Mở đầu phiên giao dịch đầu tuần (từ 15/10 – 19/10), TTCK Việt Nam tiếp tục giảm điểm ngay từ đầu phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (ATO). Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 chỉ có một số mã giữ được sắc xanh tới phiên khớp lệnh liên tục nhưng sau đó đã lùi về tham chiếu hoặc giảm điểm.
Áp lực bán tại các nhóm cổ phiếu này duy trì trong phần lớn thời gian phiên giao dịch buổi sáng đã khiến chỉ số VN-Index có lúc giảm tới 14 điểm, chỉ số VN30-Index cũng ghi nhận mức giảm hơn 13,30 điểm.
Đóng góp nhiều nhất vào đà giảm của chỉ số VN-Index là các mã cổ phiếu như: GAS, VHM và VNM. Thanh khoản thị trường cũng gia tăng nhanh chóng từ đầu phiên, đạt hơn 1.500 tỷ đồng trên sàn HSX và 262,56 tỷ đồng trên sàn HNX tới cuối phiên giao dịch sáng nay.
Tạm dừng phiên giao dịch, VN-Index mất gần 11 điểm (1,13%) xuống 959,1 điểm; HNX-Index giảm 0,94% xuống 108,72 điểm và Upcom-Index giảm 0,54% xuống 52,47 điểm.
TTCK toàn cầu (trong đó có Việt Nam) đã có 2 phiên giao dịch cuối tuần qua không được thuận lợi với những diễn biến khó lường dù không có thông tin tiêu cực đáng kể nào được ghi nhận.
Tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones sau phiên giao dịch giảm tới 831,83 điểm vào hôm thứ Năm đã ghi nhận sự hồi phục tích cực vào phiên giao dịch cuối tuần. Nguyên nhân giảm điểm, theo các nhà phân tích của JPMorgan, nhiều khả năng là do các chiến lược chạy tự động bằng máy tính gây ra.
Trong khi đó, đà hồi phục lại có nhiều lý giải khá đa dạng như: Dữ liệu thương mại của Trung Quốc đã xoa dịu những lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu; căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng dịu bớt khi Bộ tài chính Mỹ nhận thấy Trung Quốc không có dấu hiệu thao túng tiền tệ và những báo cáo thu nhập đầu tiên của quý 3 tương đối khả quan đã giúp các nhà đầu tư kỳ vọng trở lại.
TTCK Việt Nam cũng thể hiện mối liên hệ ngày càng chặt chẽ với diễn biến của các thị trường thế giới với các phiên giao dịch mang lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi TTCK cơ sở gặp khó, thì giao dịch phái sinh tỏ ra hết sức sôi động.
Thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (Mã CK: MBS) cho thấy khối lượng giao dịch phái sinh tuần qua (từ 8/10 – 12/10) đã tăng vọt tới 65%, đạt tổng số 452.495 hợp đồng được khớp lệnh. Đặc biệt, trong phiên giao dịch cuối tuần đạt thành tích khớp lệnh lên tới 150.773 hợp đồng, cao nhất trong vòng 3 tháng gần đây.
Giá trị giao dịch danh nghĩa theo đó cũng đã tăng dần 58% đạt 42.762,47 tỷ đồng, kéo giá trị giao dịch trung bình đạt trên 8.552,49 tỷ đồng/phiên.
Với áp lực bán vẫn còn tiếp diễn và biên độ dao động lớn như hiện nay, TTCK phái sinh sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới và góp phần duy trì dòng tiền ở lại với thị trường này./.