Biết tin Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã điều trị thành công nhiều trẻ tự kỷ bằng châm cứu, tôi liền gọi cho Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Vương Ánh Dương để xác thực. Và rồi, tôi quyết định đến tận nơi xem sao, bởi tôi biết, đang có nhiều trẻ tự kỷ được phát hiện mà không biết điều trị ở đâu, nên đây có thể là “cánh cửa mở” cho nhiều gia đình.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ sinh ra mắc chứng tự kỷ, nhưng số trẻ được chẩn đoán và can thiệp sớm chưa như mong muốn, thì phương pháp điều trị theo y học cổ truyền sẽ là một cơ hội cho các bé được trở lại cuộc sống và đi học như những đứa trẻ bình thường.
Những điều kỳ diệu
Trước sự quan tâm của chúng tôi về phương pháp điều trị tự kỷ bằng châm cứu, PGS.TS. Trần Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương và là Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Thế giới - cho biết: Phương pháp điều trị cho trẻ tự kỷ bằng châm cứu đã được thực hiện ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương từ hơn 10 năm trước và hiệu quả đã được chứng minh. Mỗi năm, Bệnh viện điều trị cho trên 1.500 lượt trẻ tự kỷ. Khi đến đây, hầu như các cháu đều trong tình trạng không biết nói, không giao tiếp, tăng động giảm chú ý, nhưng sau khi được điều trị, các cháu đều biết nói, biết giao tiếp, nhận thức phát triển hơn và nhiều cháu tiến triển rất tốt.
BSCKI. Nguyễn Thế Dũng - Trưởng Khoa Chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ Bệnh viện Châm cứu Trung ương còn cho biết thêm một điều kỳ diệu: Tháng trước, một cháu bé 6 tuổi, điều trị 3,5 năm ở đây, đã được ra viện, trở về nhà đi học với bạn bè cùng trang lứa mà không phải tham gia lớp học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ.
Câu chuyện của chúng tôi mới bắt đầu, thì cửa phòng bác sĩ Dũng mở. Một phụ huynh còn trẻ ngó vào gọi rất thân tình: “Ông ơi, ông sang châm cho cháu với”. Thế là bác sĩ Dũng mỉm cười, xin lỗi chúng tôi và đến ngay với bệnh nhân của mình.
“Mục sở thị” việc điều trị trẻ tự kỷ ở đây, chúng tôi được chứng kiến bàn tay tài hoa của bác sĩ Dũng nhẹ nhàng và nhanh nhẹn châm cứu cho cháu bé hơn 2 tuổi. Mẹ bé - chị NHA, ở Gia Lâm, Hà Nội - cho biết, sau khi được điều trị bằng châm cứu một thời gian, tình trạng của cháu đã tiến triển tốt. Từ không biết nói, cháu đã bắt đầu nói được nhiều từ.
Ở khu điều trị nội trú, các phòng đều sạch sẽ, thoáng mát, và đặc biệt, có cả khu vui chơi ở hành lang và các phòng học với rất nhiều đồ chơi, dụng cụ học tập cho các bệnh nhi.
Chị Trần Thị H - mẹ của bé HVD ở Hà Nam - cởi mở chia sẻ với tôi rằng con trai chị nhập viện từ tháng 2/2023, đến nay mới được 3 tháng với 3 liệu trình điều trị (mỗi liệu trình 3 tuần), nhưng bé đã nói được từ đôi và một số câu đơn giản. Đây là sự thay đổi kỳ diệu bởi khi vào viện, cháu HVD không biết nói từ nào, dù đã hơn 4 tuổi và cũng không chịu giao tiếp với ai. Thế mà giờ đây, khi bác sĩ Dũng giơ tay lên “zee” với cháu, bé đã mỉm cười nhìn ông và giơ bàn tay bé xíu lên áp vào tay ông - sự tương tác vốn là đương nhiên của một đứa trẻ bình thường, nhưng lại là niềm vui lớn của những phụ huynh có con tự kỷ như bé HVD.
Các phụ huynh đều cho biết, con cháu họ được đưa vào viện khi 2, 3 tuổi do vẫn chưa nói được và rất khó khăn khi nghe hiểu, nhưng chỉ sau vài đợt điều trị, các bé đã có thể nói chuyện bình thường.
Kế thừa truyền thống kết hợp hiện đại
BSCKI. Nguyễn Thế Dũng cho biết, mỗi ngày, Khoa Chăm sóc và Điều trị trẻ tự kỷ điều trị cho khoảng 80 cháu. Trong đó, gần 30 cháu điều trị ngoại trú, còn lại là điều trị nội trú. Những năm gần đây, số trẻ mắc bệnh mắc tự kỷ ngày càng nhiều, bình quân, mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận 4-5 cháu đến khám và điều trị. Các bệnh nhi từ 12 tháng đến dưới 16 tuổi, quê ở khắp các vùng miền.
Từ thực tế nhiều năm điều trị tự kỷ cho các cháu bằng châm cứu, BSCKI. Nguyễn Thế Dũng cho biết phương pháp này rất hiệu quả và giải thích: Các cháu tự kỷ là do đều có khiếm khuyết ở não bộ, nên chúng tôi phải điều trị ở não trước. Đông y chủ yếu sẽ dùng châm cứu, thủy châm để “khai khiếu, tỉnh thần” (nói được và tỉnh táo thần trí), kết hợp với can thiệp ngôn ngữ thì hiệu quả rất cao. Để chữa trị ở não, các bác sĩ cho thủy châm thuốc bổ não, thủy châm vitamin vào các huyệt và chỉ sau 1-2 liệu trình (3 tuần/liệu trình) là có hiệu quả.
