Tiết học đặc biệt của những mái đầu bạc

VietTimes-- Một giờ học đặc biệt. Thầy đã ở tuổi 85, trò cũng trên dưới 70. Thày giảng, trò nghe. Phát biểu đều phải giơ tay và bắt đầu bằng “Thưa thày!”. Kết thúc 45 phút cũng là lúc tiếng trống “tùng, tùng, tùng…”  vang lên!  
Các cựu học sinh Trường Phổ thông Công nghiệp cấp III Hà Nội
Các cựu học sinh Trường Phổ thông Công nghiệp cấp III Hà Nội

Tùng… Tùng… Tùng…

Cuộc gặp gỡ của các cựu học sinh Trường Phổ thông Công nghiệp cấp III Hà Nội niên khóa 1964- 1967  cách đây ít ngày đã diễn ra (ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) như thế.

Khi “các em học sinh” đã ngồi vào bàn, tiếng trống vang lên, tiết học bắt đầu. Sau màn Chào cờ và hát Quốc ca là những phút cúi đầu để mặc niệm những thầy cô, những đồng môn đã khuất.

Tùng... tùng... tùng: tiết học bắt đầu!
                                     Tùng... tùng... tùng: tiết học bắt đầu!

Sau khi “học sinh” Nguyễn Minh Quang, 70 tuổi, làm MC giới thiệu, hai “bạn” chạy lại đỡ thầy để thầy chống gậy đứng trên bục giảng.  Thầy là nhà giáo Ngô Thế Thinh đã cận kề tuổi 90. Bài giảng vo của thầy nói về triết lý sống  làm  cả lớp nhiều lúc ồ lên! Vỗ tay… Bài giảng còn nói về cái cần nhất của cuộc sống mà thầy đúc kết.

Thầy còn dẫn tài liệu của nhà vật lý học thiên tài người Đức, Albert Einstein, vào đầu thế kỷ 20 về Phật giáo: “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật với những khám phá gần đây của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì nó bao gồm khoa học cũng như vượt qua khoa học…”.

 Rồi thầy nói, Albert Einstein, xuất phát từ niềm thao thức đi tìm một đạo lý có giá trị phổ biến, bao quát cả đời sống thiên nhiên lẫn tinh thần, để xây dựng một cuộc sống an lạc đầy ý nghĩa trên hành tinh này. Thầy cũ với trò cũ tóc đã bạc trắng nên thầy Thinh kể về mình từ chuyện vui đến chuyện buồn mình đã gặp rồi cả những mất mát khi thầy đã ở cận kề tuổi 90.

 Những học trò cũ muốn phát biểu, đều giơ tay như những học sinh trong lớp học. Một tiết học như thế để kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của khóa học làm người ta nhớ tới tình thầy trò một thủa đạn bom, một thời gian khó, một thời bao cấp, một thời đèn dầu nến trắng…

Vẫn biết, “ai cũng có một tuổi thơ cho dù họ trở thành người thế nào đi chăng nữa”. Nhưng khi nghe thầy và trò trong 45 phút học mới biết rằng thế nào là “thầy ra thầy, trò ra trò” một thủa!

Thế mới hiểu câu nói của người thầy giáo dục  Makarenco: "Không có một trẻ em nào hư hỏng đến mức không thể giáo dục được". Có thể sau buổi họp lớp này các ông bà của các cháu, nếu không may có cháu nghiện game, nghiện Facebook… nhìn nhận và đối xử với nhũng hành vi của con trẻ sẽ tốt hơn!?

Vì đã có lần chỉ vì các cháu được  ngồi trên máy tình học tiếng Anh, tiếng Pháp… lại mải chơi game quên cả học, có bà mẹ đã mắng con mình đăng trên mạng “mải chơi game như thế thì lớn lên chỉ làm thằng ăn hại, hại dân, hại nước thôi”… Không ít người cho rằng nói như thế là tước đi niềm tin của trẻ vào cuộc sống!

Thầy Thinh đã đưa học trò của mình trở lại thời cắp sách bằng một câu chuyện mà theo ông , ông chưa bao giờ chia sẻ cho ai. Đó là chuyện riêng của cuộc đời ông gắn với lịch sử đất nước như nạn đói năm 1945, chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chống leo thang bắn phá miền Bắc bằng máy bay B52 của Mỹ, rồi cả một thời bao cấp tem phiếu xếp hàng khi ấy “cô mậu dịch viên là người có giá vô cùng…”.

Thày Thinh trên bục giảng
Thày Thinh trên bục giảng

Những học trò tóc bạc của ông, đã một thời chia nhau từng mẩu khoai, miếng bánh, cùng nhau chạy xuống hầm trú ẩn… im lặng lấy điện thoại ra quay, ghi âm, chụp ảnh. Bài giảng kết thúc sau 45 phút cũng là lúc tiếng trống Tùng… Tùng… Tùng… vang lên! Cả lớp ồ lên!  Rồi cùng chạy lên ôm,  tặng hoa, chụp ảnh cùng thầy…

“Nếu có ước muốn cho cuộc đời này”…

Khi ông Quang cao hứng cất giọng: “Nếu có ước muốn cho cuộc đời này sẽ ước muốn cho thời gian trở lại…”  Thế là các bạn người thuộc lời  thì  hát theo rồi cùng vỗ tay:

Thời gian trôi qua mau, chỉ còn lại những kỷ niệm 

Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô 

Bạn bè mến thương ơi, sẽ còn nhớ những lúc giận hờn

Để rồi mai chia xa lòng chợt dâng niềm thiết tha 

Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa. 

