Truy thu đầy đủ phụ cấp, thưởng và các chế độ của cán bộ vi phạm “hạ cánh an toàn“?

VietTimes – Đối với các cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu, các ĐBQH đặt vấn đề truy thu chế độ chính sách kèm theo như hệ số phụ cấp, thưởng và một số chế độ khác đã được hưởng. Ngoài ra, giá trị pháp lý của các văn bản mà cán bộ vi phạm đó kí trong thời gian đảm nhiệm chức vụ cũng là vấn đề được đặt ra bàn thảo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, cùng với việc xóa tư cách, xóa chức vụ đã đảm nhiệm của cán bộ, công chức vi phạm đã nghỉ hưu, cần truy thu cả tiền phụ cấp, tiền thưởng và những chế độ mà người đó đã được hưởng trong thời gian đương chức.

Các ĐBQH nhất trí cao với dự thảo Luật về việc cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, về bản chất đây là xử lý hồi tố nên cần luật hóa các hình thức kỷ luật. Với hình thức xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm cán bộ, công chức có hành vi vi phạm, mà nếu quy định chỉ xóa chức danh của người đó thì chưa đủ mạnh.

ĐBQH Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) đề nghị xử lý đầy đủ các chế độ chính sách mà cán bộ, công chức đó đã được hưởng.
 ĐBQH Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) đề nghị xử lý đầy đủ các chế độ chính sách mà cán bộ, công chức đó đã được hưởng.

Về việc này, ĐBQH Mong Văn Tình (Đoàn Nghệ An) đặt vấn đề: “Điều quan trọng hơn là các chế độ chính sách kèm theo như hệ số phụ cấp, thưởng và một số chế độ khác đã được hưởng thì có truy thu không? Ngoài ra việc xóa tư cách các chức vụ đã đảm nhiệm còn ảnh hưởng đến các quyết định, văn bản do cán bộ, công chức đó đã ký kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu luật hóa quy định này thì cũng đồng nghĩa với giá trị pháp lý của các văn bản vừa nêu có còn hiệu lực hay không”.

Cùng với đó, ĐB Tình đề nghị xử lý đầy đủ các chế độ chính sách mà cán bộ, công chức đó đã được hưởng.

Nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật bỏ hình thức xử lý kỷ luật giáng chức và chỉ quy định về hình thức kỷ luật cách chức, để tránh tình trạng nể nang, giảm nhẹ trong xử lý vi phạm. Tuy nhiên cũng không ít đại biểu kiến nghị giữ nguyên hình thức kỷ luật này để vừa đảm bảo tính răn đe, nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến: “Về thời hiệu xử lý kỷ luật, tôi thống nhất nhưng nếu công chức bị cách chức thì thời hạn 2 năm mới bổ nhiệm lại chức vụ cũ hoặc tương đương, chứ quy định thời hạn là 1 năm là chưa thuyết phục”.

Khó luật hóa nội dung tuyển dụng người tài

Về việc ưu tiên tuyển dụng người tài trong dự thảo Luật, nhiều đại biểu cho rằng cần cụ thể hóa nội dung thế nào là người tài và cần có khung tiêu chí xác định cụ thể.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang)
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang)

“Để đưa nội dung đánh giá, tuyển dụng người tài năng đưa vào luật rất khó. Tôi nghĩ rằng việc quan trọng nhất để giúp tuyển dụng được người có tài năng là phải tháo gỡ những rào cản cụ thể. Chẳng hạn, muốn mời một một vị giáo sư từ nước ngoài về làm lãnh đạo chuyên môn Trưởng khoa là rất khó, vì phải là viên chức và có bằng trung cấp chính trị. Cũng như vậy, những người trẻ mà chưa là viên chức thì không thể quy hoạch, bổ nhiệm được. Tôi đề nghị cần có Hội đồng theo từng chuyên ngành để phát hiện, bồi dưỡng các tài năng. Và cần luật hóa về Hội đồng này” - ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) tranh luận.

Đưa ra góp ý về nội dung đánh giá chất lượng cán bộ công chức, nhiều ĐBQH cho rằng, thực tế đánh giá chất lượng cán bộ thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tổng hợp từ các địa phương, chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, kết quả này chưa sát thực tế.

Cũng như nhiều ĐB khác, ông Tám cho rằng, công tác đánh giá cán bộ còn hạn chế, các tiêu chí đánh giá còn nặng định tính chung chung, chưa đảm bảo tính định lượng.  

 “Dự thảo lần này đã có những bổ sung quan trọng về quy định các nội dung đánh giá công chức. Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định về phương pháp đánh giá như thế nào để có kết quả chính xác. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định về phương pháp đánh giá cán bộ, công chức theo hướng dựa trên kết quả điều tra, sát hạch định kỳ, thăm dò ý kiến nhân dân hoặc bỏ phiếu kín…”, ĐB Tám nói.                                                                     
        
Đồng tình với nội dung “đối tượng là công chức” trong dự thảo luật, một số ĐB cũng cho rằng cần quy định nội dung tuyển dụng công chức viên chức là đánh giá năng lực tư duy, chứ không chỉ là kiểm tra kiến thức chuyên môn như hiện nay.