tư vấn phù hợp với từng hoàn cảnh.
- Giáo dục. Máy móc có thể thay thế được giáo viên trên bục giảng trong tương lai, những môn khoa học là thế mạnh của những hệ thống này. Nhưng việc trò chuyện, truyền cảm hứng hay chia sẻ kinh nghiệm cho học sinh, sinh viên thì chỉ có giáo viên mới có thể làm được.
- Kiểm soát chất lượng máy móc. Không có cỗ máy hoàn hảo, những tỷ lệ lỗi dù thấp thì cũng cần con người kiểm soát và xử lý.
- Pháp luật. Trí tuệ nhân tạo không thể đại diện cho luật pháp vì chỉ có con người mới có quyền phán xét con người. Robot không có khả năng cảm nhận và thấu hiểu con người vì thế những quyết định sẽ rất máy móc, không có tính nhân văn.
Doanh nghiệp trỗi dậy
Sự phát triển công nghệ khiến việc tạo ra doanh nghiệp tư nhân mới trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong 5 năm qua, số lượng công ty khởi nghiệp tăng gấp 10 lần từ 10 triệu lên đến 100 triệu. Công nghệ trở thành công cụ để giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, kêu gọi góp vốn dễ hơn, dễ dàng tìm kiếm nguồn lực cũng như mang đến thị trường những sản phẩm đại chúng.
Brian Acton và câu chuyện 19 tỷ USD là nguồn cảm hứng của công ty khởi nghiệp. |
Điển hình là sự thành công của Brian Acton - nhà sáng lập ứng dụng OTT WhastApp. Nhà phát triển này sử dụng 200 USD để tạo ra ứng dụng và không tốn một đồng nào để quảng bá nào để sau vài năm bán nó đi với giá 19 tỷ USD. Không chỉ có WhatsApp hay Brian Actons, thế giới có hơn 208 công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD và 21 công ty khởi nghiệp thậm chí được định giá cao hơn nữa, vượt quá 10 tỷ USD. Những công ty này tạo ra giá trị hơn 1,5 nghìn tỷ USD chỉ trong vòng vài năm và biến ngành công nghiệp mà họ theo đuổi thành nền tảng của thế giới.
Tương lai con người
Tuy nhiên, nếu việc trở thành doanh nhân không dành cho bạn và bạn nghĩ rằng tương lại sẽ ngày càng ảm đạm thì cần xem xét lại. Sau 50 năm hay 100 năm nữa bạn có nghĩ mình chỉ còn lại định danh là "con người"? Trong quá trình phát triển của thế kỷ này, chúng ta cần tìm đến một lý thuyết có tên gọi là "Điểm kỳ dị của công nghê - Singularity" mà tại đó các định luật khoa học và khả năng tiên đoán tương lai đều không dùng được nữa. Tại đây chúng ta sẽ được thử thách để hiểu được định nghĩa "Con người" là như thế nào.
Ngày nay chúng ta truy cập thông tin qua các thiết bị thông minh, nhưng trong tương lai giao tiếp từ não tời máy tính sẽ thay đổi phương thức đó. Cùng thời điểm đó có thể một công nghệ di truyền như CRISPR sẽ giúp chúng ta viết lại các đoạn mã di truyền của mình nhăm tăng cường khả năng thích ứng tự nhiên của con người.
Theo PC World