Trung Quốc: Các thành phố chạy đua tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều thành phố ở Trung Quốc đang cạnh tranh để trở thành nơi đầu tiên đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhưng giới chuyên gia cũng đặt ra nhiều câu hỏi về nỗ lực này.
Người dân ở Liêu Ninh, Trung Quốc đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 6 vừa qua (Ảnh: Xinhua)
Người dân ở Liêu Ninh, Trung Quốc đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 6 vừa qua (Ảnh: Xinhua)

Một trong số những câu hỏi mà các chuyên gia đặt ra là, chính xác thì khi nào thì điểm bùng phát – thời điểm mà dân số phần lớn được bảo vệ khỏi COVID-19 mặc dù không phải tất cả mọi người đều miễn dịch – xảy ra. Họ nói rằng thời điểm đó không thể được tính toán bằng công thức, mà phải thông qua thử thách bằng thực tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ủng hộ đạt được miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng vaccine COVID-19 thay vì để cho dịch bệnh tự lan tràn – từng nói rằng, chúng ta không thể đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu trong năm 2021, một phần là bởi tỷ lệ tiêm vaccine hạn chế ở các nước đang phát triển cùng sự trỗi dậy của các chủng đột biến.

Tính đến ngày 16/6, gần 16 triệu người ở Bắc Kinh – hơn 80% dân số đủ điều kiện – đã hoàn thành việc tiêm vaccine. Trong tổng số dân hơn 22 triệu người, nó tương đương với hơn 70% người dân ở thủ đô Trung Quốc đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tính đến hôm thứ Bảy tuần trước, 18,3 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi.

Tỷ lệ tiêm chủng ở Bắc Kinh gần giống với ở thành phố San Francisco (Mỹ) – dự kiến sẽ trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm chủng được 74% những người trên 12 tuổi, độ tuổi tối thiểu để được tiêm vaccine. Ở San Francisco, 67% người dân đã tiêm vaccine đầy đủ trong hôm 2/7.

Những thành phố Trung Quốc chịu rủi ro cao từ các ca nhiễm COVID-19 ngoại nhập, các thành phố gần biên giới hoặc các thành phố lớn nhất được xem là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tiêm vaccine.

Đảo Hải Nam đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng từ rất sớm, trong tháng 3, để “nhanh chóng xây dựng hàng rào miễn dịch” trước khi diễn ra 2 sự kiện lớn: Diễn đàn Bác Ngao 2021 tổ chức hồi tháng 4 và Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc tổ chức vào tháng 5. Ở thành phố Tam Á (1,03 triệu dân), hơn 775.000 người, tương đương 73%, đã được tiêm vaccine đầy đủ tính đến ngày 25/6.

Ở Thượng Hải, hơn 16,8 triệu dân – tương đương 67% trong tổng số dân 25 triệu người – đã được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ tính đến ngày 29/6.

Mặc dù những thành phố này có tỷ lệ người tiêm vaccine đầy đủ rất cao, nhưng nếu tính cả những người mới tiêm 1 mũi thì còn cao hơn nhiều. Các biện pháp giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và vệ sinh cá nhân vẫn được duy trì nghiêm ngặt ở những thành phố này.

Fan Fan, một người dân sinh sống ở thủ đô Bắc Kinh, cho hay cô vẫn đeo khẩu trang khi cùng một người bạn xếp hàng chờ tại một nhà hàng hồi tuần trước, mặc dù trời rất nóng và cô đã được tiêm vaccine đầy đủ.

“Tôi đã đeo khẩu trang suốt nhiều tháng liền, giờ đã quen với nó rồi. Tôi cảm giác là lạ nếu như đi ra ngoài mà không đeo nó” – nhân viên văn phòng 25 tuổi này nói với SCMP.

Trên đường tới nhà hàng, Fan sử dụng tàu điện ngầm nên cần phải đo thân nhiệt mới được cho phép quẹt thẻ. Một nhân viên an ninh đi dọc nhà ga để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều đeo khẩu trang đúng cách.

“Scan một đoạn mã để cho ra mã y tế của tôi chỉ mất vài giây. Nó không là gì nếu so với việc bị mắc COVID-19. Thực ra tôi cảm thấy an toàn nếu như mọi người đều đeo khẩu trang ở nơi công cộng” – Fan nói.

Các chuyên gia y tế công nhiều lần nhắc lại rằng Trung Quốc cần phải duy trì các biện pháp như kiểm soát chặt đường biên giới, quy định giãn cách xã hội để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch lớn xảy ra trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, để biết được lớp bảo vệ đó đã đạt được hay chưa thì chỉ có thể chờ đợi nó được thử thách trên thực tế.

Giới chuyên gia phần lớn nhất trí rằng cần ít nhất 70% dân số được tiêm chủng – hoặc đã khỏi bệnh – mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Do phần lớn các thành phố ở Trung Quốc chưa từng trải qua các đợt bùng phát dịch lớn, nên chúng chủ yếu dựa vào các chương trình tiêm chủng vaccine để đạt được sự bảo vệ như vậy.

Trong khi sự trỗi dậy của các chủng đột biến mới của virus Corona khiến tốc độ lây lan tăng cao và mức độ bảo vệ chưa rõ ràng của các chủng vaccine của Trung Quốc, một số chuyên gia y tế công – trong đó có cả chuyên gia các bệnh về đường hô hấp Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) và chuyên gia bệnh dịch học Thiệu Nhất Minh (Shao Yiming) – nói rằng Trung Quốc cần phải tiêm vaccine cho 80 – 85% dân số mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

John Kaldor, Giáo sư đến từ Viện Kirby thuộc ĐH New South Wales, nói rằng đạt được miễn dịch cộng đồng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và thậm chí cả khi đã đạt được thì sự bảo vệ đó cũng chưa hẳn đã bền vững.

“Một quốc gia có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ngày hôm nay, nhưng lại mất ngay ngày hôm sau do nhiều yếu tố” – ông Kaldor nói – “Khả năng xảy ra các đợt bùng phát dịch sẽ giảm đáng kể khi tỷ lệ tiêm vaccine tăng, nhưng không có nghĩa là khả năng đó giảm xuống còn 0”.

Theo ông Kaldor, do Trung Quốc phần lớn được bảo vệ trước COVID-19 nhờ vào xét nghiệm hiệu quả cùng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt tại khu vực biên giới, nên các thành phố có tốc độ tiêm chủng cao cần phải mở cửa trước tiên để xem xem người dân được bảo vệ tốt đến mức nào trên thực tế.

Bắc Kinh, thành phố đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông vào tháng 2/2022, phần lớn vẫn đóng cửa. Một số chuyến bay nước ngoài được chuyển hướng sang các thành phố khác, trong khi các cuộc họp cấp cao được thực hiện bằng hình thức trực tuyến hoặc tổ chức ở các tỉnh khác.

Theo SCMP