Tổng thống Putin và ván bài tất tay ở Syria

VietTimes -- Giữa lúc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đang hoan nghênh thỏa thuận mà chính quyền ông đạt được với người Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria như "ngày vĩ đại của nền văn minh", người Thổ nhanh chóng dội gáo nước lạnh về phía Nhà Trắng khi thậm chí từ chối gọi đây là một thỏa thuận "ngừng bắn".
Nga giờ đảm nhiệm vị trí dẫn dắt trên chiến trường Syria (Ảnh: Washington Post)
Nga giờ đảm nhiệm vị trí dẫn dắt trên chiến trường Syria (Ảnh: Washington Post)

Chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận được công bố, các đòn không kích và pháo kích vẫn diễn ra ở miền Bắc Syria. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd ở Syria dẫn đầu cáo buộc Ankara và các lực lượng ủy thác của họ vi phạm nghiêm trọng "lệnh ngừng bắn".

Trong bối cảnh đó, tâm lý chung của cả Washington và Trung Đông là, lệnh ngừng bắn này không phải một thỏa thuận thực sự. Nó hết hiệu lực vào thứ Ba tuần sau, ngày 22/10, cùng ngày mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gặp gỡ tại Sochi để thảo luận về tương lai của Syria. Thực tế ở đây rất rõ ràng: Đó mới là lúc thế giới chứng kiến sự ra đời của một thỏa thuận thực chất cho tương lai của Syria.

Vai trò dẫn đầu của ông Putin

Nói theo một cách khác, tương lai của Syria giờ đây phần lớn là được quyết định bởi Tổng thống Putin. Khi mà chính quyền Trump bỏ rơi người Kurd - đồng minh duy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS - và "bật đèn xanh" cho người Thổ xâm lược miền Bắc Syria, Mỹ được coi là chính thức rời khỏi cuộc chiến nhiều bên ở Syria. Và giờ, dù tốt dù xấu, ông Putin là người chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề chính trị-quân sự ở Syria.

Không giống như nỗ lực của chính quyền Trump nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria, ông Putin luôn là người có kế hoạch sẵn trong tay.

Nga lập tức khởi động các vòng đàm phán với người Kurd và chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh chính của Moscow, và nhanh chóng đạt được thỏa thuận cho phép quân đội Syria đi vào các khu vực người Kurd kiểm soát - nơi mà chính quyền Damascus đã không duy trì hiện diện trong suốt nhiều năm liền - để chặn đứng đà tiến quân của người Thổ. Moscow cũng nhanh chóng triển khai binh sĩ để ngăn chặn người Thổ tấn công người Kurd và binh sĩ Syria.

Đó là những động thái được tính toán cẩn thận và có hiệu quả.

"Khi lá cờ của Nga xuất hiện, chiến sự ngừng lại - cả người Thổ lẫn người Kurd đều không muốn gây chiến với chúng tôi, bởi vậy nên chiến sự ngừng lại nhờ vào chúng tôi" - Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Safar Safarov, một quan chức quân đội Nga nói.

Ván bài tất tay của Nga

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác ở Syria suốt nhiều năm qua, dù hậu thuẫn cho các phe phái đối lập (Ảnh: AP)
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác ở Syria suốt nhiều năm qua, dù hậu thuẫn cho các phe phái đối lập (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, vai trò mới của Nga trên chiến trường Syria cũng không phải không có rủi ro. Tình hình ở Đông Bắc Syria giờ đây cực kỳ dễ đổ vỡ. Người Thổ đã nêu rõ rằng họ sẽ không cho phép lực lượng người Kurd hiện diện gần biên giới. Lực lượng mà Ankara hậu thuẫn bao gồm nhiều nhóm nổi dậy Syria, rất nhiều trong số này là người Hồi giáo có tư tưởng cứng rắn, bởi vậy mà người Kurd lo ngại rằng chiến dịch của Thổ sẽ gây ra một cuộc thanh trừng sắc tộc trong khu vực.

Thêm vào đó, lực lượng chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy mà Ankara hậu thuẫn chắc chắn chỉ chờ thời cơ nghiền nát lẫn nhau, do đã trải qua 8 năm nội chiến.

