Mỹ phản bội người Kurd: “Món quà” dâng cho Tổng thống Putin và Assad

VietTimes -- Tổng thống Mỹ Donald Trump trong suốt nhiều tháng qua rõ ràng đã có ý muốn rời khỏi chiến trường Syria, có lần từng gọi đất nước này là chả có gì ngoài “cát và sự chết chóc”. Và như ông Trump đã nhiều lần chỉ ra, ông được người dân Mỹ bỏ phiếu là nhờ vào lời hứa sẽ rút nước Mỹ ra khỏi “những cuộc chiến lố bịch không hồi kết”.
Mỹ rút quân khỏi Syria để lại khoảng nguy hiểm trong chiến trường ở nước này (Ảnh: Breibart)
Mỹ rút quân khỏi Syria để lại khoảng nguy hiểm trong chiến trường ở nước này (Ảnh: Breibart)

Nhưng việc đưa ra quyết định rút binh lực Mỹ khỏi miền Bắc Syria quá chóng vánh như hiện nay sẽ đe dọa gần như mọi mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông.

Thứ nhất, việc Mỹ đột ngột rút quân – một hành động bỏ rơi lực lượng đồng minh người Kurd ở Syria, khiến nhóm chiến binh này trở thành mục tiêu trong chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ - xuất hiện giữa lúc mà tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang dần tập hợp lực lượng.

Phiến quân IS vốn hình thành từ những khoảng trống quyền lực – như tình trạng bất ổn trong cuộc nội chiến ở Syrria – và giờ khoảng trống mà Mỹ để lại sẽ giúp nhóm này trở lại.

Trong hôm đầu tuần, ông Trump tuyên bố rằng Mỹ có công trong việc “bắt giữ 100% những kẻ khủng bố thuộc Nhà nước Caliphate của IS”. Thế nhưng trong lúc mà người Kurd ở Syria điều binh lực lên miền Bắc để đối phó với lực lượng quân đội được “trang bị tận răng” của Thổ Nhĩ Kỳ, IS đã bắt đầu tái hợp lực lượng trên những vùng “toàn cát” như ông Trump nói – và mở rộng thế lực trên vùng sa mạc của Syria.

Thỏa thuận chóng vánh mà ông Trump đạt được với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan theo cách nào đó đã nhượng lại trách nhiệm quản lý tù binh IS cho phía Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào để hai nước chuyển số tù binh này từ sâu trong vùng lãnh thổ mà người Kurd kiểm soát ở Syria cho phía Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc lực lượng nước này đang tiến sâu về phía biên giới Iraq nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu.

Việc luân chuyển hàng nghìn tù binh là những kẻ khủng bố ngay trong vùng chiến sự là điều cực kỳ khó khăn.

Đáng lo nhất hiện nay chính là số phận của trại al-Hol, một cơ sở dành cho các thành viên trong gia đình của các tay súng IS, nơi mà những người phụ nữ từng bị IS “tẩy não” đang cố gắng hòa nhập trở lại.

Người Kurd ở Syria vốn đã chật vật trong việc tiếp quản hàng chục nghìn người sống sót của cái gọi là Nhà nước Caliphate của IS – gồm rất nhiều phụ nữ và trẻ em là thành viên trong gia đình các tay súng IS. Khi người Kurd bận rộn với việc bảo vệ họ trước đợt tiến quân sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ, thì việc quản lý các cơ sở như al-Hol sẽ chỉ là ưu tiên cuối cùng.

“Một món quà”

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm mở chiến dịch tấn công vào sâu trong lãnh thổ Syria (Ảnh: Independent)
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm mở chiến dịch tấn công vào sâu trong lãnh thổ Syria (Ảnh: Independent)

Thứ hai, quyết định của ông Trump không khác gì một “món quà” dâng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trước khi gia nhập với Mỹ để đánh IS, lực lượng người Kurd ở Syria vốn đã có dàn xếp với chính quyền Damascus. Kể từ khi mà ông Trump đánh tín hiệu muốn rút quân khỏi Syria, người Kurd được cho là đã dần chuyển hướng phối hợp với các quan chức ở Damascus, bởi họ hiểu rằng việc Mỹ rút quân chỉ là vấn đề về thời gian.

Thời gian gần đây, giới chức Mỹ đã nói về việc Nga tổ chức một số cuộc tuần tra xung quanh Manbij, thành phố nằm ở phía Tây Syria, có thể là để thăm dò khu vực này.

Chính quyền Syria từ lâu đã tìm cách tái chiếm lại Deir Ezzor – nơi từng là một “pháo đài” của IS ở Đông Bắc Syria, giờ đang nằm trong tay lực lượng người Kurd. Việc Mỹ rút binh và mất đi hỗ trợ từ trên không, người Kurd sẽ suy yếu. Chính quyền Damascus và Moscow sẽ đứng trước 2 lựa chọn dễ dàng: Một là ký kết một thỏa thuận chính trị với người Kurd, và hai là đập tan lực lượng này bằng sức mạnh quân sự vượt trội của Nga.

