Những quan ngại về tăng trưởng chậm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thật ra đã âm ỉ những năm trước. Tháng 10-2013, cựu tổng giám đốc quản lý của nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới Burberry Angela Ahrendts cảnh báo: “Sự tuột dốc của Trung Quốc có lẽ không phải là tai nạn tạm thời, mà đang ở mức độ mới”.
Nhà kinh tế của Ngân hàng Viễn thông Trung Quốc Lưu Học Tri cũng cho rằng xuất khẩu sẽ không còn là đầu tàu đối với tăng trưởng của Trung Quốc, và dù chính phủ có làm gì thì tăng trưởng xuất khẩu mạnh chỉ là chuyện quá khứ.
Dù chính phủ có đưa ra bao nhiêu đòn bẩy để cứu nền kinh tế nhưng nhu cầu từ bên ngoài giảm, sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp xuất khẩu yếu thì cũng không hiệu quả mấy |
Ông Trương Kỳ Khang (tổng giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu gốm sứ Monalisa ở TP Phật Sơn) |
Lương cao, mất tính cạnh tranh
Động thái giảm giá “cưỡng ép” đồng CNY của Bắc Kinh vừa qua vì thế đã không nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của giới doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Bởi các doanh nghiệp này hiểu rõ lý do vì sao xuất khẩu giảm mạnh những tháng qua.
Họ nêu hai lý do: nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường truyền thống như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản đã giảm đến 13% và giá lao động trong nước quá cao. Thậm chí họ không tự tin đủ sức lấy lại được thị phần ở các khu vực này.
Theo Tân Hoa xã, cuối tuần qua Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NSB) thông báo xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,3% trong tháng 7, trong khi nhập khẩu giảm 8,1% và thặng dư thương mại chỉ ở mức 43 tỉ USD, thấp hơn mức dự báo đến 10,25 tỉ USD.
Ông Dư Minh Lượng, giám đốc phát triển kinh doanh tại Công ty sản xuất linh kiện cơ khí Liên Đạt ở tỉnh Chiết Giang, hi vọng đồng CNY giảm giá sẽ giúp doanh thu xuất khẩu tăng để lấy thu bù chi cho giá cả lao động đang đắt đỏ. Doanh nghiệp này đã phải cắt bớt nhân công trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa nội địa và quốc tế đang yếu đi.
“Việc giảm giá đồng CNY hoàn toàn giúp ích cho các nhà xuất khẩu. Chúng tôi hoan nghênh mọi động thái phá giá đồng nội tệ của chính phủ, giảm bao nhiêu cũng được” - ông giám đốc họ Dư hào hứng.
Trong khi đó, nhiều nhà xuất khẩu lo ngại đối mặt những thử thách lớn khác ngoài tỉ giá ngoại hối. Họ nói thẳng đang đau đầu vì nhu cầu giảm từ thế giới và cả nội địa trong khi mức lương trong nước tăng nhanh.
“Giảm giá CNY là tốt, nhưng chưa đủ với giới doanh nghiệp chúng tôi khi những nguyên nhân lớn khác đang đứng sau tình trạng xuất khẩu giảm thê thảm hiện nay” - ông Chu Tú Thành, tổng giám đốc công ty đóng tàu ở Thượng Hải, nhận định.
Vị tổng giám đốc này khẳng định công ty của ông đang tính đến việc tăng cường dây chuyền tự động để tăng sản lượng và giảm chi phí lao động. “Chi phí lao động ở Trung Quốc đang cao bằng các nước phát triển” - ông Chu khẳng định.
Số liệu từ NSB năm 2014 cho biết mức lương ở các khu vực thành phố tăng khoảng 9% so với năm trước, ở mức gần 50.000 CNY (khoảng 7.900 USD); mức lương trong khối doanh nghiệp tư nhân cũng tăng 11,3%, lên khoảng 36.390 CNY (5.684 USD).
Một khảo sát của chính quyền trung ương trong tháng này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang liên tiếp cắt giảm nhân công.
Còn ông Trương Kỳ Khang - tổng giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu gốm sứ Monalisa ở TP Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông) - cho rằng thúc đẩy xuất khẩu là một trong số ít đòn bẩy mà chính quyền trung ương có thể đưa ra trong ngắn hạn để khuyến khích tăng trưởng.
Theo ông, điều giới kinh doanh như ông cần nhất hiện nay là sự ổn định của tỉ giá ngoại hối chứ không phải các biện pháp can thiệp như vừa qua.
Dân không chịu xài tiền
Có một điều khá mâu thuẫn là dân Trung Quốc đang giàu lên nhưng không chịu chi tiêu. Các số liệu cho thấy đã hình thành tầng lớp trung lưu 200 - 300 triệu người. Người dân khá lên với mức sống cao hơn nên cũng đòi hỏi lương cao hơn, khiến Trung Quốc mất đi tính cạnh tranh của “công xưởng thế giới”.
