TP.HCM: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ theo mô hình “chữ V”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giai đoạn hậu COVID-19, TP.HCM cam kết những gì để tiến tới xây dựng chính quyền đô thị, phục hồi kinh tế xã hội hậu COVID-19? 
Toàn cảnh cuộc họp UBND TP.HCM sáng 29/6. Ảnh: MT
Toàn cảnh cuộc họp UBND TP.HCM sáng 29/6. Ảnh: MT

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ!

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM diễn ra sáng nay, 29/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định: “Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm phục hồi kinh tế - xã hội sau tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, kiến tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025”.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025 được các quận, huyện và TP Thủ Đức lần lượt báo cáo, đồng thời rút ra nhận định chung: "Năm 2021 gắn với nội dung xây dựng chính quyền đô thị, năm 2022 là năm nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, các năm tiếp theo sẽ tăng tốc thực hiện các mục tiêu chung" - Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - nhấn mạnh.

Kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, TP cũng tiếp tục chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm trên địa bàn.

“Tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 238.648,063 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 169.937,884 tỷ đồng, đạt 62,92% dự toán, tăng 21,02% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68.700 tỷ đồng, bằng 58,97% dự toán, tăng 9,62% so cùng kỳ” – Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư - cho biết.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư

Về cải thiện môi trường đầu tư trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TTP.HCM trong tương lai”. Đây là sự kiện quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của TP trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; không riêng quốc gia nào, mà là vấn đề toàn cầu; mở ra nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức.

“6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Từ mức giảm sâu ở quý III, IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 3,82%, quý II năm 2022 ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi có dịch” – Giám đốc Sở Tài chính - bà Phạm Thị Hồng Hà - cho hay.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương - cập nhật: “Nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức. Hoạt động thương mại dịch vụ từng bước được khôi phục. Thị trường hàng hóa và đời sống người dân ổn định. Các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống. Các cơ sở kinh doanh triển khai song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,3%). Các chính sách mở cửa sau dịch, bình ổn giá phát huy được hiệu quả”.

“TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình thu hút khách du lịch đến như “TP.HCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City”, Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 18 năm 2022 chủ đề “Sống động từng trải nghiệm”; Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 8 năm 2022; Ngày hội Khinh khí cầu và các hoạt động thể thao dưới nước... tập trung các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long” – Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho hay.

Quá trình phục hồi sau COVID-19 của TP Thủ Đức được đánh giá khá tốt, tổng thu đạt 48.000 tỉ đồng, trong đó thu ngân sách nhà nước 11.000 tỉ đồng, so với năm 2021 cả năm TP Thủ Đức có tổng thu ngân sách là 10.000 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM

TP.HCM cam kết gì và kiến nghị gì?

TP Thủ Đức cam kết tập trung vào công tác cải cách hành chính – một trong những điểm nghẽn trong phát triển, nỗ lực chuyển dịch dần dần sang cung cấp các dịch vụ công cấp độ 4, cung cấp hoàn toàn trên nền tảng điện tử.

Do việc sát nhập 3 địa phương thành TP Thủ Đức, nên đầu việc về thủ tục hành chính đất đai, 6 tháng đầu năm TP Thủ Đức đang tồn lại 44.000 hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai. Vì thế, TP kiến nghị Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM tăng cường nhân lực cho Văn phòng Chi nhánh Thủ Đức để kịp giải quyết hồ sơ cho người dân.

Các vụ việc như khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu Công nghệ cao vẫn còn khá "nóng" nên lãnh đạo TP Thủ Đức hứa sẽ hướng tới phối hợp, giải quyết thỏa đáng.

Lãnh đạo UBND Quận 1 đưa ra kiến nghị về giải pháp quản lý phố đi bộ Nguyễn Huệ trước tình hình người dân đổ về vui chơi giải trí tại phố đi bộ quá đông, dẫn đến quá tải về địa điểm gửi xe, bán hàng rong, vệ sinh và an toàn, an ninh đô thị.

Lãnh đạo UBND Quận 1 cũng cam kết triển khai nâng mức dịch vụ công từ mức độ 3 lên mức độ 4 nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến.

Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội Vụ khẳng định năm 2022 là năm nâng cao chất lượng chính quyền đô thị
Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội Vụ khẳng định năm 2022 là năm nâng cao chất lượng chính quyền đô thị

Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư khẳng định: “Cần tập trung vào những điểm chính như kiểm soát an toàn hiệu quả dịch bệnh, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công”.

Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn TP, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp. Phải quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác”.

Ông Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình; đôn đốc các nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về thanh toán, quyết toán giá trị công trình và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND TP.HCM về việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, báo cáo ngay về tình trạng các nhà thầu triển khai chậm trễ, không đảm bảo năng lực, chất lượng, tiến độ, không thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: MT
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: MT

Đồng thời, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Cần rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND huyện Cần Giờ để tham mưu công tác lập đồ án quy hoạch vùng huyện Cần Giờ, thi tuyển ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm Khu trung tâm 930 ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu duy trì hoạt động Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM.