TP.HCM: Hàng ngàn doanh nghiệp gặp khó, hơn 42.000 lao động mất việc vì COVID-19 lây lan mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong bối cảnh của kinh tế suy giảm vì đại dịch COVID-19, TP.HCM có hơn 1.300 doanh nghiệp gặp khó vì ảnh hưởng mạnh của đợt lây lan lần này, hơn 42.000 người lao động mất việc.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị. Ảnh: Huyền Mai
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị. Ảnh: Huyền Mai

Tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp gặp khó vì COVID-19 sáng ngày 10/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Đáng buồn là ngày 26/5 TP.HCM đã phát hiện “ổ dịch” nhóm truyền giáo Phục Hưng với số ca nhiễm rất lớn, vẫn đang tăng hàng ngày. Nhóm này mang biến chủng Ấn Độ, với đặc tính lây lan rất nhanh, chống chịu rất mạnh các cơ chế bảo vệ”.

Thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP trong 5 tháng đầu năm 2021, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, so với cùng kỳ, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 456.104 tỷ đồng, tăng 8,9% (trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5%, dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8%); Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2021, TPHCM có 6.481 DN hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 174.608,470 tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, dưới tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, DN tại TPHCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt phải kể đến sự sụt giảm của lực lượng lao động tham gia sản xuất; người lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc; thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất; việc tiếp cận khách hàng và chuỗi cung ứng của nhiều DN bị gián đoạn; phát sinh chi phí phòng ngừa dịch Covid-19… Vì vậy, đã có 2.458 DN đăng ký giải thể (tăng 5% so với cùng kỳ); 9.849 DN tạm ngưng hoạt động, tăng 23,79% so với cùng kỳ.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, trước tình hình này, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và kịp thời động viên DN và người dân. Theo đó, Điện lực TPHCM thực hiện giảm tiền điện cho hơn 2,39 triệu khách hàng với tổng số tiền hỗ trợ 1.086,5 tỷ đồng; Miễn tiền sử dụng nước sạch (100%) cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khu cách ly tập trung trên địa bàn TP; Gia hạn thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân (đã giải quyết 1.542 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN với số tiền hoàn hơn 9.103 tỷ đồng).

Đồng thời, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để hỗ trợ hoạt động của DN; giải quyết chính sách cho 559.362 đối tượng người lao động (NLĐ) (đạt 100%) của 5.274 đơn vị với kinh phí hỗ trợ 611,402 tỷ đồng; Triển khai hỗ trợ tín dụng cho 254.550 khách hàng với số tiền 794.625 tỷ đồng.

Được biết, TP.HCM đã ban hành 06 bộ tiêu chí phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong các hoạt động: Du lịch; Giao thông vận tải; Dịch vụ ăn uống; Tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Cơ sở giáo dục; Bảo tàng, di tích, thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện thể dục thể thao.

Toàn cảnh hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TP và Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Huyền Mai
Toàn cảnh hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TP và Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Huyền Mai

Trong thời gian tới, TP.HCM xác định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN thực hiện “Mục tiêu kép” bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Thành phố xác định tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Triển khai chính sách hỗ trợ của TP.HCM về tài chính và phi tài chính. Trong đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng chống dịch; hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu; triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường; xây dựng định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP; đẩy mạnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho các thị trường truyền thống lâu nay.

Đặc biệt, đối với các DN, tổ chức, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở KH&ĐT đề xuất hỗ trợ hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không lương trong thời hạn hợp đồng từ 30 ngày liên tục trở lên; hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động /hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho NLĐ; hỗ trợ NLĐ tự do bị mất việc làm; hỗ trợ chi phí tiêm vắc xin; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và chi phí tham gia các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ trực tiếp đối với các thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn.

Nhóm giải pháp thứ ba, TP.HCM kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ DN. Cụ thể, điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi DN tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước; điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa 100% đối với các chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước khi DN tham gia.

Ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM phát biểu, đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với DN du lịch trong năm 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021; cho phép DN lữ hành giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời gian 2 năm để giúp tạo dòng tiền hoạt động; xem xét kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.

Giám đốc, Chủ tịch HĐQT một công ty sản xuất có 2 F0 nằm trong “tâm dịch” Gò Vấp cho biết, vì nguy cơ lây nhiễm rất cao nên toàn bộ cán bộ nhân viên của công ty phải nghỉ làm từ đầu tháng 6 tới giờ, thiệt hại cả về kinh tế lẫn tâm lý bất ổn cho người lao động.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT công ty lữ hành Vietravel lo ngại dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài thì sẽ không còn ngành du lịch. Ông Kỳ đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 5%.

Nữ doanh nhân Đặng Thị Minh Phương, sáng lập MP Logistics có ý kiến: “Trước tình hình hiện tại, thế giới đang đánh giá lại về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam, đặc biệt là dịch tại TP.HCM đang vô cùng nghiêm trọng, việc giao hàng từ TP.HCM chắc chắn sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng tới dòng tiền, dự báo đặt hàng từ TP.HCM thời gian tới cũng sẽ bị sụt giảm. Các doanh nghiệp đến lúc này đã rất mệt mỏi, đuối sức. Kiến nghị lãnh đạo TP.HCM miễn giảm ít nhất là 50% thuế cho doanh nghiệp”.

Bà Phương đưa thêm kiến nghị cho phép doanh nghiệp được vay với lãi suất 0% để tiêm vaccine cho cán bộ nhân viên và đóng chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Phong tỏa khu vực làm việc của bệnh nhân thuộc công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: HCDC
Phong tỏa khu vực làm việc của bệnh nhân thuộc công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: HCDC

Dự báo các kịch bản tăng trưởng của TP.HCM

Với điều kiện Việt Nam sẽ có vắc xin trong năm 2021 và triển khai tiêm trong năm 2021 đến quý 1/2022, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng KT-XH TP.HCM năm 2021 như sau:

Kịch bản thấp: Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát và đến tháng 8/2021 TP mới có thể khống chế dịch bệnh, việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thị trường chứng khoán và bất động sản có xu hướng chuyển biến tích cực…Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 của TPHCM sẽ đạt 5,02% và cả năm 2021 sẽ đạt 4,9% so với cùng kỳ.

Kịch bản trung bình: Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát và đến tháng 7/2021 TP kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì trong trạng thái phục hồi nhưng chưa nhanh, các DN chủ động được một phần nguyên liệu, TP có khả năng nối lại một số đường bay quốc tế và kích cầu du lịch nội địa… Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 của TPHCM sẽ đạt 5,26% và cả năm 2021 sẽ đạt 5,53% so với cùng kỳ.

Kịch bản cao: Trong điều kiện TP khống chế được dịch bệnh Covid-19 trong quý 2/2021. Song song đó, TP tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện hiệu quả các giải pháp an sinh xã hội; các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, khả năng nối lại du lịch với một số quốc gia; các quốc gia trên thế giới dần kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế thế giới tang trưởng mạnh… Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 của TPHCM sẽ đạt 5,74% và cả năm 2021 sẽ đạt 6,37% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay: “Dù không mong muốn, TP.HCM đã phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 trên toàn thành phố và một số khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16. Có thể nói là về cơ bản thì kiểm soát được nhưng tình hình vẫn còn vô cùng phức tạp. Đợt dịch lần này đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp gặp khó khăn, hơn 42.000 người lao động mất việc”.

“Lãnh đạo thành phố xin được lắng nghe các doanh nghiệp chia sẻ về các ảnh hưởng của dịch bệnh, khó khăn về thuế, vốn… Tuỳ từng vấn đề, trong thẩm quyền của mình, thành phố sẽ xem xét, giải quyết ” – Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.