Trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ xóa sổ gần 10.000 căn nhà 'ổ chuột' ven sông

Cụ thể, TP.HCM sẽ giải tỏa hơn 9.800 căn nhà "ổ chuột" ven kênh, dọc các tuyến kênh rạch đang có dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, nạo vét, thoát nước. 
Nhiều căn nhà nhếch nhác, cơi nới ven kênh, rạch cần được giải tỏa (Ảnh: TL)
Nhiều căn nhà nhếch nhác, cơi nới ven kênh, rạch cần được giải tỏa (Ảnh: TL)

Đến năm 2025, hoàn thành di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Giải tỏa, tạo đà cho thị trường bất động sản

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có khoảng 17.000 căn nhà “ổ chuột”, nằm trên và ven hành lang các tuyến kênh rạch. Do đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án, kế hoạch hợp lý nhằm hoàn thành mục tiêu di dời 17.000 căn hộ này trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 1993 đến nay tốc độ giải phóng các khu nhà ổ chuột còn khá chậm do thành phố thiếu nguồn ngân sách cho đền bù giải tỏa, hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng nhiều năm liền cũng là nguyên nhân không kích thích được doanh nghiệp tham gia cùng phát triển các dự án cải tạo, chỉnh trang và mở rộng đô thị.

Trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ tập trung giải tỏa hơn 9.800 căn nhà "ổ chuột" ven kênh, dọc các tuyến kênh rạch đang có dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, nạo vét, thoát nước như: Tham Lương - Bến Cát, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Bàu Trâu... với tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỉ đồng.

Dự kiến, trong giai đoạn này, hơn 17.000 hộ gia đình sẽ bị di dời và giải tỏa trắng để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố hội nhập cũng như tạo thêm quỹ đất dành cho giao thông và công trình công cộng…Đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch.

Việc cải tạo này được cho là sẽ tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản, tạo nên xu hướng đầu tư các dự án nhà ở ven sông. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã có những bước chuẩn bị đầu tiên để tung ra các dự án mới theo các con kênh lớn ở quận 4, 8, Bình Thạnh… để chuẩn bị tung dự án căn hộ sinh thái ra thị trường.

Cải tạo còn chậm

Nhiều năm trước, dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là nỗi ám ảnh của người dân thành phố, của người bởi mùi hôi thối kèm vẻ nhếch nhác, tạm bợ... thì nay con đường ven kênh được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố.

Cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ là một trong số những dự án thuộc chương trình xóa “nhà ổ chuột”, chỉnh trang đô thị của thành phố. Dự án này đã thực sự đem lại hiệu quả và tạo một bộ mặt mới cho TP.HCM.

Cùng với Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng đang trong quá trình triển khai. Đây là những dự án rất quan trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện tình trạng ngập úng và tạo cảnh quan cho các khu vực lân cận. Những căn nhà tạm bợ, nhếch nhác dần biến mất. Thay vào đó, đời sống người dân hoàn toàn đổi khác.

Thực tế trên cho thấy, chủ trương xã hội hóa của thành phố là một chủ trương đúng. Thế nhưng, hiện nay, việc cải tạo vẫn còn chậm. Nguyên nhân chính là do thành phố đang gặp khó khăn trong nguồn vốn, bởi chương trình này chủ yếu được thực hiện từ vốn ngân sách. Chính vì thế, thành phố chỉ tập trung cho các dự án trọng điểm và ưu tiên theo thứ tự.

Ngoài ra, chính sách đền bù, công tác hậu di dời cũng chưa được giải quyết nhanh khiến thời gian giao mặt bằng chậm trễ, kéo dài…Đơn cử, giai 2011 - 2015, mục tiêu của thành phố là di dời tổng cộng hơn 13.700 hộ. Tuy nhiên, hết quý I/2015, toàn thành mới chỉ có 2.950 hộ được di dời. Dự kiến, hết năm 2015 sẽ di dời thêm 300 hộ dân nữa, nâng tổng số hộ di dời trong giai đoạn 2011 - 2015 lên 3.250 hộ. Con số này mới chiếm khoảng 30% so với chỉ tiêu đã đề ra.

Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng thành phố nên hướng đến tất cả thành phần dân cư. Có nghĩa là phát triển đô thị phải đi kèm với phát triển đa dạng chủng loại nhà ở. Việc này vừa chỉnh trang phát triển các khu vực đô thị cũ vừa hình thành nên những khu đô thị mới, để bất động sản trở thành ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TP.HCM.

Để tạo vốn thực hiện cho giai đoạn tiếp theo, Sở Xây dựng đề xuất thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn và có chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng quỹ nhà. Bên cạnh đó là mời gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng quỹ nhà sau đó bán lại cho thành phố.

Theo Một thế giới