TP.HCM: Còn nhiều điểm nghẽn để trở thành trung tâm tài chính của khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để phát triển TP.HCM thực sự trở thành TP thông minh, đạt các mục tiêu lớn đã đề ra thì còn nhiều hạn chế, như mức tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng được kỳ vọng, hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu...

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị sáng 12/7
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị sáng 12/7

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM – đã đưa ra ý kiến trên tại Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sáng nay, 12/7/2022.

Chưa có bộ máy vận hành kinh tế vùng

Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP.HCM – bà Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo kế hoạch thực hiện công tác đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Giai đoạn trước 2020, TP.HCM với vai trò đầu tàu trong việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đạt tỷ lệ tăng trưởng tốt, đến năm 2021 thì thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, kinh tế mang chỉ số âm. Sáu tháng đầu năm 2022, tốc độ phục hồi kinh tế của TP.HCM đang dần ổn định trở lại, tăng nhẹ so với cùng kỳ”.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết mục tiêu của TP.HCM là "đến 2025 sẽ thật sự trở thành TP thông minh; đến 2030 đạt mốc phát triển toàn diện về kinh tế số, xã hội số, dẫn đầu khu vực và châu Á vào năm 2035 và 2045, đảm bảo các chương trình đột phá, phát triển thành phố thông minh”.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng thừa nhận để phát triển TP.HCM thực sự trở thành TP thông minh, đạt các mục tiêu lớn đã đề ra đến năm 2045 thì còn khá nhiều hạn chế, như mức tăng trưởng kinh tế chưa đáp ứng được kỳ vọng, hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, thu hút vốn FDI cao nhưng mới chỉ tập trung vào khu vực gia công ở trình độ chưa cao, chưa có điều kiện pháp lý đầy đủ cho vận hành kinh tế vùng, chưa có bộ máy điều hành đặc biệt cho sự phát triển của cả vùng; hội đồng vùng chưa có nguồn ngân sách riêng, nhất là dành cho các dự án về giao thông và môi trường, để có thể chủ động hơn trong việc định hướng phát triển kinh tế vùng”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan, ban ngành tập trung phân tích các điểm nghẽn, các hạn chế, để tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ vướng mắc.

Trao đổi về các điểm nghẽn chính của TP như hạ tầng giao thông, nguồn lực tài chính để phát triển các trung tâm công nghệ, ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cũng cho rằng giai đoạn tới, TP.HCM cần tập trung phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ cao, sản xuất thông minh, thực sự phát triển kinh tế số, trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

“Thể chế liên kết vùng chưa có, hội đồng vùng không có ngân sách riêng, đây thực sự là các hạn chế lớn. Nếu muốn các địa phương trong vùng có thể thực sự liên kết, gắn bó, cùng nhau phát triển, chắc chắn nên dùng phương thức kết nối bằng tài chính sẽ mạnh hơn là sử dụng cách thức liên kết hành chính. Rất nên có định mức ngân sách vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để các hoạt động liên vùng từ thẩm định ngân sách dự án đến triển khai hoạt động và kiểm soát hiệu quả thông qua quỹ này, tạo sức hút và gắn kết giữa các địa phương trong vùng” – Ông Phạm Bình An nhấn mạnh.

Ông Phạm Bình An, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM
Ông Phạm Bình An, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM

Còn nhiều điểm nghẽn

Ách tắc giao thông xảy ra trầm trọng tại TP.HCM, dù không phải vấn đề riêng nhưng được các đại biểu tại hội nghị xác định có ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế của TP, gây thiệt hại lớn về tài chính. "Vấn nạn ách tắc giao thông đã gây thiệt hại cho TP.HCM khoảng 6 tỷ USD mỗi năm" - Giám đốc Sở Giao thông TP.HCM Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi đưa ra giải pháp cần phát huy sức mạnh tổng thể của giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy dưới sự điều hành của Hội đồng vùng thì mới có thể giải quyết được vấn đề, đồng thời mới có thể liên kết vùng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Phan Thị Thắng nêu ý kiến: “TP.HCM đang có đề án xây dựng Trung tâm tài chính TP.HCM để thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động. Nhưng về đề án này, còn cần xem xét nhiều. Thực sự là nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước rất lớn, nhưng quá nhiều cơ chế ràng buộc nên rất khó phát triển. TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất cần một cơ chế đặc thù, rất cần được quan tâm, xem xét lại để khơi thông các điểm nghẽn”.

Nhiều đại biểu phân tích, chỉ ra hạ tầng của TP.HCM còn hạn chế, kết nối kém, gây nhiều cản trở, cho nên muốn đạt được những mục tiêu lớn thì đột phá quan trọng nhất là cơ chế chính sách phải có tính cạnh tranh cực kỳ hấp dẫn đối với quốc tế.

“Nếu muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế mà không có những cơ chế tốt thì không thể thu hút được các ngân hàng quốc tế, đối tác quốc tế, nhà đầu tư lớn từ nước ngoài đổ về đầu tư. Yếu tố đột phá thứ hai là hạ tầng cần được hoàn thiện và kết nối, chứ nếu cứ chắp vá như hiện tại thì không thể nào đạt được các mục tiêu lớn nói trên. Vấn đề thứ 3 cần đột phá là mọi đầu tư hãy mang tính kết nối vùng” – Một đại biểu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư phát biểu tại Hội nghị sáng 12/7
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư phát biểu tại Hội nghị sáng 12/7

Tiếp nhận ý kiến đại biểu về việc xây dựng Hội đồng vùng, trong đó TP.HCM là cái lõi đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng công nghệ cao, lãnh đạo TP.HCM bày tỏ: “Chắc chắn sẽ có một cuộc dịch chuyển mới từ trung tâm TP.HCM ra vành đai công nghiệp đô thị mới. TP.HCM đã xây dựng thành công mô hình thành phố trong thành phố với TP Thủ Đức. Sắp tới, TP.HCM có thể có thêm TP Củ Chi và TP Bình Chánh là các TP vệ tinh, tiếp tục phát triển mô hình đã thử nghiệm thành công”.

TP.HCM bày tỏ khát vọng phát triển để có thể trở thành đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, xứng đáng với vai trò một trong những cực phát triển của cả nước, hướng tới năm 2045 có thể trở thành một TP thông minh, một trung tâm tài chính, kinh tế của khu vực.

“TP.HCM và các địa phương trong vùng phải ngồi lại với nhau, cùng nhau xác định rõ vai trò và sứ mệnh của mình, xác định nhiệm vụ trọng tâm của từng tỉnh, thành phố, chứ như thời gian vừa qua thì nói vui là mạnh nhất là mạnh ai nấy làm. Hội đồng vùng phải được thành lập, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, hội đồng vùng sẽ giám sát tiến độ, trách nhiệm, có cơ chế cảnh báo nếu phát hiện các địa phương chưa đạt được nhiệm vụ. Về cơ chế tài chính, đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng tự góp lại để chi tiêu, không phát sinh gánh nặng cho ngân sách quốc gia, phát huy sức mạnh tự chủ và nguồn lực xã hội hóa. Hội đồng vùng sẽ đẩy mạnh các dự án trọng điểm để giải quyết dứt điểm từng vấn đề như hạ tầng cần được hoàn thiện vào các giai đoạn tới 2025, 2030, 2045 như thế nào?” – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.