45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975 – 2020):

Tình báo Quốc phòng Việt Nam trong Đại thắng Mùa Xuân 1975

VietTimes -- Những tin tức, tài liệu của Tình báo đã góp phần cung cấp cơ sở cho Bộ Tổng tham mưu soạn thảo kế hoạch trình Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về phương án giải phóng miền Nam.
Chiến dịch Hồ Chí Minh- đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam- Ảnh tư liệu.
Chiến dịch Hồ Chí Minh- đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam- Ảnh tư liệu.

Từ năm 1974, để phục vụ Trung ương chỉ đạo các chiến trường đánh địch, Cục Tình báo Quân sự (nay là Tổng cục Tình báo Quốc phòng) đã triển khai kế hoạch 1974-1976, củng cố nâng cao hiệu lực các lưới điệp báo, điều chỉnh lực lượng vào các mục tiêu quan trọng trên các địa bàn trọng điểm như Sài Gòn, Cần Thơ, Biên Hòa, Vũng Tàu…, phát triển lực lượng mới, xây dựng Tình báo cấp khu, nắm địch ở cấp vùng và khu chiến thuật…

Những tin tức, tài liệu của Tình báo đã góp phần cung cấp cơ sở cho Bộ Tổng tham mưu soạn thảo kế hoạch trình Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị về phương án giải phóng miền Nam.

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (ảnh tư liệu)
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (ảnh tư liệu)

Sau khi Phước Long được giải phóng (6/1/1975), qua khai thác tin tức ta biết được thái độ của Mỹ là “không xóa bỏ hội nghị Paris, không can thiệp, không yểm trợ”; Mỹ - ngụy cho rằng ta sẽ không đánh lớn bằng năm 1972, chưa có khả năng đánh chiếm các thị xã lớn mà chủ yếu là giành dân ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bước vào đợt II, Bộ Chính trị chọn hướng Buôn Ma Thuột. Để phục vụ cho trên chỉ đạo tác chiến, Cục Tình báo đã bám sát theo dõi khả năng đối phó của ngụy trên chiến trường trọng điểm này. Các lưới điệp báo cao sâu nằm trong các cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy luôn theo sát khả năng Mỹ can thiệp bằng không quân và hải quân để cứu vãn cho ngụy, mức độ can thiệp nếu có, tìm hiểu khả năng của quân ngụy khi ta đánh lớn.

Tình báo đã kịp thời báo cáo tin về cuộc họp ngày 18/2/1975 giữa Thiệu và các tướng ngụy ở Sài Gòn. Chúng phán đoán: ta sẽ mở cuộc tiến công với mục tiêu là phá bình định, giành đất, giành dân; chiến trường chính là quân khu 2; Quảng Đức, Plâycu, Kon Tum là các mục tiêu “điểm”, còn Buôn Ma Thuột nếu có bị tiến công cũng chỉ là “diện”.

Từ ngày 1 đến 9/3/1975, Tình báo có báo cáo tổng quát về tổ chức binh lực, vị trí đóng quân của các đơn vị địch trên toàn bộ chiến trường miền Nam bao gồm cả lực lượng cơ động chiến lược.

Chiều ngày 9/3/1975, ta đánh Đức Lập. Qua tin tình báo ta biết địch đã báo động cho nhau, nhưng chúng vẫn chưa khẳng định được mục tiêu chủ yếu của ta nên đã rút bớt lực lượng từ Nam Tây Nguyên đưa lên tăng viện cho Plâycu, khiến Buôn Ma Thuột càng trở nên sơ hở và cô lập. Những tin tức tình báo trên đã phục vụ cho Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm chiến đấu.

Ngày 10/3/1975 chiến dịch Tây Nguyên mở màn, quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Tình báo đã kịp thời nắm được các lực lượng tăng viện của địch, giúp bộ đội ta đập tan mọi cuộc phản kích quyết liệt của chúng. Bị điểm trúng huyệt, địch từ chỗ chủ quan đi đến hoang mang hỗn loạn. Tình báo phát hiện và báo cáo lên trên hiện tượng địch phá chiến cụ, đốt kho tàng…dấu hiệu của sự rút chạy khỏi Tây Nguyên. Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ thị cho bộ đội ta nhanh chóng tổ chức chặn đánh, truy kích và tiêu diệt quân địch. Ngày 14/3, đại bộ phận sư đoàn 23 ngụy bị tiêu diệt; mất Buôn Ma Thuột, Plâycu và Kon Tum bị cô lập, quân khu 2 bị chia cắt.

