TP.HCM: Ngày đầu dè dặt bán hàng tại chỗ, nhiều quán còn đóng cửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày đầu tiên, TP.HCM cho phép bán hàng tại chỗ, không khí vẫn còn dè dặt, nhiều quán đóng cửa im ỉm, cho thấy sự khó gượng dậy sau mùa dịch.
Khách đến quán bún phở, cà phê đều phải khai báo y tế, thực hiện 5K. Ảnh: Hoà Bình
Khách đến quán bún phở, cà phê đều phải khai báo y tế, thực hiện 5K. Ảnh: Hoà Bình

Quán ngồi ngoài trời đắt khách

Hôm nay, ngày 28/10, sau đúng một tháng giảm bớt mức độ giãn cách xã hội với số ca bệnh liên tục giảm, về mức ba con số mỗi ngày, TP.HCM cho phép người dân được mở hàng quán bán tại chỗ.

Tuy nhiên, đi qua nhiều quận khác nhau, quan sát của phóng viên VietTimes cho thấy, hầu hết chỉ những hàng quán vỉa hè, quán ăn gia đình ở mức độ nhỏ là có thể mở cửa trở lại. Đa phần các hàng quán này ở các quận ngoại vi thành phố, có không gian rộng, thoáng, ngoài trời. Đắt hàng nhất là các quán bán bún Huế, phở, hủ tiếu, bánh canh…

Rất nhiều hàng quán lúc trước hoạt động ở mức độ cực kỳ đông đúc thì nay vẫn đóng cửa im ỉm. Doanh nghiệp càng lớn càng khó vận hành trở lại bởi chi phí quá “khủng” nên các chủ nhà hàng không còn dám mạo hiểm đầu tư.

Rất nhiều nhà hàng, quán cà phê ở quận 1, quận 3 còn đóng cửa im ỉm. Ảnh: Hoà Bình
Rất nhiều nhà hàng, quán cà phê ở quận 1, quận 3 còn đóng cửa im ỉm. Ảnh: Hoà Bình

Chủ hàng quán nhỏ vỉa hè dù hào hứng nhưng vẫn xác định chỉ bán ở mức độ dè dặt. Theo yêu cầu của UBND TP.HCM, các hàng quán bán tại chỗ chỉ khai thác tối đa 50% công suất, đáp ứng các tiêu chí phòng, chống dịch. Tâm lý của khách đến nhà hàng nói chung vẫn còn e ngại, đặc biệt là với các nhà hàng, quán cà phê trong không gian kín, có sử dụng máy lạnh, hầu hết đều vắng tanh không có khách tới lui.

Phải thoả mãn Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch

Chiều hôm qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký quyết định số 3677/QĐ-BCĐ (Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP) ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Một quán cà phê ở quận 3 đã mở cửa trở lại. Ảnh: Hoà Bình
Một quán cà phê ở quận 3 đã mở cửa trở lại. Ảnh: Hoà Bình
Cà phê vỉa hè, ngoài trời được lựa chọn là điểm đến khi mở cửa trở lại. Ảnh: Hoà Bình
Cà phê vỉa hè, ngoài trời được lựa chọn là điểm đến khi mở cửa trở lại. Ảnh: Hoà Bình

Theo Bộ tiêu chí, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP chỉ được hoạt động khi đã đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan đến công tác phòng chống COVID-19.

Cụ thể, tại tiêu chí thứ nhất, các cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; phải bố trí khu vực - giao nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch như sát khuẩn, trang bị đầy đủ nước rửa tay xà phòng, dung dịch sát khuẩn và thiết bị, phương tiện, dụng cụ làm khô tay; tổ chức tự xét nghiệm SAR-CoV-2 ngẫu nhiên, định kỳ cho người làm việc có nguy cơ cao; buộc phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/ và tổ chức quét mã QR đối với người tham gia hoạt động tại cơ sở.

Tiêu chí thứ 2, về phía khách hàng, khách đến cơ sở phải thực hiện nghiêm "5K”, quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Quán cà phê, nhà hàng có không gian ngoài trời chủ yếu tại các quận ngoại vi TP
Quán cà phê, nhà hàng có không gian ngoài trời chủ yếu tại các quận ngoại vi TP
Một quán bún phở ngoài trời ở quận Tân Phú
Một quán bún phở ngoài trời ở quận Tân Phú
Quán bò kho, bún bò, hủ tiếu... bán ngoài trời đắt hàng
Quán bò kho, bún bò, hủ tiếu... bán ngoài trời đắt hàng

Tiêu chí thứ 3, nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao - nhận hàng, người đến liên hệ cần thực hiện "5K"; quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Người làm việc tại cơ sở là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vắc xin COVID-19 (ít nhất một mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm).

Bên cạnh đó, nhân viên tại cơ sở phải được xét nghiệm COVID-19 tầm soát, sàng lọc, định kỳ hoặc khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác, khó thở…

Tiêu chí thứ 4, chủ cơ sở phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch trong khu vực theo quy định; có phương án tổ chức kinh doanh công khai số lượng khách tối đa được ăn uống cùng một thời điểm (phải có bảng thông báo rõ) và đảm bảo số lượng khách hàng đến ăn uống không được vượt quá số lượng đã thông báo trong cùng một thời điểm.

Đồng thời, thực hiện báo cáo phương án tổ chức kinh doanh và các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch cho UBND phường, xã, thị trấn để quản lý, theo dõi, kiểm tra giám sát.

Nhà hàng, quán bán tại chỗ phải đảm bảo 4 tiêu chí chống dịch

Nhà hàng, quán bán tại chỗ phải đảm bảo 4 tiêu chí chống dịch

Trừ hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo thời gian hoạt động kết thúc trước 21 giờ 00 hàng ngày, công suất hoạt động tối đa 50% và không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.

Căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh, giao UBND Quận 7 và UBND TP Thủ Đức xem xét, quyết định cụ thể địa bàn thuộc phạm vi quản lý được thực hiện thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm đến hết ngày 15/11.