“Trung ương đã quyết thì còn rất ít dư địa cho Quốc hội“

Hàng loạt các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, bức xúc dân sinh đã được các đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận tại tổ về báo cáo nhiệm kỳ của các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011-2015).
Hàng loạt các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, bức xúc dân sinh đã được các đại biểu Quốc hội tập trung nêu lên khi thảo luận tại tổ báo cáo nhiệm kỳ của các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-
Hàng loạt các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, bức xúc dân sinh đã được các đại biểu Quốc hội tập trung nêu lên khi thảo luận tại tổ báo cáo nhiệm kỳ của các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-

Đại biểu Bùi Đức Thụ nhận xét, sau khi sửa Hiến pháp, cần tiếp tục nghiên cứu những chính sách sao cho các cơ quan trong hệ thống chính trị không chồng chéo lẫn nhau.

“Phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối kết hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Nếu không đổi mới cơ chế lãnh đạo thì các vấn đề vẫn chỉ là hình thức. Ví dụ, cơ quan Đảng, Trung ương nếu quyết các vấn đề quá cụ thể, thì dư địa còn lại để các cơ quan dân cử thảo luận còn rất ít”, ông nói.

Ông Thụ nói: “Chất lượng cán bộ rất cần chú trọng vì đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Nếu không khắc phục sẽ hạn chế cả hệ thống… Làm sao đừng đề chất lượng đại biểu và cơ cấu đại biểu mâu thuẫn nhau”.

Nhận xét về nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Phúc nhắc lại Quốc hội khóa 13 ban hành hàng trăm bộ luật trong nhiệm kỳ, có những luật mang tính trụ cột của quốc gia như các bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự... Tuy nhiên, ông Phúc thừa nhận, các văn bản luật ban hành nhiều điều khoản cũ, phải chờ văn bản hưởng dẫn, phải chờ Chính phủ.

“Tôi hy vọng Quốc hội sắp tới quan tâm ban hành đạo luật (để thực hiện được ngay). Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thì quyền lực đó phải thể hiện trong điều luật ban hành, không thể chung chung”, ông Phúc nói.

Quay sang Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngồi cùng tổ, ông Nguyễn Văn Phúc nói đầy thiết tha: “Chúng ta (sắp) có Thủ tướng mới, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc có phong cách mới, tư duy mới. Theo dõi các phát biểu, chất vấn, tôi tin rằng tân Thủ tướng sẽ tiếp nối Thủ tướng nhiệm kỳ trước điều hành quyết liệt với tư duy đổi mới. (Chính phủ) cần giảm dần can thiệp vào kinh doanh”.

“Tôi thấy, Thủ tướng vừa qua điều hành rất quyết liệt, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quyết liệt, nhưng không phải bộ trưởng nào cũng quyết liệt”, ông bổ sung thêm.

Trong khi đó, ở đoàn TPHCM, các đại biểu băn khoăn về cơ chế làm luật hiện nay.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói: “Quốc hội phải là người xây dựng luật, chứ giao cho Chính phủ xây dựng luật từ đầu là không ổn. Chính phủ chỉ là người đóng góp cho việc xây dựng”.

Bà giải thích, Chính phủ giao cho các bộ ngành soạn thảo luật, trong khi nhiều chuyên viên làm luật còn non trẻ, thiếu thực tiễn cuộc sống, nên không quản được thì cấm. Đây là căn nguyên khiến nhiều luật xa rời cuộc sống.

“Khi ra Quốc hội bấm nút, nhiều vấn đề đại biểu tranh luận không được tiếp thu. Nhiều vấn đề chưa thống nhất nhưng luật vẫn thông qua khiến đại biểu day dứt”, bà Lan nói.

Về vấn đề này, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) lại nghĩ khác. Ông nói: “Vẫn phải giữ quan điểm, Chính phủ là cơ quan lập chính sách”. Tuy nhiên, ông Ngũ cho rằng, tư tưởng cục bộ vẫn xuất hiện trong các dự án luật, khiến khi thảo luận, thông qua tại Quốc hội còn có hiện tượng lobby (vận động), khiến các đạo luật mâu thuẫn nhau, chưa phục vụ lợi ích quốc gia mà vì lợi ích cục bộ.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng, nói ông trăn trở luật không đi vào cuộc sống thì làm luật ra để làm gì.

“Thực tế hiện nay cơ quan làm luật là Chính phủ nên có nhiều luật không đi vào thực tiễn, có hơi hướng của lợi ích nhóm, cục bộ nhưng chúng ta không cương quyết. Luật quy định cấm hút thuốc lá, tử hình bằng tiêm thuốc độc nhưng đến giờ có thực hiện không?” ông nói.

Hơn nữa, ông Nghĩa nói, việc thực hiện giám sát thực hiện luật của Quốc hội hiện nay chưa sâu sát, đúng chức năng của cơ quan lập hiến, lập pháp. “Giám sát thì cưỡi ngựa xem hoa thôi. Vừa rồi có vài đoàn giám sát làm tốt, được người dân ủng hộ nhưng xuống giám sát thì chẳng giám sát gì hết. Có những đoàn đi nhiều lắm nhưng xuống cơ sở chỉ có một anh phó chủ nhiệm không kết luận được”.

Trích dẫn số liệu của ngành tòa án đã giải quyết án đạt tỷ lệ 98,5%, và của Viện Kiểm sát đạt gần 100%, ông Huỳnh Nghĩa nói: “Cơ quan điều tra truy tố, xét xử bao nhiêu vụ án oan sai như thế mà báo cáo tròn trĩnh thế này thì có thể coi đây là hồng phúc cho người dân của chúng ta. Nhưng người dân họ nghe thế này, họ không chịu đâu bởi đơn thư khiếu nại kêu oan rất nhiều”.

Theo TBKTSG