Moscow dường như hiểu rõ tình hình nguy hiểm hiện nay, khi họ nhận vai trò mới trên chiến trường Syria.

"Chúng tôi đã cố gắng gây sự chú ý suốt nhiều năm qua rằng, các chính sách của Mỹ và khối đồng minh, trong đó hướng tới sự sụp đổ của Syria, đang đẩy người Kurd tới chỗ ly khai và xung đột với các bộ tộc Arab" - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trong bài phát biểu hôm thứ Tư trong tuần.

Điện Kremlin cực kỳ lo ngại rằng những công dân Nga trong hàng ngũ IS và các nhóm nổi dậy ở Syria có thể trở về nước và gây ra tình trạng bất ổn ở đó. Kể từ thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch ở miền Bắc Syria, Điện Kremlin đã tỏ rõ sự hoài nghi về khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tiếp quản hàng nghìn tù binh IS và thân nhân của chúng - mà trước thuộc quản lý của người Kurd.

"Có nhiều khu vực ở miền Bắc Syria mà phiến quân IS tập trung đông, và cho đến gần đây, chúng vẫn được kiểm soát bởi lực lượng người Kurd. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sau đó tiến tới các khu vực này, buộc người Kurd phải rời đi... Giờ đây các chiến binh IS chỉ việc chạy thoát khỏi đó, và tôi không chắc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát tình hình" - Tổng thống Putin nói hồi tuần trước.

Nga từng đối diện với tình trạng nổi dậy ở Chechnya vào những năm 1990. Và điều mà Tổng thống Putin lo ngại nhất chính là các công dân Nga từng gia nhập IS trở về khu vực Caucasus, gây ra làn sóng bất ổn mới. Trong một hội thảo tổ chức hồi tuần trước tại Turkmenistan, ông Putin cảnh báo các nhà lãnh đạo khác trong khu vực nên chuẩn bị trước cho viễn cảnh đó.

"Chúng ta đang nói về hàng trăm tay phiến quân ở đó, và hàng nghìn khi nói tới Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Đây là một mối đe dọa thực sự đối với chúng ta. Liệu chúng sẽ tiến tới đâu, và làm thế nào?" - ông Putin nói - "Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này và chuyển nguồn lực cho các cơ quan đặc biệt để chặn đứng mối đe dọa mới đang trỗi dậy này".

Mọi con đường đều dẫn về Moscow

Nhưng dù cho phải đối mặt với hàng loạt rủi ro trong ván bài tất tay ở Syria, lãnh đạo Nga dường như hiểu rất rõ thực trạng và đủ khả năng để kiềm chế không cho tình hình thêm bung bét.

Dù cho Mỹ và các nước phương Tây ra sức chỉ trích các hành động quân sự của Nga ở Syria, nhưng phần lớn các bên và các nước có liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Syria dường như đều nhất trí cho rằng Moscow là đồng minh đáng tin cậy hơn so với Washington trong cuộc khủng hoảng này.

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đã hợp tác với Nga ở Syria suốt nhiều năm qua, bất chấp thực tế là họ ủng hộ phe nổi dậy trong cuộc nội chiến. Ngay cả hai nước không đội trời chung với nhau như Israel và Iran dường như cũng thừa nhận rằng con đường giúp đảm bảo các lợi ích của họ chính là thông qua Moscow.

Và khi SDF do người Kurd dẫn đầu - lực lượng mà Mỹ từng hậu thuẫn và đã tổn thất tới 11.000 binh sĩ sau cuộc chiến với IS - nhận ra rằng họ đã bị chính quyền Trump "phản bội" và trở thành con mồi cho các lực lượng ủy thác của Thổ Nhĩ Kỳ, họ cũng chạy về phía Nga ngay lập tức. Lý do là Moscow vốn đã làm việc và đàm phán với SDF trong nhiều năm qua.

Bởi vậy, có thể nói rằng Nhà Trắng sẽ không bao giờ là bên có thể đưa ra được giải pháp cho vấn đề ở Đông Bắc Syria. Nếu có một thỏa thuận thực chất xuất hiện, thì nó chỉ có thể là một thỏa thuận đạt được giữa ông Putin và ông Erdogan trong hội nghị tổ chức ở Sochi vào thứ Ba tuần tới.

Theo CNN