Cụ thể, số liệu của HNX cho thấy, khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh trong tháng 10 tăng tới 63,85% so với tháng trước, đạt 2.551.535 hợp đồng. Nếu tính bình quân, khối lượng giao dịch mỗi phiên đạt tới 110.936 hợp đồng, tăng 35,35% so với tháng trước.
Cùng chung xu hướng, khối lượng mở (OI) toàn thị trường tăng 26,08% so với tháng trước. Tính đến cuối ngày 31/10/2018, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 18.246 hợp đồng.
(Khối lượng mở (Open Interests - OI) của một chứng khoán phái sinh tại một thời điểm là khối lượng chứng khoán phái sinh đang còn lưu hành tại thời điểm đó, chưa được thanh lý hoặc chưa được tất toán).
Diễn biến tăng trưởng giao dịch trong tháng 10 của TTCK phái sinh trái ngược với xu hướng của 2 tháng trước đó. Đà tăng trưởng này nhiều khả năng xuất phát từ việc TTCK cơ sở có nhiều diễn biến bất lợi trong tháng 10, một phần dòng tiền đầu tư đã được chuyển hướng sang thị trường phái sinh.
Trong tháng 10, chỉ có 1 mã sản phẩm là VN30F1810 đáo hạn ngày 18/10/2018 và HNX đã niêm yết bổ sung sản phẩm thay thế là VN30F1906 vào ngày 19/8/2018. Tại thời điểm cuối tháng 10 có 4 mã hợp đồng đang được giao dịch là VN30F1811, VN30F1812, VN30F1903, và VN30F1906.
Thống kê quy mô giao dịch trên TTCK Phái sinh 3 tháng gần nhất (Nguồn: HNX)
|
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh trong tháng 10/2018 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 10, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 50.956 tài khoản, tăng 9,45% so với tháng trước.
Tuy nhiên, có một thống kê đáng lưu ý, hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,83%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1% khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Trong đó, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng gần gấp 2 lần với tháng 9, chiếm 0,6% khối lượng giao dịch. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 0,17% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Tốc độ tăng trưởng cao của TTCK Phái sinh qua các số liệu thống kê cho thấy sức hút của thị trường này đối với nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là khi TTCK cơ sở có nhiều biến động khó lường. TTCK Phái sinh không chỉ là nơi cung cấp các công cụ tài chính phòng vệ cho danh mục đầu tư mà cũng sẽ trở thành kênh lưu giữ vốn ở lại với TTCK nói chung khi diễn biến thị trường cơ sở gặp nhiều khó khăn./.