Tùy theo từng bệnh nhân mà bác sĩ châm cứu nhóm huyệt khai khiếu và tỉnh thần. Sau khi được châm cứu, thủy châm, bấm huyệt, các bé được giáo dục, can thiệp ngôn ngữ và vận động 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng nhận thức của từng cháu, nhằm điều chỉnh hành vi, ngôn ngữ và giác quan cho các bé.
Hướng dẫn các bé là những điều dưỡng được đào tạo về chuyên môn tâm lý, chuyên môn sư phạm của Đại học Sư phạm hoặc Trường Đại học Y Hà Nội, có chứng chỉ đầy đủ, có cả thạc sĩ tâm lý cũng tình nguyện về đây.
Khoa có 5 phòng hướng dẫn các bệnh nhi, mỗi phòng chỉ có một cô điều dưỡng dạy cho một bé tự kỷ cách nhận biết màu, cách sử dụng, nhận biết đồ vật v.v… qua những đồ chơi, bộ xếp hình, rồi dạy cho các cháu tập đi vào các vòng tròn…
Điều dưỡng Nguyễn Lan Phương dịu dàng chỉ dẫn cho bé Nguyễn Văn P. xếp hình Lego một cách tỉ mỉ và kiên trì. Chị Phương kể: Việc hướng dẫn các cháu đòi hỏi các cô phải rất nhẫn nại, vì mỗi cháu một tính, nhiều cháu tăng động, hay cáu giận, đập phá, hay không biết nói, có cháu còn không làm chủ được vệ sinh, nên đại tiểu tiện ra. Có bé nhập viện khóc hàng tháng nên các cô phải bế bé, dỗ dành. Nhận thức của các bé gần như chưa có gì, như bé P. gần 5 tuổi nhưng nhận thức chỉ như một bé lên một.
Vì thế, để các bé hợp tác với các điều dưỡng là cả một vấn đề. Để dạy các con nhận biết một màu, hay một đồ vật, có khi mất vài tháng. Mà nếu bé về nhà chỉ 1 tuần là lại quên sạch. Các cô phải bắt đầu lại. Với các bé tự kỷ, các điều dưỡng phải nương theo để giao tiếp cho phù hợp, vừa học vừa chơi, nếu không các bé sẽ chán ngay.
“Mục đích điều trị của chúng tôi rất rõ ràng là để các cháu được trở về với cộng đồng, đi học và rồi học được nghề để nuôi sống bản thân” - Bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm, các bệnh nhi điều trị ở đây được bảo hiểm y tế chi trả. Vì thế, mỗi đợt điều trị của các cháu chỉ phải trả hơn 1 triệu. Tuy nhiên, đa phần gia đình các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nên Bệnh viện còn kêu gọi hỗ trợ để miễn phí các bữa trưa cho các cháu.
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho thấy bệnh nhân đến càng sớm kết quả điều trị khỏi bệnh càng cao. Kết quả điều trị tốt nhất là từ 1 - 3 tuổi, vì đây là thời gian vàng trong điều trị.
Dấu hiệu để biết trẻ bị tự kỷ
Theo BSCKI. Nguyễn Thế Dũng, có ba biểu hiện để có thể phát hiện trẻ bị tự kỷ:
Về quan hệ xã hội, các bé không tham gia các trò chơi nhóm, xa rời đám đông và chọn 1 góc nào đó lủi thủi chơi 1 mình. Các cháu không tập trung, giảm chú ý, ai gọi tên cháu cũng không quan tâm, đặc biệt là không giao tiếp bằng mắt, không có các biểu cảm trên mặt.
Về ngôn ngữ và phi ngôn ngữ của các cháu có biểu hiện khiếm khuyết khi 2-3 tuổi, thậm chí, 4-5 tuổi vẫn không nói được từ nào. Có cháu chỉ nói được 1 vài từ đơn và không nói được từ đôi; biểu hiện thờ ơ, không quan tâm đến người xung quanh.
Biểu hiện thứ ba là các cháu bị rối loạn hành vi, như tăng động, quay đầu, chạy vòng tròn, đứng tay, đi kiễng chân. Sở thích đơn điệu: Ăn uống thì thực đơn chỉ ăn 1 món, không thích thay đổi. Mặc cũng chỉ thích 1-2 màu, không thích những cái mới, mà thích lặp đi lặp lại. Một biểu hiện nữa là tự xâm hại mình như cấu véo bản thân.
Theo BSCKI. Nguyễn Thế Dũng, những cháu bị tự kỷ thường có tiền sử sản khoa, mà yếu tố đầu tiên là tuổi bố mẹ, nhất là tuổi mẹ càng cao thì khả năng con bị tự kỷ cũng cao; hay cháu đẻ thiếu tháng, đẻ bị ngạt vv...
Cũng theo bác sĩ Dũng, đó chỉ là những gợi ý liên quan đến tự kỷ, còn nguyên nhân của hội chứng này đến nay vẫn chưa tìm ra. Tuy nhiên, có thể đề cập đến một số yếu tố nguy cơ bao gồm yếu tố sinh học như bất thường trên nhiễm sắc thể, tổn thương não bộ, tuổi của bố mẹ khi sinh con,... và yếu tố môi trường xã hội như xem quá nhiều TV, máy tính, điện thoại thông minh...