Thêm một liên minh nhằm vào Trung Quốc
Sau khi thành lập một khối liên minh chiến lược mới bao gồm Mỹ, Anh và Australia (AUKUS), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ Tứ (Quad) tại Nhà Trắng với 3 Thủ tướng: Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tổng thống Biden nói trong cuộc họp tại Nhà Trắng với lãnh đạo nhóm Bộ Tứ rằng nhóm này “hoàn toàn tách biệt” với AUKUS.
Theo các tuyên bố chính thức, các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ tổ chức tại Nhà Trắng chủ yếu bàn về việc xuất khẩu vaccine để chống đại dịch COVID-19, các nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn và tăng cường “nhận thức về hàng hải”…
Nhưng đối với bất kỳ nhà quan sát độc lập nào, cho rằng AUKUS và Bộ Tứ không có liên quan gì là một sai lầm. Mặc dù cả hai hiệp định trên đều không đặc biệt, hay chính thức, đề cập tới Trung Quốc như một địch thủ, nhưng rõ ràng là như vậy.
Một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ cũng đề cập khá rõ ràng về các vấn đề an ninh. Các thành viên của Bộ Tứ, theo tuyên bố, cam kết “thượng tôn pháp luật, sự tự do hàng hải và tự do bay lượn, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, các giá trị dân chủ, biến đổi khí hậu và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước”.
Thư ký phụ trách báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tomiyuki Yoshida, còn nói với các phóng viên tại hội nghị Bộ Tứ rằng, “Thủ tướng Suga hoan nghênh sáng kiến thành lập một hiệp định đối tác an ninh được thiết lập bởi 3 quốc gia (AUKUS)…và nó sẽ đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình và sự ổn định của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Hãng BBC của Anh đưa tin rằng, ông Yoshida còn “nêu nhiều quan ngại trong các cuộc đối thoại về hành động áp đặt của Bắc Kinh trên biển, những hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan và Hong Kong”.
Từ đó mà người ta có thể thấy rõ Nhật Bản đang muốn nói điều gì.
Phía Trung Quốc đương nhiên nắm bắt được tín hiệu này. Chỉ 1 ngày trước khi hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ được tổ chức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng: “Trung Quốc luôn tin tưởng rằng bất kỳ cơ chế hợp tác khu vực nào cũng không nên nhằm vào một bên thứ ba hay gây tổn hại các lợi ích của bên thứ ba. Tìm kiếm một nhóm kín để chống một nước thứ ba là đi ngược lại xu hướng của thời đại và nguyện vọng của các nước trong khu vực. Nó chắc chắn sẽ thất bại”.
Bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc là người xây dựng hòa bình thế giới, người đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và là bên giữ vững trật tự thế giới”. Tuy nhiên, quan điểm này chưa chắc đã nhận được sự đồng tình của các bên có liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông.
Lực lượng hải quân Trung Quốc (Ảnh: Twitter) |
AUKUS có gì đáng chú ý?
AUKUS là hiệp định cực kỳ đáng chú ý, bởi nó bao gồm cả nước Anh. Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit, đã giúp cho chính quyền London có thêm cơ hội để hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ trong các vấn đề lớn trên trường quốc tế - và điều đó có thể là một trong số những nguyên nhân chính mà họ tham gia vào AUKUS.
Ngoài ra phải kể đến việc Diego Garcia – một căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Ấn Độ Dương – thực tế là nằm trên lãnh thổ thuộc sở hữu của Anh, gọi là Vùng Lãnh thổ của Anh ở Ấn Độ Dương. Các cơ sở quân sự ở Diego Garcia từng được sử dụng để theo dõi Hải quân Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong những năm gần đây, căn cứ này vẫn đóng vai trò quan trọng, bởi là một căn cứ hậu cần phục vụ cho cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Ngoài phục vụ cho quân đội, hải quân và không quân Mỹ, căn cứ này còn có một cơ sở khẩn cấp của NASA, và sở hữu nhiều trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tình báo trên biển Ấn Độ Dương.
Gây tranh cãi hơn nữa, Diego Garcia còn được xác nhận là “trại giam ngầm” của CIA, nơi mà những nghi phạm khủng bố bị giam giữ và tra tấn sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001.
