“Trung Quốc không phải địch thủ của NATO”, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoại trưởng Trung Quốc vừa kêu gọi NATO tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ thay vì hình thành một liên minh quân sự mới ở châu Á-Thái Bình Dương.
Chiến hạm Anh, Mỹ, Hà Lan tham gia cuộc tập trận chung ở Biển Đông ngày 29/7/2021 (Ảnh: SCMP)
Chiến hạm Anh, Mỹ, Hà Lan tham gia cuộc tập trận chung ở Biển Đông ngày 29/7/2021 (Ảnh: SCMP)

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng khối đồng minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này chỉ nên quản “khu vực địa lý ban đầu” của mình.

Đáp trả, ông Stoltenberg nói rằng NATO rất quan ngại về việc Trung Quốc “tăng cường sức mạnh hạt nhân” mặc dù họ không coi Bắc Kinh như một địch thủ. Không chỉ đích danh một quốc gia nào, ông Vương Nghị nói rằng NATO không nên bị lung lạc bởi thông tin sai lệch và những lời nói dối về Trung Quốc.

“Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi có Trung Quốc. Một số nước thành viên (NATO) đã triển khai nhiều tàu quân sự và máy bay tới các khu vực sát Trung Quốc. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương không cần có một khối liên minh quân sự mới – nó không nên gây ra cuộc xung đột giữa các thế lực lớn, cũng không nên tham gia vào những nhóm nhỏ được lập ra để kích động một cuộc chiến tranh lạnh” – Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lại lời của ông Vương Nghị, nói – “NATO nên quan tâm tới khu vực địa lý gốc của họ”.

Hiệp ước Tổ chức Bắc Đại Tây Dương, một khối liên minh quân sự và chính trị giữa 30 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, được thành lập sau Thế chiến II. Nhưng các nước thành viên khối này lại tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là trong những tháng gần đây, khi mà Mỹ tập trung vào việc tăng cường quan hệ với các đồng minh, dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Cả Anh và Đức đều đã triển khai các tàu quân sự tới khu vực. Và, trong một động thái gây bất ngờ vào ngày 15/9, Mỹ và Anh tuyên bố sẽ chuyển giao công nghệ tàu ngầm nguyên tử cho Australia, theo một thỏa thuận an ninh ba bên có tên là AUKUS, được cho là nhằm vào Trung Quốc.

Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 6 năm nay, NATO từng cảnh báo về mối đe dọa mà Bắc Kinh gây nên, chỉ ra “việc tăng cường nhanh chóng sức mạnh hạt nhân” của nước này cùng “những thách thức có hệ thống” của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế.

Ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc không phải địch thủ của NATO, và hai bên nên có thêm các cuộc đối thoại.

“Chìa khóa để thúc đẩy quan hệ song phương chính là nhìn nhận lẫn nhau một cách khách quan, chứ không phải nghe theo những thông tin giả, hay bị nhầm lẫn bởi những lời nói dối và tin đồn” – ông Vương nói – “Trung Quốc không, và sẽ không, phải là địch thủ của NATO”.

Về phần mình, ông Stoltenberg hối thúc Bắc Kinh tham gia vào các vòng đối thoại về kiểm soát vũ trang.

“Tổng thư ký nhắc lại rằng, NATO không xem Trung Quốc như địch thủ, nhưng kêu gọi Trung Quốc giữ vững các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế” – một tuyên bố mà NATO đưa ra nói – “Ông cũng nêu những quan ngại của NATO về các chính sách đe dọa của Trung Quốc, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hạt nhân và thiếu minh bạch về quá trình hiện đại hóa quân đội”.

Trung Quốc bấy lâu nay đang cố gắng thu hút sự ủng hộ từ các nước láng giềng và cả châu Âu, ngay trong lúc khi Mỹ đang tăng cường các khối liên minh để đối trọng Bắc Kinh.

Tuần trước, Liu Jinsong – quan chức phụ trách vấn đề châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc – đã gặp gỡ các đặc phái viên đến từ Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia để thảo luận về khối liên minh AUKUS, nói rằng liên minh mới này có thể làm tăng một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong hôm đầu tuần này đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Malaysia Hishammuddin Hussein, người nói về kế hoạch tới thăm Trung Quốc để thảo luận về AUKUS. Ông Ngụy nói rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Malaysia để chống lại chủ nghĩa bá quyền.