Trí thông minh nhân tạo trong tương lai sẽ thế nào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những tương tác với công nghệ này sẽ được cá nhân hóa hơn nữa trong tương lai.

Nhiều người đang chung sống với AI dưới nhiều dạng khác nhau, như điện thoại thông minh, camera an ninh hay một hệ thống thông minh giúp sưởi ấm ghế ôtô trước khi bước ra khỏi nhà vào một buổi sáng lạnh giá.

Công nghệ AI được hứa hẹn với vô vàn ứng dụng, nhưng trên thực tế, nó vẫn chưa thực sự "tỏa sáng". Các nhà khoa học ví tình trạng hiện tại của công nghệ giống điện thoại di động của những năm 1990: hữu ích, nhưng thô sơ và cồng kềnh.

Tuy nhiên, trong tương lai các mô hình máy học mạnh mẽ nhưng nhỏ gọn sẽ sớm xuất hiện, cho phép các thiết bị nhỏ, như thiết bị nhà bếp hoặc thiết bị đeo được áp dụng AI đúng nghĩa.

Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ đang biến đổi cách con người sống. Ảnh: NYTimes.

Tương tác của con người với công nghệ sẽ ngày càng được cá nhân hóa. Ví dụ chatbot ngày nay có thể còn vụng về trong cách phản hồi ngôn ngữ, nhưng một ngày nọ chúng sẽ thực sự trò chuyện được nhờ vào khả năng học hỏi thói quen và tính cách của con người, thậm chí phát triển tính cách của riêng chúng. Tuy nhiên, viễn cảnh các cỗ máy siêu thông minh chi phối con người sẽ vẫn chỉ là truyện hư cấu trong thời gian dài sắp tới, bởi máy móc có tri giác và tự do trong ý chí thực sự vượt quá khả năng của khoa học ngày nay.

Quyền riêng tư vẫn sẽ là thứ con người phải hy sinh, bởi AI yêu cầu dữ liệu để học hỏi và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã phát triển các phương pháp mới, cho phép AI được đào tạo nhờ dữ liệu nhưng vẫn đảm bảo quyền riêng tư cho người sử dụng, tiêu biểu là kỹ thuật Federated Learning (học liên kết) của Google.

Hoạt động của con người sẽ ngày càng được giám sát chặt chẽ hơn bằng các cảm biến tích hợp AI. Một số camera an ninh ngày nay sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt hỗ trợ AI để xác minh chủ nhà và phát hiện người lạ. Với lượng dữ liệu khuôn mặt khổng lồ này, chẳng bao lâu nữa, mạng lưới camera và cảm biến chồng chéo lên nhau sẽ tạo ra một loại trí thông minh nhận biết môi trường xung quanh. Nó sẽ có khả năng nhận ra những thay đổi trong hành vi và mang lại lợi ích cho những gia đình có người lớn tuổi.

Fei-Fei Li, Giáo sư ngành khoa học máy tính tại Đại học Stanford và là đồng giám đốc của Viện nghiên cứu AI lấy con người làm trung tâm Stanford, cho biết: "Các hệ thống thông minh sẽ có thể hiểu các hoạt động hàng ngày của những người cao tuổi sống một mình và nắm bắt các mẫu thông tin liên quan về mặt y tế". Ông Li cho rằng mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết các mối quan tâm về quyền riêng tư, các hệ thống như vậy có thể phát hiện các dấu hiệu của chứng mất trí, rối loạn giấc ngủ, cô lập xã hội, té ngã và dinh dưỡng kém và thông báo cho người chăm sóc.

Không chỉ góp phần phát triển ngành y tế, AI cũng được các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix hay Spotify sử dụng để tìm hiểu sở thích của người dùng, từ đó gợi ý những sự lựa chọn hấp dẫn nhất. Google Play thậm chí còn sử dụng AI để đưa ra đề xuất nhạc tâm trạng phù hợp với thời gian và thời tiết. Nhờ AI, nhiều bộ phim đen trắng cũ đã được hồi sinh nhờ màu sắc mới, thậm chí, AI còn bổ sung thêm âm thanh cho các bộ phim câm.

Trong tương lai quá trình tạo ra các nội dung số dành cho con người cũng sẽ được đảm nhiệm bởi AI. Dự án mã nguồn mở Magenta của Google đã tạo ra một loạt tác phẩm âm nhạc với chất lượng không kém các nhà soạn nhạc và người biểu diễn. Trong khi đó, viện nghiên cứu OpenAI đã tạo ra MuseNet, một AI có khả năng pha trộn các phong cách âm nhạc khác nhau để tạo thành các tác phẩm mới.

Trí tuệ nhân tạo được tạo ra bằng mã máy tính, nhưng nhiều người vẫn muốn nhìn thấy nó dưới hình dạng người. Tuy nhiên, phần cứng robot ngày nay vẫn chưa thể bắt kịp với nhu cầu này. Trong tương lai AI sẽ có hình đại diện, giọng nói do chính mình nó tạo ra nhờ vào công nghệ Deepfake hiện nay.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu khả năng tạo ra những khuôn mặt có thể tương tác trong thời gian thực, thể hiện cảm xúc và thực hiện các cử chỉ phù hợp với ngữ cảnh. Những hình đại diện đặc biệt hữu ích trong ngành giáo dục. Trong lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu đang phát triển một hệ thống AI dạy kèm với khả năng theo dõi hành vi của học sinh, dự đoán hiệu quả học tập và cung cấp chiến lược để vừa cải thiện hiệu suất vừa ngăn học sinh mất hứng thú. AI gia sư được kỳ vọng sẽ thực sự tạo ra một hệ thống giáo dục được cá nhân hóa phù hợp với mỗi người học - miễn là họ sẵn sàng từ bỏ một số quyền riêng tư.

Yoshua Bengio, Giáo sư tại Đại học Montreal và là người sáng lập viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Mila, nói: "Tương tác trực quan với khuôn mặt biểu lộ được cảm xúc, thể hiện được sự ủng hộ, là rất quan trọng đối với giáo viên". Korbit, một công ty có trụ sở tại Hàn Quốc, đã sử dụng công nghệ này trong giáo dục, mặc dù ông Bengio cho rằng có thể phải mất một thập kỷ hoặc hơn nữa những gia sư như vậy mới có khả năng ngôn ngữ trôi chảy tự nhiên và hiểu biết ngữ nghĩa.

Dường như trí tuệ nhân tạo đã hiện diện ở vô vàn lĩnh vực, từ các khám phá vật liệu mới cho tới nhiều loại thuốc tiên tiến. Trí tuệ nhân tạo thậm chí đã bắt đầu viết phần mềm và cuối cùng có thể tự tạo ra một AI phức tạp hơn bản thân. Diffblue, một công ty khởi nghiệp từ Đại học Oxford, sở hữu một hệ thống AI có khả năng viết ra các bài kiểm tra phần mềm, một công đoạn chiếm tới một phần ba thời gian của các nhà phát triển. Justin Gottschlich, người điều hành nhóm nghiên cứu lập trình máy tại Intel Labs, hình dung ra một ngày mà bất kỳ ai cũng có thể tạo ra phần mềm chỉ đơn giản bằng cách nói với hệ thống AI những gì họ muốn phần mềm làm.

"Tôi có thể hình dung những người như mẹ tôi có thể tạo ra phần mềm, ngay cả khi bà ấy không biết về lập trình".

Theo VnExpress