Bên cạnh đó, dân Trung Quốc lại thích để dành tiền hơn tiêu tiền. Tiêu dùng nội địa của Trung Quốc chỉ chiếm 25% GDP so với 50% ở Mỹ, chỉ 15% thu nhập của người dân được dành cho tiêu dùng và 30% là để dành vì không thấy an tâm với môi trường xã hội.
Thực tế tỉ lệ tăng tiêu dùng của dân Trung Quốc đã đạt 10% nhưng theo các chuyên gia, con số này phải ít nhất 15% mới đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định.
Trong khi đó, Hãng tin Reuters cho biết hiện nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đã lên tới 160% GDP, cao gấp hai lần nợ doanh nghiệp của Mỹ. Đây là một mối đe dọa không hề nhỏ đối với nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh giá hàng hóa xuất xưởng tháng 7 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2014 - con số giảm liên tiếp trong 40 tháng qua.
Giá xuất xưởng tuột dốc đồng nghĩa lợi nhuận giảm, kéo theo tình trạng nợ nần càng tăng cao. Ngân hàng ANZ (Úc) đánh giá Trung Quốc sẽ không dễ đạt tỉ lệ tăng trưởng 7% theo mục tiêu đề ra trong năm 2015, do tăng trưởng thương mại của nước này không khả quan trong những tháng cuối năm nay.
Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cũng thừa nhận kinh tế nước này đang đối mặt với những thử thách rất lớn từ thế giới bên ngoài.
Báo South China Morning Post dẫn lời nhà kinh tế Lý Huệ Dũng, thuộc Công ty chứng khoán Thân Vạn Hồng Nguyên của Hong Kong, mô tả kinh tế Trung Quốc đang vấp phải những chướng ngại vật khá lớn, nhưng chính sách “cục bộ” theo kiểu đau đâu chữa đó của Bắc Kinh đang khiến nền kinh tế nước này có khả năng lún sâu vào suy thoái. “Tồi tệ hơn là triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn ảm đạm trong những tháng cuối năm 2015” - chuyên gia Lưu nói.
Không chỉ kích cầu nội địa, Bắc Kinh cũng sẽ tăng tốc chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trị giá tương đương 161 tỉ USD, cùng huy động nhiều nguồn khác để rót ngân sách cho các dự án xây dựng.
Giới chức nước này cũng đang mở rộng chính sách liên quan đến “năng lực cho vay của các ngân hàng nhà nước”.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng thay vì dùng các biện pháp can thiệp “phản thị trường” thì Bắc Kinh nên tận dụng lợi thế để tìm kiếm thị trường mới cho hàng xuất khẩu. Tăng xuất khẩu sẽ giúp giảm bớt gánh nặng “thừa công suất công nghiệp” vốn đang kìm hãm giá xuất xưởng cũng như lợi nhuận của các ngành sản xuất.
IMF: Trung Quốc nên tiếp tục cải cách Ngày 14-8, đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng giải pháp giảm giá đồng CNY vừa qua là “sáng kiến được chào đón”. Trong cuộc họp báo qua điện thoại, ông Markus Rodlauer, trưởng ban Trung Quốc của IMF, nhận định: “IMF cho rằng đó là giải pháp được chào đón vì cho phép các thế lực của thị trường có vai trò lớn hơn trong vụ quyết định tỉ giá hối đoái. Tác động của nó sẽ phụ thuộc vào cách cơ chế mới áp dụng trong tương lai”. Theo ông, Trung Quốc phải nhắm đạt đến hệ thống tỉ giá hoàn toàn linh động trong 2 - 3 năm tới. Trong báo cáo thường niên vừa công bố, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt 6,8% trong năm nay so với 7,4% của năm trước và đạt 6,3% trong năm 2016. “Kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn quá độ hướng đến tăng trưởng ổn định và bền vững hơn. Giai đoạn quá độ này khó khăn nhưng chính quyền Bắc Kinh mong muốn nó thành công” - ông Rodlauer nhận định. Nhưng “Trung Quốc cũng đang gặp thách thức lớn do những tiến bộ đạt được thời gian qua vẫn chưa đủ khỏa lấp các khó khăn cũng như giúp thúc đẩy tiến trình cải cách cơ cấu. Hiện tượng đó có thể gây ra chút rối loạn trong ngắn hạn và khiến giai đoạn tăng trưởng chậm bị kéo dài” - ông Rodlauer cảnh báo. TÚ ANH |
MỸ LOAN theo Tuổi Trẻ