Báo chí phương Tây đưa tin, kế hoạch trên được Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) công bố trong một thông cáo ngắn.
Theo đó, Bắc kinh sẽ xây dựng một số cơ sở dân sự phục vụ công tác nghiên cứu, hỗ trợ cứu nạn và giao thông hàng hải tại các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo phi pháp.
Trung Quốc ngụy biện rằng các cơ sở này nhằm "giúp cải thiện điều kiện sống" ở Trường Sa và giúp nước này "hoàn thành trách nhiệm quốc tế về giám sát môi trường, cứu trợ thảm họa và an toàn hàng hải".
Thông báo của NDRC viết: "Phương án xây dựng công trình dân sự tại quần đảo Trường Sa để cải thiện cuộc sống sinh hoạt và công tác cho nhân viên và binh lính Trung Quốc đồn trú trên đảo, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, duy trì an ninh hàng hải trên Biển Đông, tăng cường hợp tác với các quốc gia".
Theo thông báo trên, kế hoạch xây dựng các công trình dân sự trái phép tại Trường Sa của Trung Quốc chủ yếu gồm các công trình sau:
1/. Xây dựng hải đăng cỡ lớn, đồng thời lắp đặt thiết bị dẫn hướng không dây như trạm AIS, và các thiết bị an toàn thông tin trên biển như trạm VHF;
2/. Xây dựng công trình cứu trợ khẩn cấp trên biển, tại các công trình cứu trợ này có bố trí các thiết bị cứu vớt khẩn cấp và xử lý tràn dầu, bảo đảm an toàn hàng hải, công trình này có thể cung cấp phục vụ tiếp tế, tránh gió cho các tàu qua lại tại Biển Đông;
3/. Xây dựng trạm quan trắc khí tượng biển và trung tâm quan trắc biển;
4/. Xây dựng công trình điều trị tổng hợp và khẩn cấp trên biển;
5/ Xây dựng công trình xử lý rác thải và nước thải.
Dù thông báo của NDRC cho biết Trung Quốc sẽ xây dựng bến cảng cho các tàu tìm kiếm, cứu nạn và nơi tránh bão, sửa chữa cho tàu cá, song không nêu rõ sẽ xây dựng loại cảng hoặc bến nào.
Cơ quan này cũng không cho biết cơ sở nói trên khi nào được hoàn thành, đồng thời không chỉ rõ họ sẽ xây dựng những hạ tầng này trên bãi đá nào ở Trường Sa.
Trung Quốc ngày 16/6 cũng cho biết sau khi xây xong các đảo nhân tạo (phi pháp) trên Biển Đông, sẽ tiếp tục xây dựng các công trình trên những hòn đảo này để phục vụ các mục đích khác nhau, bao gồm cả quân sự.
Bắc Kinh đã "tuyên bố chủ quyền" với gần như với toàn bộ diện tích Biển Đông - nơi có tiềm năng dầu khí và là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất. Mỗi năm có tới 5.000 tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này.
Tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Gần đây, để đẩy mạnh yêu sách vô lý trên Biển Đông, Trung Quốc tiến hành cải tạo đảo phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm xây dựng căn cứ quân sự và chiếm quyền kiểm soát hàng hải, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như của Mỹ và các đồng minh.
Giới chức Mỹ trước đó từng công bố thông tin Bắc Kinh đã cải tạo hơn 6 km2 đất chỉ trong năm nay. Nhiều cơ sở quân sự, gồm một đường băng dài 3.000 m và hệ thống radar cảnh báo sớm được Trung Quốc thiết lập tại các diện tích bồi đắp, có thể được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay.
Phản ứng lại trước tuyên bố sắp hoàn thành hoạt động cải tạo đảo tại Biển Đông, Nhật Bản ngày 17/6 đã lên tiếng chỉ trích hoạt động bồi lấn đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định kể cả khi Trung Quốc hoàn tất hoạt động cải tạo phi pháp, Tokyo cũng “không công nhận sự đã rồi”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines ngày 17/6 cho biết nước này đang “cảnh giác” cao độ sau khi Trung Quốc tuyên bố sắp hoàn thành cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông. Manila cũng hối thúc Bắc Kinh chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp này.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17/6 tuyên bố lo ngại về các kế hoạch xây dựng cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh tuyên bố sắp cải tạo xong các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông báo của Mỹ nhấn mạnh nước này lo ngại về việc Bắc Kinh dự tính tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm cả phục vụ mục đích quân sự, tại các bãi đá cải tạo phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa.
Theo Dân trí