Đài Loan từng là một câu chuyện thành công trong cách ngăn chặn đại dịch COVID-19, nhưng đà tăng đột biến số ca nhiễm bắt đầu từ tháng 4 năm nay đã khiến chính quyền hòn đảo này chật vật để đảm bảo đủ mũi tiêm cho 23,5 triệu người.
Bắc Kinh từng đề xuất gửi vaccine do họ sản xuất cho Đài Loan, tuy nhiên bị lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bác bỏ do quan ngại về tính hiệu quả và độ an toàn. Điều này khiến Bắc Kinh tức giận. Phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề về Đài Loan, Ma Hiểu Quang, cho rằng bà Thái Anh Văn “phớt lờ thiện chí của đại lục và chính trị hóa các vấn đề thiếu vaccine”.
Nguồn cung vaccine bởi vậy mà bắt đầu được chuyển tới từ những nơi khác – trong đó có 2,5 triệu liều vaccine COVID-19 đến từ Mỹ, một diễn biến càng khiến Bắc Kinh tức giận.
Và trong lúc các bên cáo buộc lẫn nhau, một số người dân ở Đài Loan đã bắt đầu tiếp nhận đề nghị vaccine của Trung Quốc. Họ di chuyển tới đại lục để được tiêm vaccine. Tuy nhiên, những công ty lữ hành dàn xếp các chuyến đi như vậy cho hay, phần lớn người Đài Loan đi tiêm đều có mối quan hệ với đại lục, và chi phí cho chuyến đi thường rất cao.
Emily Huang là một trong số đó. Người phụ nữ trong độ tuổi 40 này đã sống ở Đài Loan trong suốt 2 thập kỷ và kết hôn với một người bản địa. Bà đã trở về quê hương mình ở tỉnh Hà Nam ngay sau khi đợt bùng phát dịch ở Đài Loan bắt đầu – trải qua 21 ngày cách ly, trong đó có 14 đêm cách ly tại khách sạn mà bà phải tự trả tiền – nói rằng bà rất lo khi phải chờ đợi được tiêm vaccine.
“Giờ tôi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine…trong khi Đài Bắc và Bắc Kinh vẫn đang cãi vã” – bà Huang nói.
Đài Loan đang phải căng mình chống đợt dịch COVID-19 mới. Tình hình trở nên tồi tệ từ hồi tháng 5, khi con số ca nhiễm lên tới 2 con số lần đầu tiên và đạt mức kỷ lục 723 ca nhiễm mới chỉ trong một ngày duy nhất (22/5). Tính đến nay, giới chức Đài Loan ghi nhận 605 ca tử vong – trong đó hơn 590 ca được báo cáo kể từ cuối tháng 4.
Do thành công ban đầu trong chặn dịch mà giờ rất nhiều người ở Đài Loan không muốn đi tiêm vaccine. Nhưng khi số ca nhiễm tăng đột biến, nhu cầu vaccine COVID-19 cũng tăng theo, bởi vậy kéo theo tình trạng thiếu thốn vaccine.
Theo thông tin chính thức, tính đến hôm thứ Tư tuần này, mới chỉ có 0,1% người dân Đài Loan được tiêm vaccine đầy đủ. Đài Loan đã nhận được tổng cộng 3,7 triệu liều vaccine từ các nước đồng minh – trong đó có lượng vaccine kể trên đến từ Mỹ và 1,2 triệu liều đến từ Nhật Bản. Lithuania cũng cam kết gửi 20.000 liều vaccine AstraZeneca và một nhóm tôn giáo cũng hứa hẹn mua 5 triệu liều vaccine của BioNTech.
Các hãng dược phẩm của Đài Loan cũng sắp cho ra mắt vaccine COVID-19 của họ, 2 trong số đó đang trong giai đoạn 2 thử nghiệm.
Cùng lúc đó, một cuộc tranh cãi cũng bùng phát liên quan tới việc Đài Loan tiếp cận vaccine của BioNTech, trong đó bà Thái Anh Văn cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn một thỏa thuận mua vaccine trực tiếp từ công ty Đức này. Bắc Kinh nói Đài Loan được tự do mua vaccine từ Tập đoàn Dược phẩm Fosun ở Thượng Hải – bên có quyền phân phối vaccine ở đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan.
Đối với một số người Đài Loan, việc băng qua eo biển để đến đại lục chính là đáp án. Tính đến ngày 11/6, đã có 62.000 người Đài Loan được tiêm vaccine COVID-19 ở Trung Quốc; theo Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc.
Nhưng Alice Yang – một nhân viên làm việc tại Công ty Du lịch Quốc tế Yen Lin ở Đài Bắc, chuyên sắp xếp cho người đi Trung Quốc tiêm vaccine – nói rằng nhiều khách hàng của cô có quan hệ với đại lục.
“Phần lớn những người sẵn sàng tới Trung Quốc đại lục đều là người xuất thân từ đại lục, sau kết hôn với người Đài Loan” – Yang cho hay – “Bởi vậy họ có thân nhân và bạn bè ở Trung Quốc, những người giúp họ giải quyết vấn đề, và họ có thể tiết kiệm tiền bằng cách ở nhờ nhà họ hàng, bạn bè trong khoảng thời gian 7 ngày cách ly”.
Yang cho hay, các doanh nhân Đài Loan cũng là một nhóm lớn muốn đi Trung Quốc tiêm vaccine. “Họ phải trở lại Trung Quốc đại lục vì công việc làm ăn…bởi vậy họ tiêm vaccine luôn khi ở đó”, cô nói.
Còn đối với những người không có mối quan hệ ở đại lục, sẽ rất khó khăn để di chuyển do vấn đề tài chính; Yang cho hay.
Chi phí chính là nguyên nhân chính là Tung Chia-hui không thể đến đại lục để tiêm vaccine COVID-19. “Tôi sẽ không đi nổi trừ khi mọi chi phí di chuyển của mình – tiền vé máy bay, tiền phòng khách sạn – được chi trả”, Tung nói.
Một nguyên nhân lớn khác chính là sự bất tin đối với dữ liệu chính thức của đại lục; theo Jonathan Tong, chủ tịch Tổ chức Trung Quốc, một tổ chức văn hóa có trụ sở ở Đài Bắc.
“Nhiều người Đài Loan không tin tưởng dữ liệu thử nghiệm vaccine của Trung Quốc, ngay cả khi họ biết rằng các chủng vaccine Trung Quốc được WHO cho vào danh sách sử dụng” – ông Tong nói.
Theo SCMP