Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một chứng từ cho biết nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa được sản xuất tại vùng lãnh thổ, hay quốc gia nào. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: “Sau khi có tin, Bộ Công Thương đã cho tổ chức kiểm tra và thấy thực ra không có vi phạm trong vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O cho doanh nghiệp.”
Theo ông Hưng vấn đề không nằm ở xuất xứ mà vấn đề nằm ở lẩn tránh thương mại, lẩn tránh xuất xứ. “Một nước nào đấy không muốn xuất xứ từ chính họ thì có thể vòng qua nước thứ ba để lẩn tránh xuất xứ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Để tránh gian lận thương mại và tình trạng lẩn tránh xuất xứ xảy ra trong những lần khác, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường các biện pháp giải quyết những tình trạng nêu trên. Trong đó bao gồm việc phối hợp với các nước nhập khẩu. “Việc này còn phụ thuộc vào các cơ quan, các nước nhập khẩu, như theo quy định của EU, Hoa Kỳ yêu cầu về chứng nhận xuất xứ và yêu cầu các doanh nghiệp tự khai xuất xứ. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để triển khai các vấn đề này.”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lo ngại cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bị chênh lệch nếu tiếp tục diễn ra tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt để xuất khẩu. “Nếu chúng ta để bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, lấy thương hiệu Việt để xuất khẩu sang những nước mà sau này có sự áp thuế lên những mặt hàng của chúng ta thì rất nguy hiểm.”
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ tạo tác động lớn đến ngành xuất khẩu Việt Nam. Đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp kỳ vọng nhà nước sẽ có những thể chế nới lỏng chính sách, các thủ tục xuất nhập khẩu, trong đó có cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đồng tình với việc cần có sự hỗ trợ về chính sách cho doanh nghiệp, nhưng nếu quá dễ dãi, khả năng chính Việt Nam bị áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu rất có thể sẽ xảy ra.
"Nhưng bây giờ chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề cấp C/O. Nếu chúng ta cấp dễ dãi, đánh giá mà không có kiểm tra, chỉ kê khai lên là cấp thì chính chúng ta sẽ chịu hậu quả rất lớn là bị áp thuế và chúng ta sẽ chịu thiệt. Vậy phải thẳng thắn thực hiện nghiêm túc điều này."
Được biết, Mỹ hiện đang áp mức thuế đối với sản phẩm nhôm Trung Quốc lên tới 374% trong khi con số này đối với Việt Nam là chưa đến 15%. Cơ quan Hải quan đã và đang tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi gian lận xuất xứ, không để Việt Nam trở thành điểm đến trung chuyển của hàng hóa gian lận.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan Việt Nam cũng đã xác nhận danh tính công ty đã nhập lượng nhôm kỷ lục từ Trung Quốc về Việt Nam để hòng xuất sang Mỹ, là Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam. Mặc dù mang quốc tịch Việt Nam và đặt cơ sở kho bãi, nhà máy sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam lại là một doanh nghiệp FDI, do hai người nước ngoài có cùng quốc tịch Úc chi phối toàn bộ vốn./.