Thứ ba, Iran cũng là bên hưởng lợi từ quyết định của ông Trump.

Sự hiện diện quân sự hạn chế của Mỹ ở miền Bắc Syria, cùng mạng lưới do thám trên không của họ, đóng vai trò như tấm lá chắn chống lại đà tiến của các lực lượng thân Iran trong những năm qua. Khoảng trống mà Mỹ để lại sẽ được lấp đầy bằng các lực lượng mà Iran hậu thuẫn, các lực lượng thân chính quyền Syria, và lực lượng thân Nga.

Có thể ông Trump không tính đến điều này khi thực hiện cú điện đàm với ông Erdogan, nhưng nó sẽ mang tới những hậu quả lâu dài.

Sẽ đến một thời điểm mà binh sĩ Mỹ phải rút khỏi khu vực đó, và người Kurd ở Syria sẽ buộc phải thu hẹp vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát ở khu vực Đông Bắc. Nhưng ra quyết định rút quân nhanh như ông Trump có thể gây ra mối đe dọa tức thì với Israel, một đồng minh quan trọng của Mỹ, khi mở ra một tuyến đường tiến công nối thẳng từ Iran tới Iraq, và từ Syria tới Lebanon – nơi có các lực lượng mà Iran hậu thuẫn.

Dọn đường cho một cuộc xâm lược

Người Kurd chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với IS, giờ trở thành con mồi cho Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: NBC)
Người Kurd chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với IS, giờ trở thành con mồi cho Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: NBC)

Thứ tư, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn không thể vui mừng hơn trước quyết định của Mỹ. Chính quyền Ankara mới đây thực hiện thương vụ mua S-400 của Nga, khiến họ bị loại khỏi chương trình chiến đấu cơ tàng hình F-35 của NATO. Với bản tính khá độc đoán của mình, Tổng thống Erdogan đã không thể làm tròn nghĩa vụ một nước đồng minh của Mỹ, hay một thành viên của NATO.

Thế nhưng Nhà Trắng vẫn đưa ra một tuyên bố mở đường cho ông Erdogan xâm lược nước láng giềng (Syria), cùng lúc chỉ trích Anh, Pháp và Đức vì không tiếp nhận về nước những công dân của họ từng tham gia lực lượng IS và giờ đang bị giam trong vùng lãnh thổ người Kurd quản lý.

Tuy nhiên, món quà của người Mỹ không tốt lành đến vậy đối với ông Erdogan. Giờ đây, ông sẽ phải đối diện với một cuộc chiến kéo dài ở khu vực biên giới phía Nam với người Kurd – một lực lượng được tổ chức nghiêm ngặt và hoạt động bài bản nhờ nhiều năm chiến đấu với phiến quân IS.

Thứ năm, động thái mới của Mỹ cũng dập tắt hy vọng về hòa bình ở Syria.

Dù cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở miền Bắc Syria có bất ổn và mỏng đến thế nào, thì nó cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trước hết là người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không dám đụng vào quân đội Mỹ. IS thì chưa thực sự tái hợp lực lượng và cũng không thể tranh giành lãnh thổ trong lúc mà máy bay và drone của Mỹ còn bay rợp trời. Moscow và Damascus cũng có ít lựa chọn.

Sự hiện diện của Mỹ cũng khiến cho kế hoạch tiến công của chính quyền Syria nhằm vào tỉnh Idlib – hiện đang nằm trong tay các tổ chức nổi dậy và cực đoan mà Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn – khó được thực hiện, bởi Ankara cực lực ngăn chặn điều đó.

Ông Trump dường như tỏ ra khá nhạy cảm trước những lời chỉ trích nhằm vào quyết định ông mới đưa ra – trong đó có chỉ trích của một số người là đồng minh tin cậy của ông như thượng nghị sĩ Lindsay Graham.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ dám làm bất cứ điều gì, tôi sẽ hoàn toàn hủy diệt và xóa sổ nền kinh tế của họ” – ông Trump viết trên Twitter, nhưng không có tín hiệu nhượng bộ.

Điều sắp xảy ra rất khó đoán, nhưng chắc chắn chiến trường Syria sẽ thêm phần hỗn loạn và đẫm máu. Quyết định rút quân chóng vánh của ông Trump không khác gì một sự nhạo báng thỏa thuận mà họ từng đạt với bên chịu thiệt hại nhất trong cuộc chiến chống IS – người Kurd – và đối với cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong cuộc chiến đó – Anh, Pháp và Đức.

Theo CNN