Theo đạo luật mới, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm cần phải quyết định xem liệu công thức “một quốc gia, hai chế độ” có còn đảm bảo được hệ thống pháp lý độc lập và quyền tự do dân sự của Hong Kong hay không. Nếu không, Mỹ có thể tước diện ưu tiên thương mại và kinh tế đặc biệt mà họ áp dụng đối với đặc khu này.
Đạo luật trên đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc và có thể khiến cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phẫn nộ, bởi chính quyền Bắc Kinh khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và cực kỳ nhạy cảm với bất cứ đề xuất nào đi ngược lại chính sách đó.
Mới chỉ cách đây 2 thập kỷ, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các quy trình đánh giá thường niên như vậy.
Trong suốt những năm 1990, thời điểm sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, chính quyền Tổng thống Bush và Clinton hàng năm đều xem xét lại quy chế Tối huệ quốc (Most-favoured Nation, quy chế quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại). Điều này là nhằm đảm bảo các hàng rào thuế quan áp đặt với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ bình đẳng với các đối tác thương mại khác.
Và mỗi năm, việc làm mới MFN của Trung Quốc đều trở thành đề tài tranh luận căng thẳng trong Quốc hội Mỹ, trong đó nhiều nhà lập pháp đe dọa sẽ tước MFN bởi các vấn đề liên quan tới nhân quyền.
Tuy nhiên, một liên minh gồm các nghị sĩ ủng hộ doanh nghiệp trong đảng Cộng hòa và các nghị sĩ đại diện cho các bang nông thôn trong đảng Dân chủ - được hậu thuẫn bởi các công ty đa quốc gia của Mỹ - luôn ngăn chặn mọi nỗ lực tước MFN của Trung Quốc. Nhưng đến cuối những năm 1990, việc đánh giá thường niên MFN của Trung Quốc vẫn được thực thi.
Tổng thống Bill Clinton đã trao quy chế MFN “vĩnh viễn” cho Trung Quốc vào năm 2000 và dọn đường cho nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chỉ 1 năm sau đó.
Max Baucus – vị Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc thời chính quyền Obama – từng có thời được xem là anh hùng ở Trung Quốc vì các nỗ lực của ông trong việc gia hạn lại quy chế MFN của Trung Quốc.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, các quan chức trong chính quyền Trump đã nêu rất rõ ràng với các đối tác Trung Quốc của họ rằng Tổng thống Trump không thể nào phủ quyết một dự luật đã được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua với sự đồng thuận gần như tuyệt đối.
Trong một tuyên bố đưa ra dường như nhằm xoa dịu cơn phẫn nộ của Trung Quốc, Tổng thống Trump nói rằng ông ký duyệt đạo luật này “với sự tôn trọng Chủ tịch Tập” và “với hy vọng rằng Trung Quốc và Hong Kong có thể giải quyết sự khác biệt một cách hài hòa, hướng tới hòa bình và sụ thịnh vượng lâu dài cho tất cả”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong khi đó, chắc chắn không muốn Bắc Kinh tức giận thêm bằng cách ra quyết định tước bỏ hiện trạng thương mại đặc biệt của Hong Kong, trong lúc thực hiện đánh giá thường niên bởi Mỹ và Trung Quốc vẫn đang trong quá trình đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện, chung tay giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên cùng nhiều vấn đề khác.
Mặc dù phía Nhà Trắng đang nỗ lực hết sức để xoa dịu cơn giận dữ của Bắc Kinh nhằm hạn chế tối thiểu tổn thất đối với nước Mỹ trong trường hợp Trung Quốc đáp trả. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh, việc đạo luật về Hong Kong được thông qua là một điển hình cho thấy họ không thể nào có được mối quan hệ hòa thuận với Mỹ như hồi đầu những năm 2000 nữa.
Tổng thống Trump hồi năm ngoái từng nêu rõ rằng ông sẽ nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc và khi nào cảm thấy thích hợp, trong khi các nhân vật diều hâu trong chính quyền của ông vẫn giữ vững quyết tâm hạn chế sự tiếp cận của Bắc Kinh với hàng loạt công nghệ của Mỹ.
Việc đạo luật về Hong Kong được ký duyệt một lần nữa nêu bật mối quan hệ đầy chông gai giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Kỳ trăng mật” giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã gặp đầy chông gai trong suốt hơn 1 năm qua, và giờ nó đã chính thức chấm dứt.
Theo CNA