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (ảnh tư liệu)
Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (ảnh tư liệu)

Ngày 14/3, Tổng thống Thiệu cấp tốc đến Cam Ranh để xem xét tình hình và ra lệnh “tùy nghi di tản”. Ngày 15/3, Tình báo kịp thời báo cáo: “Bộ tư lệnh quân đoàn 2 ngụy đã rút từ Plâycu về Nha Trang. Liên đoàn 14 biệt động quân đã được điều ra Quảng Trị thay cho sư đoàn thủy quân lục chiến rút vào Đà Nẵng để rút sư đoàn dù về Sài Gòn. Có thể thấy địch sẽ bỏ Quảng Trị và Huế, co về phòng thủ Đà Nẵng”.

Ngày 16/3, tin báo tiếp: các đơn vị địch rút khỏi Plâycu và Kon Tum. Ta chặn đánh quyết liệt. Nhiều binh sỹ địch vừa chạy vừa bỏ súng đạn, tháo lon gù, trút hết quân trang, có tên chỉ còn chiếc quần đùi che thân, đội hình tan tác tìm đường lẩn trốn vào rừng. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi.

 Sau khi quân ta phá vỡ thế phòng thủ chiến lược của quân đoàn 2 địch, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam trong năm 1975, hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn, nhưng trước mắt cần phải tiêu diệt ngay quân khu 1 của địch.

13h30 ngày 19/3, Thiệu gửi điện khẩn cho tướng Ngô Quang Trưởng: “Vì eo hẹp về phương tiện không-hải quân, chỉ cho phép yểm trợ được một cuộc enclave (chốt), vậy hãy mener (tiến hành) trì hoãn chiến (retardation) về tuyến Hải Vân”. Thế tức là địch đã quyết định bỏ Trị Thiên Huế để về giữ Đà Nẵng. Tin này được Tình báo báo cáo kịp thời với Bộ Chính trị. Ngay lập tức, Bộ Tổng tư lệnh hạ quyết tâm mở trận tiến công lớn tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Trị Thiên Huế, nhanh chóng cắt đứt đường 1, không cho địch co cụm về Đà Nẵng, tiêu diệt sư đoàn 1, giải phóng Trị Thiên Huế, chiếm lĩnh ngay đèo Hải Vân. Trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta, quân địch tan tác tháo chạy. 10h30 phút ngày 24/3, cờ cách mạng tung bay trên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn; ngày 26/3, toàn tỉnh Thừa Thiên được giải phóng.

Sau khi Huế được giải phóng, Tình báo liên tục nắm được tin địch ra lệnh “tử thủ” Đà Nẵng, tiếp theo là tin binh lính địch ở Đà Nẵng trong tình trạng rối loạn, cảnh sát bỏ trốn, dân chúng hoang  mang. Tin tức trên đã kịp thời giúp Bộ Tổng chỉ huy quyết định đánh Đà Nẵng trong 3 ngày (27-29/3) không cho lực lượng địch rút vào phía trong. 17h00 ngày 29/3, toàn thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

Khi ta đánh vào Phan Rang, Tình báo phát hiện và báo cáo kịp thời tin các tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi và Phan Ngọc Sang bị kẹt lại ở sân bay Phan Rang đang xin máy bay bốc chúng vào Sài Gòn. Bộ Tư lệnh mặt trận đã điều ngay một đơn vị vào bắt sống được 2 tên này (16/4/1975). Qua hỏi cung Nguyễn Vĩnh Nghi, ta khai thác được những thông tin quan trọng địch biết về cách đánh sắp tới của ta và kế hoạch phòng thủ Sài Gòn của chúng.

Ngày 5/4/1975, Tình báo nắm được lực lượng địch cố thủ ở Xuân Lộc gồm: sư đoàn 18 bộ binh, lữ đoàn 3 kỵ binh, một trung đoàn thuộc sư đoàn 5, liên đoàn biệt động quân số 32 và 33 cùng nhiều đơn vị biệt động quân của vùng 1 và vùng 2 chiến thuật. Đây là tuyến phòng thủ khá mạnh mà Thiệu cố gắng dựng lên để ngăn chặn bước tiến của quân ta.

Đến ngày 20/4, Tình báo đã có đủ các tài liệu về binh lực cụ thể của địch phòng thủ Sài Gòn như: sư đoàn 5, sư đoàn 7, sư đoàn 18 và sư đoàn 22, lữ đoàn 1 và lữ đoàn 2 dù, lữ đoàn 468 thủy quân lục chiến, lữ đoàn 3 kỵ binh và nhiều đơn vị từ các quân khu phía Bắc về và đóng quanh địa bàn Sài Gòn.

Đến lúc này, một câu hỏi Bộ Chính trị đặt ra cho Tình báo phải giải đáp là: Mỹ có đưa quân trực tiếp tham chiến lại hay không?

Cục Tình báo đã huy động mọi phương thức hoạt động thu tin, tổng hợp, nghiên cứu, rút ra kết luận có cơ sở chính xác, căn cứ vào nguồn tin điệp báo chiến lược tin cậy nằm trong cơ quan đầu não của địch và báo cáo: “…Mỹ coi chiến tranh Việt Nam đối với Mỹ đã kết thúc, Mỹ sẽ không chi viện cho Việt Nam cộng hòa bằng lực lượng chiến đấu…”. Đây là một tin có giá trị chiến lược trong thời điểm lịch sử, đã góp phần phục vụ Bộ Chính trị khẳng định: “…Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt địch đã chín muồi…”.

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi Chiến dịch bắt đầu, lực lượng tình báo đã dẫn đường và phối hợp cùng chủ lực đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong thành phố làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy. Trong đó, Ban Tình báo A31 đi theo hướng Quân khu 7 tiếp quản căn cứ Sóng Thần, vào nội đô phối hợp với Quân đoàn 3 tiếp quản quận 3. Cụm H60 tiếp quản dinh tỉnh trưởng Gia Định và ty chiêu hồi, nắm giữ hồ sơ tài liệu của địch ở đây. Các cụm điệp báo trực thuộc Đoàn Tình báo 22 tiếp quản các mục tiêu Đặc ủy tình báo và cơ sở máy tính điện tử IBM. Đội biệt động Z28 thuộc Cụm tình báo H67 tham gia đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy…

Không khí thành phố Sài Gòn trong ngày chiến thắng 30/4/1975 (ảnh tư liệu)
Không khí thành phố Sài Gòn trong ngày chiến thắng 30/4/1975 (ảnh tư liệu)

Sáng ngày 30/4/1975, 5 cánh quân ta với khí thế thần tốc quyết thắng tiến vào năm mục tiêu chủ yếu theo kế hoạch của chiến dịch. Cơ sở của ta ở Cụm Tình báo A20 vận động được liên đoàn 361 biệt động quân ngụy gồm 5 tiểu đoàn trên tuyến phòng thủ từ trường đua Phú Thọ đến ngã tư Bảy Hiền đào rã bỏ súng đạn tại chỗ rút chạy. Cơ sở P71 thuộc Ban Tình báo A33 vận động được Đỗ Kiên Giai - Tư lệnh biệt động quân để binh lính thuộc quyền án binh bất động không chống cự lại ta. Cơ sở H3 ở Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên vận động những người cùng làm còn lại giữ nguyên hiện trạng, khi lực lượng ta vào tiếp quản đã bàn giao nguyên vẹn và làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh.

Trước đó, Tình báo đã cử cán bộ vào trực tiếp tác động Dương Văn Minh đồng ý đầu hàng, kêu gọi ngụy quyền ngừng bắn và bàn giao chính quyền cho cách mạng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, các đơn vị quân ta tiến vào dinh Độc Lập, cán bộ Tình báo đã có mặt cùng với bộ đội ta tiếp nhận sự đầu hàng của Nội các Dương Văn Minh.

           Đại thắng Mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Đây là chiến thắng vang dội nhất, vĩ đại nhất trong bản hùng ca chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Tình báo Quốc phòng đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung đó.

Những nhà tình báo vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà:

Ông Hoàng Minh Đạo - "Cha đẻ" của ngành tình báo Việt Nam.
Ông Hoàng Minh Đạo - "Cha đẻ" của ngành tình báo Việt Nam.
Ông Phạm ngọc Thảo
Ông Phạm ngọc Thảo
Ông Phạm Xuân Ẩn
Ông Phạm Xuân Ẩn
Ông Vũ Ngọc Nhạ
Ông Vũ Ngọc Nhạ