Theo TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TPHCM), thì việc trường phong GS, PGS là một hình thức bổ nhiệm một chức vụ chuyên môn ở trong trường. “Mục đích bổ nhiệm này nhằm phân công nhiệm vụ các thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng hơn, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường”, TS Út chia sẻ.
Cũng theo ông Út, nhà trường đã tham khảo hoạt động của các trường ĐH ở các nước tiên tiến trên thế giới về các tiêu chí bổ nhiệm trợ lý GS, PGS, GS trên cơ sở đó vận dụng vào thực tế của trường.
Các nội dung, quy định về việc bổ nhiệm GS, PGS sẽ được thông báo rộng rãi trên website của trường để các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên đăng ký nếu họ thấy mình xứng đáng được bổ nhiệm. Ngoài ra, các nhà khoa học bên ngoài trường có nhu cầu cũng có thể đăng ký.
Đối với các giảng viên, nhà khoa học đã được Nhà nước phong PGS, GS rồi, nay nếu đạt các tiêu chí của trường thì có thể sử dụng song song cả hai.
Theo TS Út, khi được bổ nhiệm, thì nhà khoa học đó phải có công trình nghiên cứu, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tương ứng chức vụ chuyên môn được giao. Hằng năm, cá nhân được phong hàm đều được đánh giá đã làm gì, có công trình nghiên cứu nào. Sau một thời gian mà không hoàn thành nhiệm vụ sẽ miễn nhiệm chức vụ đó.
Ở các nước trên thế giới, khi một giảng viên thỏa mãn các yêu cầu, tiêu chuẩn thì trường ĐH có thể phong hàm PGS, GS. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý và Hội đồng Chức danh GS Nhà nước là đơn vị duy nhất có quyền phong hàm.
Lê Phương theo Dân Trí