Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại báo cáo trong hội nghị Sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Bộ trưởng cho rằng Cổng DVCQG là một trong những giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Theo báo cáo, 1 năm đi triển khai, đã có 84 bộ, ngành, cơ quan, địa phương tích hợp, đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính với Cổng DVCQG, trong đó có 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương. Có 2.700 thủ tục hành chính đã được tích hợp, 412 nghìn tài khoản cá nhân, doanh nghiệp đăng ký, hơn 100 triệu lượt truy cập, 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, 719 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến.
“Việc cải cách thủ tục hành chính đòi hỏi sự thay đổi tư duy, thay đổi cách làm,... là một việc rất khó khăn. Chính phủ đã xác định cái gì cần đột phá thì cấp cao nhất phải làm gương trước. Mục đích Chính phủ đề ra không chỉ là tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp người dân mà còn vì mục đích sâu xa hơn là thực hiện minh bạch hóa, công khai hóa hoạt động của Chính phủ trước nhân dân" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Đặc biệt, "đã có 54 trong số 63 địa phương, 14 bộ, ngành, cơ quan hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến với Cổng DVCQG. Tổng số giao dịch qua hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng có sự tăng trưởng cao, trên 45,7 nghìn giao dịch (...). Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG từ khi khai trương đến nay là khoảng 7.995 tỉ đồng/năm" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Cũng trong những ngày cuối năm, Văn phòng Chính phủ đã công bố thêm 4 dịch vụ công mới tích hợp trên Cổng DVCQG: Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu.
Chỉ tính riêng chi phí tiết kiệm tăng thêm do Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp khi tích hợp, cung cấp thêm 4 dịch vụ công mới giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.376 tỉ đồng/năm.
Trong sự kiện này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trao bằng khen cho 10 đơn vị ngân hàng, trung gian thanh toán, ghi nhận nỗ lực của các đơn vị trong việc kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trao bằng khen cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2020. |
Các đơn vị nhận bằng khen bao gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (Payoo); Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank); Tổng Công ty Truyền thông (VNPT Media); Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS); Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (MoMo), Công ty Cổ phần Ngân lượng (Ngân Lượng).
Nói về lợi ích của các dịch vụ công, ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo - cho biết: Nếu như trước đây để nộp phạt vi phạm giao thông, người vi phạm phải đến kho bạc, ngân hàng để đóng tiền, rồi sau đó đến cơ quan công an nộp biên lai mới hoàn tất quy trình đóng phạt. Thậm chí, với các trường hợp vi phạm ngoài tỉnh, người vi phạm còn phải quay lại nơi bị phạt để thực hiện việc nộp phạt,… rất phiền hà, mất thời gian. Chính điều đó dễ dẫn đến tâm lý thỏa thuận khi phát sinh vi phạm. Thì nay, việc đóng phạt qua hình thức thanh toán trực tuyến sẽ giúp toàn bộ quy trình rườm rà nêu trên trở nên nhanh chóng, tiết kiệm thời gian trong nộp phạt, tăng minh bạch trong quá trình xử phạt vi phạm.
“Với chỉ đạo đẩy nhanh quá trình số hóa trong lĩnh vực dịch vụ công, hướng tới dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã cho thấy hành động quyết liệt trong việc thực hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính” - ông Nguyễn Bá Diệp nói thêm.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu