Sau 2 sự cố vỡ đường ống nước sông Đà liên tiếp vào các ngày 25 và 26/9, nhiều khu vực của Hà Nội đã bị mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng ngàn gia đình, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Khi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn lại cho rằng việc mất nước này không phải lỗi của Vinaconex và đường ống bị vỡ thì Vinaconex cũng là người chịu thiệt. Thậm chí, ông Tốn còn đưa quan điểm: Người dân bị ngừng cấp nước trong 1 ngày cũng không ảnh hưởng lắm!
Và để khẳng định thêm về cái gọi là “không có lỗi của Vinaconex”, vị Tổng giám đốc Vinaconex cho biết là luật cũng cho phép ngừng cấp nước trong 1 ngày.
Về sự chậm trễ trong việc triển khai xây dựng tuyến ống số 2, ông Tốn giải thích đó là do Luật!
Có thể thấy đây là cách phát ngôn rất thiếu trách nhiệm của vị lãnh đạo Vinaconex. Chưa bàn đến trách nhiệm pháp lý, chỉ cần đề cập đến vấn đề trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng thì thấy rõ ràng đây là sự thoái thác không thể chấp nhận được.
Vinaconex là chủ đầu tư tuyến ống dẫn nước về cấp nước cho hơn 7.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Từ Liêm… Cuộc sống sinh hoạt của hàng ngàn con người phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước này. Người ta vẫn bảo, nhịn ăn có thể được vài ba ngày chứ nhịn uống thì không đã cho thấy nước có ý nghĩa như thế nào!
Thứ nữa, đứng dưới góc độ của người làm kinh doanh thì xem ra đạo đức kinh doanh của ông Tốn có vấn đề. Là người lãnh đạo của đơn vị cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng thì phải xem vấn đề đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu trong kinh doanh.
Tuy nhiên, một cách mặc nhiên, ông Tốn với phát ngôn của mình đã phủ nhận cái gọi là trách nhiệm mà mọi doanh nghiệp thực hiện với khách hàng.
Ông Tốn cũng cho rằng, mất nước là do đơn vị phân phối, nhưng thử hỏi, đường ống vỡ thì đơn vị phân phối lấy đâu nước mà cung cấp cho người dân!
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, ông Hoàng Hải - Cục phó Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) đã khẳng định “thủ phạm” chính dẫn tới sự cố vỡ đường ống nước sông Đà, gây mất nước chính là Vinaconex.
Cụ thể: Công ty sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh (thành viên của Vinaconex) đã lựa chọn công nghệ, kiểm soát quá trình gia công chế tạo chưa chặt chẽ nên chất lượng ống không đồng đều, bong rộp, tách lớp tại một số vị trí; bỏ qua các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu chuẩn áp dụng như áp suất thiết kế thủy tĩnh dài hạn, độ biến dạng vòng uốn dài hạn.
Đặc biệt, với vai trò chủ đầu tư dự án, Vinaconex đã lựa chọn tổng thầu thiết kế thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống.
Ngoài ra, nhà thầu giám sát thi công xây dựng cũng không giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm đã để xảy ra các thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng...
Nói như vậy để thấy rằng, Vinaconex phải có trách nhiệm về những “vấn đề” mà tuyến đường ống nước sông Đà đang gặp phải. Phát ngôn cho rằng việc mất nước ở Hà Nội không có lỗi của Vinaconex vì thế khó có thể chấp nhận được!
Theo NLM