Từ tháng 1-2016, đóng BHXH và lương hưu rất nhiều thay đổi

Có một số quy định mới về đóng và hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo thông tư số 59/2015 vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố. Chúng tôi giới thiệu thêm một số nội dung bạn đọc quan tâm.
Bà Việt Hương - giám đốc nhân sự (trái) và bà Quế Chi - giám đốc dự án, công ty xây dựng trên địa bàn TP.HCM - đang tính toán lại nhân sự tham gia đóng bảo hiểm xã hội năm 2016 cho toàn công ty - Ảnh: Tự Trung
Bà Việt Hương - giám đốc nhân sự (trái) và bà Quế Chi - giám đốc dự án, công ty xây dựng trên địa bàn TP.HCM - đang tính toán lại nhân sự tham gia đóng bảo hiểm xã hội năm 2016 cho toàn công ty - Ảnh: Tự Trung

Tiền thưởng, trợ cấp không phải đóng BHXH

Ngoài thông tin những khoản phụ cấp lương sẽ bổ sung vào thu nhập hằng tháng để tính đóng BHXH theo quy định mới mà Tuổi Trẻ đã thông tin, có những khoản chế độ và phúc lợi sẽ không phải tính vào tiền lương đóng BHXH bắt buộc.

Đó là: tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động; trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động...

Trong thời gian người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đóng BHXH bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Nghỉ hưu sớm hưởng lương như thế nào?

Từ ngày 15-2-2016, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp:

1- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61-80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời (theo bảng).

2- Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.

3- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động thuộc các diện kể trên được tính như quy định chung, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, trên 6 tháng thì không giảm tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi của năm đó.

Khi tính tỉ lệ hưởng lương hưu, trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 1 tháng đến 6 tháng được tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Thời điểm hưởng lương hưu

Để thống nhất cách tính thời điểm nghỉ hưu, trong thông tư này, Bộ LĐ-TB&XH quy định là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 1 của tháng 1 năm liền kề sau năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

Đối với những trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh, chỉ ghi năm sinh, thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu sẽ là ngày 1 tháng 1 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

Bị suy giảm khả năng lao động từ 61-80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời

Lương hưu khi đi định cư nước ngoài

Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng ra nước ngoài để định cư mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu được tính theo thời gian đã đóng BHXH trong đó mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được tính bằng 2 tháng lương hưu đang hưởng; sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Theo Tuổi trẻ