Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp chiều 7-7 giữa lãnh đạo UBND TPHCM với các sở ngành liên quan về nội dung điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp tại TPHCM.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, các cụm công nghiệp đưa ra khỏi quy hoạch sẽ được chuyển thành khu công nghiệp (2 cụm), đơn vị sản xuất công nghiệp hiện hữu (9 cụm), chuyển chức năng (6 cụm).
Các cụm công nghiệp còn được giữ lại chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè.
Trước đây, thành phố quy hoạch phát triển 30 cụm công nghiệp. Đến nay, chỉ có một số cụm công nghiệp đã có đơn vị kinh doanh hạ tầng và có doanh nghiệp đang hoạt động như Cụm công nghiệp Nhị Xuân, Lê Minh Xuân, Xuân Thới Sơn A …Số còn lại vận chưa có đơn vị kinh doanh hạ tầng hoặc đã có đơn vị kinh doanh hạ tầng nhưng chưa thu hút được doanh nghiệp vào hoạt động.
Theo Sở Công Thương, việc giảm diện tích đất cụm công nghiệp là điều cần thực hiện bởi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đền bù giải tỏa ngày càng khó khăn, nhất là ở nơi có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước như TPHCM. Thực tế hiện nay vẫn có một số cụm công nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư.
Phát biểu tại cuộc họp chiều nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tất Thành Cang yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát lại đất nông lâm trường không thể canh tác nông nghiệp được nữa, đất sỏi đá, phèn chua, ngập mặn để chuyển sang làm đất sản xuất công nghiệp.
Ước tính sơ bộ các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi có khoảng 1.800 héc ta đất trống dành để sản xuất công nghiệp mà không cần phải bồi thường giải tỏa. Việc quy hoạch đất để hỗ trợ phát triển công nghiệp nếu làm tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Theo TBKTSG