Đối với Australia, AUKUS sẽ giúp họ trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu tàu ngầm nguyên tử. Hạm đội tàu ngầm nguyên tử sẽ giúp Australia tăng cường tính cơ động, tầm hoạt động và khả năng “tàng hình” của quân đội khi thực hiện các nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Australia có 2 vùng lãnh thổ nhỏ ở Ấn Độ Dương, là quần đảo Christmas (Giáng sinh) có diện tích 135 km vuông, dân số khoảng 2.000 người, và quần đảo nhỏ hơn có tên gọi Cocos (Keeling), diện tích 14 km vuông và dân số 600 người.
Quần đảo Christmas, cách đảo Java của Indonesia khoảng 350 km về phía Nam, được sử dụng để tiếp đón người tị nạn, chủ yếu đến từ Sri Lanka và Trung Đông. Sân bay trên đảo này không thể sử dụng vì mục đích quân sự. Còn đảo Cocos có một sân bay được xây dựng từ Thế chiến II và từng được sử dụng trong thời chiến để chống lại Nhật Bản. Đường băng của sân bay dài 2.441 m, lớn hơn nhiều so với mục đích sử dụng dân sự.
Hình ảnh chụp căn cứ quân sự trên đảo Diego Garcia (Ảnh: Asia Times) |
Sách Trắng Quốc phòng Australia năm 2016 nói rằng sân bay này sẽ được nâng cấp để hỗ trợ hoạt động của máy bay do thám hàng hải P8-A Poseidon của Không quân Hoàng gia Australia. Vào năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Melissa Price tuyên bố rằng họ sẽ chi 133,5 triệu USD để cải tạo sân bay trên đảo Cocos.
Hiện nay, Australia và Ấn Độ cũng có nhiều cuộc thảo luận về việc hợp tác sử dụng quần đảo Cocos và các đảo Andaman, Nicobar của Ấn Độ, rất có khả năng là bao gồm cả việc phối hợp tìm kiếm các tàu và tàu ngầm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
AUKUS và Bộ Tứ có dám hành động quân sự?
Nhưng bất chấp việc các nước quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, câu hỏi quan trọng vẫn còn đó: Liệu những khối đồng minh chính thức lớn như vậy có thể làm gì để ngăn chặn Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của họ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương – ngoài việc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong một cuộc xung đột vũ trang?
Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài việc thành lập các khối liên minh và đưa ra tuyên bố, Mỹ và các nước đồng minh mới chỉ tập trung vào quyền lực mềm để đối phó với Trung Quốc.
Ví dụ như trước đây, khi Trung Quốc đưa ra Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm xây dựng hàng loạt cảng biển, tuyến đường cao tốc và đường sắt trên toàn cầu, thì Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là ông Shinzo Abe cũng đưa ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở (FOIP), trong đó tập trung vào chất lượng các dự án thay vì số lượng như BRI.
Nhật Bản cũng chính là thế lực chính đằng sau Sáng kiến Cơ sở hạ tầng Ba bên với Mỹ và Australia năm 2018.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra sáng kiến B3W để đối chọi với BRI của Trung Quốc (Ảnh: AFP) |
Đầu năm nay, chính quyền Biden cũng công bố kế hoạch riêng của họ để đáp trả BRI của Trung Quốc: “Xây dựng lại một Thế giới Tốt đẹp hơn” (B3W). Được ủng hộ bởi nhóm G7 – gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ - sáng kiến này, theo Nhà Trắng, là “một quan hệ đối tác xây dựng cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao, dựa trên giá trị của các nền dân chủ lớn nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển, vốn đang chịu khó khăn bởi đại dịch COVID-19”.
Những sáng kiến như thế này mang lại ý nghĩa ra sao còn sẽ tùy thuộc vào quyết định của mỗi nước. Nhưng phép thử lớn sẽ xuất hiện nếu như và khi Trung Quốc có hành động quân sự với Đài Loan, hoặc trên Biển Đông.
Đến lúc đó, nếu như các liên minh như AUKUS và Bộ Tứ không làm gì cả, họ sẽ bị coi là vô dụng, giống như phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói, các nỗ lực của họ “sẽ thất bại”. Nhưng nếu các khối liên minh này hành động, một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.