“Indonesia đang làm việc rất tích cực. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận Trung Quốc và muốn thấy một giải pháp về vấn đề Biển Đông trong tương lai gần thông qua đối thoại hoặc sẽ đưa vấn đề này lên Tòa án Hình sự Quốc tế”, Reuters dẫn lời ông Luhut Panjaitan, giám đốc an ninh quốc gia Indonesia, nói.
Theo ông Panjaitan, Indonesia không muốn thấy bất kỳ động thái triển khai sức mạnh nào tại Biển Đông. "Chúng tôi muốn giải pháp hòa bình bằng cách thúc đẩy đối thoại".
Giám đốc an ninh quốc gia Indonesia cũng nhấn mạnh, yêu sách "đường 9 đoạn" do Trung Quốc vẽ ra là vấn đề không chỉ riêng nước này phải đối mặt mà nó cũng tác động trực tiếp tới lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines.
Indonesia tin rằng yêu sách "đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đối với một phần quần đảo Natuna là "không có cơ sở pháp lý". Quần đảo Natuna ở phía Nam Biển Đông, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo.
Quần đảo Natuna do Indonesia kiểm soát nằm trong yêu sách "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc vẽ ra. Ảnh: Indomigas |
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về Biển Đông đã khiến mối quan hệ hai bên căng thẳng và là “nút thắt cản trở nỗ lực cải thiện và phát triển mối quan hệ song phương”.
“Chúng tôi không muốn nút này chặt hơn và thậm chí trở thành một nút thắt chết", ông Vương nói với các phóng viên tại Manila. Theo ông này, nới lỏng hoặc mở nút thắt sẽ phụ thuộc vào Philippines.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn khăng khăng rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết song phương. Philippines hôm 10/11 cho biết họ sẽ theo đuổi vụ kiện cho tới khi có “kết luận hợp lý”.
"Tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là mở rộng, quá mức và không có cơ sở theo luật quốc tế. Nếu hành vi trái phép không bị thách thức, Phlippines có thể mất khoảng 80% của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Charles Jose nói.
Tuần tới, Manila tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Mỹ nói vấn đề Biển Đông có khả năng được đề cập trong sự kiện. Trước thông tin này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh hy vọng "các chủ đề chính trị nhạy cảm" sẽ không được thảo luận ở APEC.
"Chúng tôi hy vọng tất cả các bên có thể giữ nguyên bản chất kinh tế thương mại của diễn đàn APEC", ông Hồng nói với các phóng viên tại Bắc Kinh.
Theo TT