Trẻ em sẽ trở thành “cừu đen” nếu bị cấm chơi game?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù lo ngại về tác hại của trò chơi điện tử và có xu hướng cấm trẻ chơi game nhưng nhiều bậc phụ huynh lại lo sợ rằng trẻ sẽ trở thành “cừu đen” ở trường khi bạn bè chúng làm quen với game từ rất sớm.
Ảnh minh họa: VGP.
Ảnh minh họa: VGP.

Đó là một phần trong kết quả nghiên cứu vừa công bố của Kaspersky với tiêu đề “Kết nối hơn bao giờ hết: Làm thế nào để xây dựng vùng an toàn kỹ thuật số (Digital Comfort Zones)”. Cuộc khảo sát với sự tham gia của 760 người dùng trực tuyến trong khu vực Đông Nam Á đã xác nhận rằng trẻ em đang dành nhiều thời gian trực tuyến hơn do tình hình đại dịch.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, cứ 10 phụ huynh thì có tới 4 người nghĩ rằng con họ trở nên “gắt gỏng hơn bình thường” sau khi chơi game.

Theo các chuyên gia bảo mật Kaspersky, cấm trẻ chơi game không phải là giải pháp đúng đắn. Khi các bạn cùng trang lứa có thể chơi trò chơi điện tử mà mình không được, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy như bị ruồng bỏ. Ngoài ra, trò chơi điện tử không chỉ thú vị mà còn rất hữu ích đối với trẻ, đặc biệt dưới sự định hướng phù hợp của cha mẹ.

"Trong nhiều trường hợp, cha mẹ không nên cấm trẻ chơi game. Thay vào đó, hãy kiểm soát việc này một cách hiệu quả, bằng cách sử dụng phần mềm và cài đặt thiết bị đặc biệt, cũng như thường xuyên nói chuyện với trẻ và giải thích những quy tắc cần thiết" - ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Về lo ngại chơi game sẽ gây hại cho thị lực và tư thế của trẻ, các chuyên gia cho rằng, vấn đề về thị lực là lý do để cha mẹ cần cẩn thận hơn khi cho trẻ chơi game. Tư thế của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là nếu trẻ không thường xuyên chơi thể thao.

Chuyên gia cho rằng, việc sử dụng màn hình chất lượng có thể giúp giảm bớt các vấn đề về thị lực. Một chiếc ghế tốt, một chiếc bàn có chiều cao phù hợp, tư thế thoải mái và khoảng cách tốt với màn hình sẽ giúp ích cho tầm nhìn và tư thế của trẻ.

Ngoài ra, để đảm bảo thị lực của trẻ, chuyên gia lưu ý phụ huynh cần giới hạn thời gian trẻ chơi game.

Nhiều phụ huynh không thành thạo về trò chơi điện tử thường e dè và tỏ ra hoảng sợ trước ý kiến cho rằng “trẻ em trở nên hung dữ do chơi game”, từ đó cấm trẻ chơi trò chơi điện tử.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khẳng định hành vi hung hăng của trẻ không phải do các trò chơi điện tử gây ra, mà do nhiều yếu tố tác động khác nhau. Cho dù không cho trẻ chơi game, trẻ vẫn có thể đánh nhau với bạn bè, bắn kẻ thù vô hình bằng cung, súng lục, súng phóng lựu hoặc súng ngắn đồ chơi. Cả con trai và con gái đều có thể làm điều này, mặc dù mọi người thường nghĩ những hành động bạo lực thường nghiêng về con trai.

Tóm lại, các chuyên gia cho rằng không nên cấm con trẻ chơi trò chơi điện tử. Tuy nhiên, để giữ an toàn cho con, phụ huynh nên lưu ý 6 điểm sau đây để giúp bạn kiểm soát tốt hơn việc chơi game của trẻ: Giao tiếp, xếp hạng độ tuổi, giới hạn thời gian, bảo vệ chống mã độc, cài đặt hạn chế mua hàng trong ứng dụng, huyến khích trẻ phát triển sở thích trong thế giới thực.