Tự chủ đại học không chỉ là tiền
Tại Hội thảo Giáo dục 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” ngày 27/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đúng về vai trò, vị trí, quyền hạn của hội đồng trường.
Nhìn lại hành trình tự chủ đại học, Phó Thủ tướng cho rằng: "Trong thời gian vừa qua, đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ có thể nói là bước chuyển mang tính lịch sử". Tuy nhiên, trong thực tế, một số hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên Hội đồng trường.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì quá trình tự chủ đại học chính thức bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thành lập hai Đại học quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM, “hồn cốt” không phải là có trường to mà với tinh thần tự chủ đại học.
Giai đoạn đầu, nói đến tự chủ đại học ai cũng nghĩ ngay đến tự chủ tiền – mang ý nghĩa Nhà nước không đầu tư nữa. Hành trình 10 năm, mới đưa ra được nhận thức rằng, "hồn cốt" của tự chủ đại học không phải là tự chủ tài chính mà là "tự chủ chuyên môn".
Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ ban hành năm 2014 về thực hiện thí điểm tự chủ đại học đã đánh một dấu mốc mới. Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, sửa đổi lớn nhất là để luật hóa tinh thần tự chủ đại học. Đến nay, tuy đã có những bước tiến dài nhưng Phó Thủ tướng nhấn mạnh là chưa thể hài lòng với kết quả hiện tại.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cần thống nhất 5 điểm chính yếu, liên quan đến tự chủ đại học.
Thứ nhất, tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn, học thuật. Ở đó, phải có một mô hình quản trị tiên tiến để lan ra toàn xã hội, nâng cao tính dân chủ, tính khoa học. Thứ hai, tự chủ phải gắn với giải trình. Giải trình ở đây là giải trình với toàn xã hội bao gồm học sinh sinh viên, đến cán bộ nhà trường, đến phụ huynh rồi đến toàn xã hội… chứ không phải chỉ giải trình với cơ quan Nhà nước.
Thứ ba, tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa. Thực tế, các trường thực hiện tự chủ thì Nhà nước vẫn rót thêm tiền để đầu tư vào các trường. Chính phủ đã, đang chỉ đạo rất mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, quyết liệt hơn trong xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo bằng ngân sách.
Thứ tư: Tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý Nhà nước. Và cuối cùng là, tự chủ nhưng không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo và đối tượng chính sách.
Hiệu trưởng to hay Hội đồng trường to?
Dịch chuyển quyền lực một phần từ cơ quan quản lý Nhà nước, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Hội đồng trường và dịch chuyển một phần quyền từ Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu sang Hội đồng trường là chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao quyết định Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho GS.TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường đầu tiên của ngôi trường đại học có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam |
Cũng theo Phó Thủ tướng, để triển khai thiết thực tự chủ đại học thì có hai việc rất quan trọng. Thứ nhất, phải có Hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Muốn vậy, phải có dịch chuyển quyền lực và đây là Hội đồng hoạt động tập thể, phải tạo được sự đồng thuận thì mới ngăn chặn được những thứ cực đoan sai phạm do thói quen, nếu không có cơ quan tập thể thì dễ bị sai phạm.
“Về mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường sẽ kiêm Bí thư Đảng ủy để gắn kết hai cơ quan trong việc cho ý kiến về các vấn đề, định hướng lớn trong phát triển của trường đại học; thực hiện việc giám sát” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý.
Thực tế là việc dịch chuyển quyền lực này hiện có nhiều nơi chưa làm được do chưa thông trong chính các trường, chủ yếu do nhận thức của đội ngũ lãnh đạo.
"Bản thân một số Hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên Hội đồng trường, vẫn muốn tôi làm Hiệu trưởng thì tôi là to nhất trong trường. Luật ra đến bây giờ vẫn có đồng chí hỏi: Hiệu trưởng to hay Chủ tịch Hội đồng trường to?", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.
PGS.TS Trần Diệp Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y Dược TP.HCM (người bên trái) trao quyết định giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM cho PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc (Ảnh: ĐHYD) |
Đặt ra các vấn đề liên quan mật thiết đến hoạt động của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và Hiệu trưởng, câu chuyện phân quyền quyết định dự án đầu tư, tuyển dụng nhân lực, đề bạt cán bộ…, Phó Thủ tướng cho rằng: “Luật không cấm, các đồng chí hoàn toàn tự quyết trên cơ sở bàn bạc, thống nhất, quyết định tập thể”.
Những vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cần có sự chuẩn bị rất kỹ cả về nội dung, thời gian và các bước thực hiện, đánh giá tác động, còn đối với những vấn đề dưới luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo theo tinh thần khuyến khích, thúc đẩy tự chủ đại học, đẩy nhanh việc điều chỉnh, sửa đổi những bất cập, hạn chế trong các văn bản dưới luật.