Động viên nhân viên ngành y, tăng tốc giải ngân đầu tư công
Tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, đồng thời là 8 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM diễn ra chiều nay, 30/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP đã triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, giải trình đối với các ngành, các cấp có liên quan, theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trước thực trạng nhân viên y tế tiếp tục nghỉ việc, rời khỏi ngành y, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, nhân viên y tế; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn chung của ngành y tế, cũng như giúp nhân viên y tế ổn định cả về đời sống vật chất lẫn sức khỏe tinh thần để an tâm công tác.
TP.HCM cũng đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình cấp có thẩm quyền tăng biên chế cho TP.HCM để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của thành phố.
Về tình hình tiêm chủng, tại cuộc họp báo chiều nay, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách HCDC - cho hay: "TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, với nỗ lực tăng cường nhiều xe tiêm chủng lưu động. Tháng 8 là tháng cao điểm tiêm chủng cho trẻ đã kết thúc, nhưng số trẻ từ 12-18 tuổi đã tiêm mũi 3 vẫn còn thấp, nên ngành y vẫn tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ trong tháng 9. Đặc biệt, ngành y sẽ tiêm chủng COVID-19 suốt dịp lễ Quốc khánh, không nghỉ ngày nào".
Đời sống dần trở lại bình thường
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn tiếp tục triển khai các nội dung, nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Trước thực trạng tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM vẫn đang rất thấp, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu cần triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3; nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4; rà soát tổng thể các dự án chống ngập trên địa bàn TP; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 theo kế hoạch đề ra; hoàn thành các thủ tục đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2; phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM |
Theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 8 trên địa bàn duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ đầu năm, không biến động nhiều so với tháng trước. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 năm 2022 ước đạt khoảng 98.840 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước (doanh thu thương mại giảm 0,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,2%; dịch vụ lữ hành giảm 13,5%; dịch vụ khác giảm 1,7%) và tăng 149,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 59,4%).
“Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 746.578 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 10,6%). Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường năm 2022, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của Thành phố với nguồn hàng tại các địa phương nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường” – Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước 08 tháng đầu năm 2022 ước đạt 31,75 tỷ USD, tăng 9,02% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,31%). Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố 8 tháng đầu năm 2022 qua cửa khẩu cả nước ước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 7,51% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 26,2%).
Tổng doanh thu trong tháng 8 ước đạt 14.121 tỷ đồng, tăng 2.567% so với cùng kỳ năm 2021 (do năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19). Khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 617.198 lượt. Tính chung 8 tháng, tổng doanh thu ước đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 16,7 triệu lượt, tăng 216% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 1.382.783 lượt.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM |
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh: “Thành phố đang triển khai các nội dung quan trọng của đề án Du lịch thông minh: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch và Tích hợp thông tin dịch vụ du lịch Thành phố. Tập trung nâng cấp địa đạo Phú Thọ Hòa; giới thiệu chương trình du lịch “Quận 1- Sống động Sài Gòn và “Ký ức Biệt động Sài Gòn”; chương trình du lịch mua sắm, văn hóa - ẩm thực; xây dựng chương trình dự kiến 1 ngày với chủ đề Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa; Chương trình du lịch “Còn bao điều mới lạ” tại Quận 12 và huyện Hóc Môn. Kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch gắn với hình ảnh “Trên bến dưới thuyền” trên địa bàn Quận 1, 5, 6 và Quận 8”.
“Tổ chức đón đoàn khách du lịch MICE lớn nhất trong số các đoàn khách mà Việt Nam từng đón với quy mô 460 khách từ Ấn Độ và 123 khách du lịch MICE quốc tịch Nam Phi của Công ty ABSA đến tham dự hội nghị. Phối hợp tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2022. Tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức chương trình thu hút khách du lịch “TP.HCM chào đón các bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”. Tích cực chuẩn bị cho công tác tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 16 năm 2022 (ITE-HCMC 2022) với chủ đề “Cùng vững bước, cùng đi lên” – Bà Ánh Hoa thông tin.
2022 tập trung phục hồi để 2023 tăng tốc
Tổng thu ngân sách nhà nước của TP.HCM 8 tháng đầu năm (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 311.921 tỷ đồng, đạt 80,69% dự toán năm, tăng 21,34% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,77%). Trong đó, thu nội địa: 2021.910 tỷ đồng, đạt 82,17% dự toán, tăng 25,58% so cùng kỳ.
Toàn cảnh phiên họp chiều 30/8 |
Tổng chi ngân sách địa phương 8 tháng đầu năm ước 38.092 tỷ đồng, đạt 38,22% dự toán, giảm 5,33% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư là 9.232,344 tỷ đồng, đạt 21,2% dự toán, giảm 15,2% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 27.432,564 tỷ đồng, đạt 56,37% dự toán, tăng 1,04% so cùng kỳ.
TP.HCM xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Tính đến tháng 8/2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ.
Đối với công tác đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và lập đồ án Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 về phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
TP.HCM đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc tham mưu cho UBND TP báo cáo Bộ Xây dựng về việc lập điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc TP; chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch và khai thác quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3; đôn đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận Bình Thạnh điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh.