Sở hữu một cơ ngơi hoành tráng nhưng VFF không hề biết cách khai thác để hái ra tiền - Ảnh: Ngọc Thắng |
Được khởi công xây dựng năm 2001 với kinh phí 500.000 USD, trong đó 400.000 USD từ FIFA, số còn lại từ ngân sách nhà nước, trụ sở VFF nằm trong dự án Goal của FIFA được chính thức đưa vào sử dụng đầu năm 2003. Đích thân nguyên Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) Bim Hammam đã có mặt trong ngày khai trương trụ sở và cắt băng khánh thành với lời chúc: Bóng đá VN sẽ ngày càng phát triển khi có thêm cơ sở vật chất hiện đại và sử dụng hết công năng.
Trên thực tế, VFF chỉ “sống” ở trụ sở mới được 6 năm, sau đó chuyển về cư ngụ tại Trung tâm bóng đá trẻ VN gần sân Mỹ Đình. Tuy nhiên, về mặt giấy tờ, trụ sở VFF vẫn nằm ở 18 Lý Văn Phức, trên trục phố Nguyễn Thái Học, một trong những tuyến phố sầm uất của thủ đô. Năm 2009, VFF cho Công ty VFM thuê để làm truyền thông nhưng đơn vị này lại sử dụng sai mục đích là… cho thuê lại tầng 6 để mở quán bar và sàn nhảy. Sau khi bị người dân sống xung quanh than phiền và báo chí chỉ trích, VFF đã phải “thu hồi” lại nhưng rất đáng buồn là gần như không được trả tiền thuê trụ sở trong suốt hai năm, ngoài vài trăm triệu tiền đặt cọc ban đầu.
Kể từ năm 2011 đến nay, tòa nhà cao “lồng lộng” tới 7 tầng, rộng 500 m2 bị bỏ trống hoàn toàn. Hai năm trước, có vài đơn vị đến thuê nhưng không một lãnh đạo VFF nào đồng ý ký hợp đồng. Sáng 17.10, PV Thanh Niên đến “thăm” nơi ở cũ của VFF thì thấy trống huơ trống hoác. Nhìn phía ngoài một số tầng, kính cửa sổ còn chẳng thấy đâu.
Một số người dân cho hay: “Công trình đã có biểu hiện xuống cấp từ lâu nhưng chẳng thấy quan chức nào của VFF ngó ngàng cả. Chỉ thấy hai ông bảo vệ. Cả tòa nhà to hoành tráng thế này mà giờ chỉ là nơi cho… chuột đi vệ sinh. Khoảng sân quanh tòa nhà làm điểm trông giữ ô tô. Thi thoảng, có gia đình nói khéo với bảo vệ cho mượn sảnh tầng 1 để làm tiệc cưới “quy mô” nhỏ khoảng 30 mâm. Chả hiểu tại sao VFF lại không tìm cách khai thác mà bỏ phí thế. Ở thời buổi tấc đất tất vàng như hiện nay, nếu cho thuê, trụ sở này ít nhất mỗi tháng có thể thu về tiền tỉ”.
Hầu hết các liên đoàn, hiệp hội thể thao ở VN đều phải “ăn nhờ ở đậu” tại Tổng cục TDTT (36 Trần Phú, Hà Nội), chỉ Hiệp hội Thể thao người khuyết tật và VFF được nhà nước cấp đất và có cơ ngơi riêng đẹp đẽ. Nhưng tài sản của VFF (hay nói chính xác hơn là tài sản của nhà nước) đang bị “bỏ quên”. Quên cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Bởi tại phiên họp Ban Chấp hành VFF ngày 13.10 vừa qua, ông Lê Văn Thành, ủy viên, đã phải thắc mắc: “Tại sao tòa nhà Lý Văn Phức để không nhiều năm liền mà không được đưa vào báo cáo tổng kết 9 tháng đầu năm 2015”. Cũng phải nhắc thêm một chi tiết nữa, ba năm nay, tài chính của VFF cực kỳ khó khăn khi không thu hút được nhiều nhà tài trợ, đến mức lãnh đạo VFF đã phải cắt giảm lương của cán bộ công nhân viên.
Theo Thanh NIên