TP. Hồ Chí Minh: Nắng nóng, người già nhập viện tăng đột biến

VietTimes - Nắng nóng kéo dài, người cao tuổi vốn có sức đề kháng yếu nên rất dễ bị kiệt sức và đột quỵ.
Chỉ mới 7h sáng, rất đông người chờ đến lượt khám bệnh
Chỉ mới 7h sáng, rất đông người chờ đến lượt khám bệnh

Trong thời gian gần đây, thời tiết ở TP. HCM nắng gắt kéo dài, khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng liên tục, đặc biệt là người cao tuổi. Các bệnh nhân đến khám và điều trị chủ yếu về các bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiêu hóa và da liễu.

Theo bác sĩ Trương Quang Anh Vũ - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Thống Nhất TP. HCM), số lượng người già đến khám và nhập viện cao hơn so với những tháng trước đây. Trung bình khoảng 2.800 lượt người đến khám bệnh mỗi ngày và 1.138 bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh tim mạch tăng 9-10% số người đến khám, còn các bệnh lý hô hấp, thần kinh, tiêu hóa tăng 4-5%.

 
Thời tiết nắng gắt, số lượt bênh nhân chủ yếu là người già đến khám ngoại trú tăng liên tục tại Bệnh viện Thống Nhất
Thời tiết nắng gắt, số lượt bệnh nhân chủ yếu là người già đến khám ngoại trú tăng liên tục tại Bệnh viện Thống Nhất

 Lý giải về thời tiết nắng nóng dẫn đến bệnh nhân phải nhập viện, bác sĩ Hoàng Mạnh - Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Thống Nhất) cho biết, do mức nhiệt cao, sức đề kháng của người lớn tuổi giảm, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, khiến chức năng của các cơ quan suy yếu, kèm theo sự biến đổi về huyết áp, nhịp tim, gây ra một số bệnh về thần kinh (mất ngủ), biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim), da liễu (chàm, viêm da)…

Người cao tuổi thường ít có cảm giác khát nước nên không nhớ để bổ sung nước cho cơ thể. Điều này có thể gây rối loạn điện giải, làm tụt huyết áp. Thời tiết oi bức như hiện nay cũng làm tăng các bệnh lý về khớp, huyết áp, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt) ở người già.

Bác sĩ Hoàng Mạnh tiến hành khám bênh
Bác sĩ Hoàng Mạnh tiến hành khám bệnh

 “Khi đi ngoài trời nắng, nếu thấy có dấu hiệu chóng mặt, nhức đầu, mệt lả người, tay chân bủn rủn, tiết nhiều mồ hôi, ngoài ra thân nhiệt tăng lên khiến cho tim đập nhanh, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, người cao tuổi nên hạn chế tối đa đi ra đường vào những giờ nắng nóng cao điểm (10h -16h)” - bác sĩ Mạnh chia sẻ thêm.

7 lời khuyên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong mùa nóng:

1. Uống đủ nước để ổn định thể tích tuần hoàn, đồng thời bổ sung các loại thức uống, thực phẩm nhiều vitamin: nước trái cây, nước ép rau củ, chuối…

2. Có chế độ dinh dưỡng khoa học:

- Ăn đúng giờ, đủ bữa

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi

- Hạn chế thức ăn chiên xào, dầu mỡ

- Không ăn nhiều thịt

3. Người lớn tuổi có tiểu sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp, từng bị đột quỵ thì không nên đi ra ngoài nắng sau 10h sáng

4.  Nên chuẩn bị máy đo huyết áp cá nhân tại nhà để thường xuyên theo dõi, tránh trường hợp không đề phòng kịp vấn đề tăng hạ huyết áp rất nguy hiểm đến sức khỏe.

5. Lựa chọn trang phục thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi làm điều hòa thân nhiệt

6. Điều chỉnh nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời không chênh lệch quá lớn, mở ở mức nhiệt tốt nhất là từ 25 - 27 độ

7. Hạn chế thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột để tránh tình trạng rối loạn thân nhiệt