Số trẻ mắc bệnh tự kỷ được phát hiện tại các khoa/bệnh viện chuyên khoa tâm thần ngày một nhiều hơn. Trong khi đó, kiến thức về căn bệnh này ở nhiều phụ huynh còn hạn chế, ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, điều trị trẻ cũng như sự phát triển của các cháu.
Mong muốn mang đến các phụ huynh những kiến thức cơ bản về căn bệnh này, VietTimes đã trao đổi vấn đề này với Ths. Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương - một bác sĩ nội trú chuyên ngành sức khoẻ tâm thần nhi có nhiều năm kinh nghiệm khám, điều trị về trẻ tự kỷ.
PV: Thưa bác sĩ, ông có thể cho biết tình hình trẻ tự kỷ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua?
BSNT. Nguyễn Minh Quyết: Gần đây, số trẻ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng, trong đó có rối loạn phổ tự kỷ.
Rối loạn phổ tự kỷ bao hàm rối loạn tự kỷ, hội chứng Asperger và rối loạn phát triển lan tỏa không biệt định. Tỷ lệ trẻ mắc rối loạn này ngày càng gia tăng, ước tính tỷ lệ của trẻ tự kỷ và người tự kỷ trưởng thành chiếm 1% dân số.
Mỗi ngày, Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 200 cháu bé đến khám. Hàng năm, Khoa Tâm thần còn can thiệp cho khoảng 250-300 lượt trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong số 30.000-35.000 lượt trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi năm, số trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ chiếm khoảng 25-30%.
Biết rõ nguyên nhân của bệnh tự kỷ là rất quan trọng để phát hiện, phòng ngừa và chăm sóc trẻ tốt hơn. Bác sĩ có thể chia sẻ về điều này?
BSNT. Nguyễn Minh Quyết: Hiện chưa có bằng chứng khoa học khẳng định nguyên nhân của rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, các yếu tố có bằng chứng mạnh nhất là liên quan đến gen, thường là đa gen với sự tương tác qua lại giữa gen và môi trường.
Có thể chỉ ra các yếu tố nguy cơ của rối loạn phổ tự kỷ: Tuổi bố mẹ cao (bố trên 40 tuổi, mẹ trên 35 tuổi khi sinh con); đẻ non tháng (thường dưới 32 tuần là yếu tố nguy cơ cao hơn); đẻ nhẹ cân (thường dưới 2.500 gram là yếu tố nguy cơ cao hơn); ngạt sau sinh, chăm sóc tại hồi sức tích cực sơ sinh sau sinh, nhiễm khuẩn nặng sau sinh; gia đình có anh chị em ruột hoặc họ hàng được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, tâm thần phân liệt, động kinh; khoảng cách giữa các lần sinh quá xa nhau (thường ít nhất là 7 năm) hoặc quá gần nhau (dưới 24 tháng),…
Nguyên nhân của tự kỷ không phải do cha mẹ không chăm sóc trẻ, không phải do tiêm vắc xin, không phải do xem TV hay điện thoại.
Bác sĩ có thể tư vấn thêm về những dấu hiệu để nhận biết sớm căn bệnh này?
BSNT. Nguyễn Minh Quyết: Các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ khá đa dạng, chia thành 2 nhóm lớn: Suy giảm về giao tiếp xã hội và các hành vi, sở thích, hoạt động thu hẹp, lặp đi lặp lại.
Các suy giảm về giao tiếp xã hội gồm: Ít phản ứng khi được gọi tên, ít giao tiếp bằng mắt, thích chơi một mình, khó khăn trong việc kết bạn và duy trì mối quan hệ; ít các cử chỉ, điệu bộ như chào, tạm biệt, ạ, xin...; chưa biết chỉ bằng ngón trỏ, hay kéo tay người khác, ít biểu lộ cảm xúc trên nét mặt hoặc khó hiểu cảm xúc, nét mặt của người khác; khó để hiểu nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, quy tắc ngầm; chưa nói phù hợp với lứa tuổi, âm sắc bất thường, giọng đều đều, khó khăn trong khởi xướng hội thoại, không biết chơi giả vờ, tưởng tượng phù hợp lứa tuổi.
Các hành vi, sở thích, hoạt động thu hẹp, lặp đi lặp lại như: các động tác bàn tay (vỗ tay, xoắn vặn tay, gõ, ngắm nghía bàn tay, vẩy tay…); tư thế bất thường (đi kiễng, lắc lư người…), cách chơi lặp đi lặp lại (xoay bánh xe, xé giấy, xếp thành hàng dài, chồng cao..); nhại lời hoặc nói theo phong cách riêng (lan man, trịnh trọng, biệt ngữ, rập khuôn), âm vô nghĩa lặp đi lặp lại; tuân thủ nghiêm ngặt thói quen hoặc lịch trình 1 cách cứng nhắc (giờ ăn, giờ vệ sinh, giờ đi ngủ, chơi đồ chơi theo một cách…); khó chịu hoặc dễ bùng nổ khi thay đổi môi trường, chuyển tiếp giữa các sự kiện hoặc hoạt động; tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc theo phong cách riêng; quan tâm đến các chủ đề mà các trẻ cùng lứa ít hứng thú, quan tâm quá mức đến một hoặc nhiều chủ đề về cả mức độ hoặc độ tập trung; hiểu biết sâu về một chủ đề (lịch sử, thiên văn, địa lý, quốc kỳ…), quá nhạy cảm về cảm giác như xúc giác (kết cấu đồ ăn, đồ chơi, đồ dùng, không thích ôm..), âm thanh (sợ tiếng máy sấy, máy xay…), giảm cảm giác đau, nóng, lạnh; phản ứng quá mức với mùi, vị ,màu sắc đồ ăn; cuốn hút các vật xoay tròn, ngửi, liếm đồ vật…
Có 5 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự kỷ mà các phụ huynh cần đặc biệt chú ý:
-12 tháng, trẻ không nói bập bẹ
-12 tháng, trẻ chưa biết chỉ ngón, bye, vỗ tay, lắc đầu
-16 tháng, trẻ chưa nói được từ đơn
-24 tháng, trẻ chưa nói được 2 từ
- Trẻ mất đi kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội đã có ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Hiện đã có phương pháp điều trị hiệu quả cho trẻ tự kỷ chưa, thưa bác sĩ?
