Mỗi địa phương thuộc đô thị loại đặc biệt và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp PCCC và cứu nạn cứu hộ quốc gia sẽ được trang bị tối đa 2 máy bay trực thăng chữa cháy, cứu hộ và 2 máy bay chữa cháy, niên hạn sử dụng 15 năm và chỉ trang bị khi đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực gồm phi công, đội ngũ kỹ thuật viên phục vụ; đảm bảo cơ sở hạ tầng bay và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đó là quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị cho đơn vị cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ được ban hành kèm theo thông tư số 60 của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng cảnh sát PCCC.
Ngoài ra, các đơn vị PCCC còn được trang bị nhiều thiết bị chuyên dụng khác như thiết bị đo áp suất, đo khoảng cách bằng tia hồng ngoại, đo nhiệt độ từ xa, đo độ phóng xạ... Mỗi đội cảnh sát chữa cháy trung tâm được trang bị 5 xe chữa cháy, 2 xe cứu hộ, 1 xe cứu thương, 1 xe thang chữa cháy từ 32-52m; mỗi đội chữa cháy khu vực được trang bị tối đa 4 xe chữa cháy.
Các đội đều được trang bị xe chữa cháy hóa chất chữa cháy bằng bột, bọt, khí, xe chở và nạp bình khí thở... xe môtô cứu thương, môtô chữa cháy và các thiết bị ghi âm, ghi hình, camera dò tìm người bị nạn. Riêng các đội chữa cháy sông, biển được trang bị một tàu chữa cháy, hai canô cứu hộ.
Hiện nay cả nước chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được xếp loại đô thị đặc biệt. Mới đây nhất, Hải Phòng cũng được xem xét đưa vào danh sách đô thị đặc biệt.
Như vậy, chỉ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể được trang bị máy bay chữa cháy và cứu hộ theo quy định tại thông tư 60 của Bộ Công an. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
Theo Tuổi trẻ