Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12-11 có câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc đối với việc Bộ trưởng An ninh Indonesia Binsar Pandjaitan tuyên bố có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) nếu nước này không giải quyết qua đối thoại vấn đề tranh chấp vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna.
“Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý vẽ ra trên biển Đông “liếm” đến tận Natuna và đây là nguồn cơn khiến Indonesia gia tăng thái độ cứng rắn gần đây. Hôm 12-11, Bộ Ngoại giao Indonesia yêu cầu Trung Quốc làm rõ vấn đề trên.
Trong lúc giới quan sát cho rằng đã đến lúc Jakarta từ bỏ lập trường trung lập trên biển Đông thì Trung Quốc tỏ vẻ nhượng bộ. “Phía Trung Quốc không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cho hay.
Reuters dẫn lời ông Hồng nói thêm: "Đối với một số tranh chấp hàng hải hiện hữu giữa 2 bên, chúng tôi sẽ tìm các giải pháp phù hợp thông qua đối thoại và tham vấn trực tiếp". Không rõ các "tranh chấp giữa 2 bên" mà ông này nói đến là gì.
Ngoài ra, ông Hồng cam kết Trung Quốc sẽ “giải quyết các tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình… theo chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế”.
Sức ép về biển Đông có thể lại trút lên Trung Quốc một lần nữa khi Nhà Trắng tuyên bố các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông sẽ là một “vấn đề trọng tâm” khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp các lãnh đạo châu Á vào tuần tới.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice hôm 12-11 cho hay vấn đề này sẽ được ông Obama đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC (ở Philippines), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ (đều ở Malaysia)...
Trước đó, Trung Quốc từng tuyên bố Hội nghị APEC sẽ không thảo luận về những căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
Hải Ngọc - Theo Paper.cn, NLĐ