BSNT. Nguyễn Minh Quyết: Hiện nay, chưa có phương pháp nào điều trị khỏi rối loạn phổ tự kỷ. Các biện pháp can thiệp giáo dục được chứng minh là có hiệu quả tốt nhằm giảm các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ, giúp trẻ học các kỹ năng quan trọng, nâng cao khả năng hòa nhập xã hội.
Phối hợp đa ngành trong điều trị rối loạn này là điều vô cùng quan trọng. Trong đó, bác sĩ tâm thần nhi; bác sĩ nhi được đào tạo về chẩn đoán và điều trị rối loạn phát triển; bác sĩ phục hồi chức năng làm trưởng nhóm cùng với các nhà chuyên môn như cán bộ tâm lý lâm sàng, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà âm ngữ trị liệu, nhà hoạt động trị liệu, cộng tác viên công tác xã hội…
Một số thuốc có hiệu quả trong điều trị các vấn đề đi kèm ở trẻ như rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi (tự làm đau, gây hấn,..), rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, động kinh…
Các thuốc được chấp thuận điều chỉnh các rối loạn đi kèm này phải được kê bởi các bác sĩ chuyên khoa, như Risperidon, Aripiprazol, Clonidin, Methylphenidat, Melatonin, Fluoxetin, Sertralin, Valproat Natri, Oxcarbazepin…
Các biện pháp khác như trị liệu âm nhạc, nghệ thuật, điều chỉnh chế độ ăn, thải độc, ghép tế bào gốc…chưa có bằng chứng khoa học rõ rệt về hiệu quả, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ phần nào đó, hoặc rất hạn chế về hiệu quả.
Nhiều cha mẹ rất khó chấp nhận đứa con bị tự kỷ, hoặc không muốn người ngoài biết con bị bệnh. Đó cũng là lý do trẻ tự kỷ ít được phát hiện sớm, hoặc điều trị không đúng. Bác sĩ có thể cho lời khuyên?
BSNT. Nguyễn Minh Quyết: Có một số điều cha mẹ nên làm. Đó là:
Chấp nhận vấn đề của trẻ: Đây thực sự là một điều bố mẹ sẽ phải trải qua. Các bạn ấy cũng rất đáng yêu, có nhiều điểm đáng khích lệ, nhiều điều tích cực để có thể nhìn nhận thấy như xử lý hình ảnh tốt, trí nhớ tốt, học vẹt tốt…
- Hãy biết và hiểu trẻ: Bố mẹ gần gũi và yêu thương con. Con là điều khiến họ hạnh phúc, họ quan tâm, họ lo lắng,họ dành thời gian cho con. Con sẽ có điểm yếu và điểm mạnh. Hiểu để phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của con.
- Hãy hỗ trợ các thói quen của trẻ: Điều này sẽ mang lại sự cấu trúc, an toàn cho trẻ; có thể giúp trẻ phát huy các điểm mạnh. Hãy luôn thông báo cho trẻ về lịch trình, sự thay đổi, hỗ trực trực quan cho trẻ.
- Hãy trang bị các kiến thức cho mình: Cha mẹ hãy chủ động trang bị các kiến thức đúng, khoa học và tin cậy cho mình. Không nên nghe theo các lời đồn, các quảng cáo không chính xác. Thông tin từ các nhà chuyên môn tại Bệnh viện chuyên khoa, Khoa Giáo dục đặc biệt, Khoa Tâm lý lâm sàng,…được chứng minh uy tín, trình độ sẽ giúp phụ huynh có kiến thức đúng.
- Hãy đưa con đi tái khám thường xuyên và theo đúng lịch hẹn: Điều này giúp trẻ được đánh giá về phát triển, các vấn đề đi kèm, các lời khuyên, điều chỉnh thuốc một cách phù hợp.
- Hãy dành thời gian cho bản thân: Cha mẹ nên có 10-15 phút mỗi ngày dành thời gian cho bản thân. Có thể tập giãn cơ, thở bụng, nghe nhạc, trò chuyện với người tin yêu,…sẽ giúp cha mẹ hồi phục năng lượng và tiếp tục cho một hành trình kỳ diệu.
- Hãy tham gia các cộng đồng chính thống để được chia sẻ, hỗ trợ và học tập từ các chuyên gia, phụ huynh nhằm giúp đỡ trẻ và cha mẹ trên hành trình cùng con.
Cám ơn bác sĩ!