Trước đó, Lê Kỳ A. được gia đình đưa đến Bệnh viện Hoàng Mỹ Bình Phước thăm khám, chụp CT scan bụng. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy A. bị chấn thương thận phải độ III, vì vậy được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng 2 để chữa trị.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)
|
Còn Nguyễn Trần T. bị đau hông lưng, có biểu hiện tiểu máu và sốc mất máu. Các bác sĩ chẩn đoán T. bị chấn thương thận phải độ IV, phải điều trị hồi sức tích cực, truyền máu ổn định huyết động trước khi đưa bệnh nhi tới Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bác sĩ Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Niệu của Bệnh viện cho hay, sau một thời gian được điều trị, chăm sóc tại bệnh viện, hiện 2 bệnh nhi đã qua giai đoạn nguy hiểm. Song, các em vẫn sẽ tiếp tục được điều trị theo dõi, điều trị bảo tồn không phẫu thuật (kỹ thuật tiên tiến giúp điều trị cho bệnh nhân mà không cần phẫu thuật xâm lấn) cho tới khi hồi phục sức khỏe hoàn toàn.
Qua 2 trường hợp nói trên, Bác sĩ Phan Lê Minh Tiến, công tác tại Khoa Niệu của Bệnh viện cho biết, chấn thương thận ở trẻ rất nguy hiểm, nhiều trường hợp có mức độ nặng nề hơn so với chấn thương thận trên người lớn như tổn thương vùng bụng, tổn thương mạch máu thận,…
Đồng thời, chấn thương còn có thể liên quan đến các tình trạng bất thường bẩm sinh ở trẻ như thận nước, thận móng ngựa (bệnh nhân bị bệnh này 2 quả thận sẽ nối với nhau tạo thành hình móng ngựa).
Vì mức độ nguy hiểm của chấn thương thận ở trẻ, bác sĩ Tiến khuyên phụ huynh nên cảnh giác, tránh để trẻ gặp tai nạn trong lao động, sinh hoạt, thể dục thể thao, tham gia giao thông thiếu an toàn. Khi phụ huynh nghi ngờ trẻ bị chấn thương thận, cần đưa trẻ tới khám chuyên khoa để phát hiện sớm tình trạng bệnh và điều trị kịp thời.