Đặt bàn tay lên môi giữ cho tiếng nấc nghẹn ngào 

Thời gian sao đi mau, xin hay ngừng trôi 

Dù vẫn mãi luyến tiếc khi đã xa rồi 

Bạn bè ơi vang đâu đây còn giọng nói tiếng cười 

Những nỗi nhớ niềm thương gửi cho ai. 

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này 

Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại 

Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng 

Sẽ còn mãi trong tim mọi người 

Để tình yêu ước mơ mãi không phai. 

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này 

Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại 

Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm 

Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi .

Trên bờ môi và trong những kỷ niệm xưa.

(Mong ước kỷ niệm xưa - Nhạc sỹ Xuân Phương)

 “Không có cuộc gặp gỡ nào trong đời tôi hạnh phúc bằng cuộc gặp gỡ với các  em hôm nay”- Đó là chia sẻ của thầy Thinh trước những học sinh của mình.

 “Thức dậy hết tế bào mười lăm tuổi”…

Học trò là thơ mộng! Các áo trắng của học trò khóa học ngày ấy bây giờ đã là ông, là bà, là cụ rồi vẫn bảo, gặp nhau thế này là vui lắm, được ôm nhau, bắt tay nhau… cùng nhau nghe giảng trái tim đã ở tuổi «xưa nay hiếm» cả rồi mà như đang sống lại hết tế bào mười lăm tuổi!

Ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ,  hồi ấy một hôm rộ lên tin Hoàng có giấy gọi đi bộ đội . Rồi cả lũ đua nhau viết đơn xin đi bộ đội. Vẫn nhớ lần cắt tay lấy máu ký vào đơn: Cắt ở đâu cho an toàn? Tính toán: Cắt ngón áp út tay trái, có sao thì cũng không ảnh hưởng lắm! Vậy là mọi người kiếm lưỡi dao cạo râu, hơ nóng đỏ sát trùng, rồi làm một nhát cứa vào ngón áp út đủ sâu cho máu ra nhanh, đủ nhiều để ký, kẻo khô mất và còn phải bôi iốt kẻo nhiễm trùng, băng lại. 

Ước gì thời gian quay trở lại...
Ước gì thời gian quay trở lại...

Nộp đơn. Đợi khám sức khoẻ. Hồi hộp, ngượng ngùng khi bị cô y tá trẻ cân, đo này nọ, ngại nhất lúc bị  bắt cởi quần ra, xem  ‘bi’ có cân hay không.... Kết quả không khả quan lắm: Thấp bé, nhẹ cân (44 kg), lại chưa đủ tuổi!  Rồi ông bảo, giờ nhìn thằng cháu, 8 tuổi, 42 kg, tôi chợt nghĩ sao, lứa mình lúc đó nhỏ con vậy!. Vậy là Khu đội Hoàn Kiếm không gọi! Khi các bạn được gọi đi nhập ngũ, chi đòan tổ chức chia tay tiễn các bạn lên đường tại Công viên Lênin, còn chụp ảnh, giờ ông vẫn còn giữ!

Ông khi ấy được chỉ định làm Bí thư Chi đoàn.  Ông bảo lúc nào cũng tự nhủ: "Đi bộ đội sau vậy". Rồi thi tốt nghiệp phổ thông, rồi có giấy báo đi học Đại học ở Liên xô.  Ông chẳng thể nào quên lời thầy Ngọc chủ nhiệm lớp: "Các em được chọn để học về xây dựng Tổ quốc khi hoà bình, phải học thay bạn đang chiến đấu. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị!"

Cũng là người đến dự họp lớp của mình nhà văn, nhà báo Trần Quốc Toàn chia sẻ kỷ niệm về  bạn  Sơn  của ông. Ngày ấy bạn ông lên  đường đi chiến đấu và đã hy sinh. Người bạn ấy khi ngã xuống trong ba lô của mình vẫn còn bức thư gửi thầy Thinh mà chưa kịp gửi. Ông bảo như là cái cơ duyên ấy, một bài báo viết về chuyện cảm động về tình thầy trò đó  đã đến tay ông và được đăng ở mục « Thầy Tôi »  trên Tạp chí Thế Giới Mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mọi người trong lớp lặng đi…

Thấy cô gái chắc là đưa ông hay bà đến dự họp lớp chạy khắp nơi, lúc thì chụp ảnh, lúc thì quay phim … rất thích thú. Tôi hỏi: Cô thấy cuộc họp lớp này thế nào? “Rất ấn tượng! Nó như một tiết học. Ấn tượng nhất là màn chào cờ, hát Quốc ca, mặc niệm những người đã khuất và cách các cụ giơ tay phát biểu như các học sinh”- cô gái trả lời. Cô ấy còn bảo, họp lớp để gặp gỡ chia sẻ, chứ bây giờ người ta hay rủ nhau ngồi ăn nhậu, ngồi chém gió hội họp nhiều khi chỉ để người giàu khoe của, nói xấu người khác.  Họp như thế người hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp những bất hạnh trong cuộc sống họ ngại đến lắm!

Họp lớp đúng nghĩa là dịp bạn bè trong lớp ngồi lại với nhau, là dịp trở về mái nhà xưa sau nhưng năm tháng xa cách, đây có thể nói là cuộc “hội nghị” mà không có cấp trên, cấp dưới, không có giàu nghèo, chỉ có bạn bè với những lời xưng hô “mày- tao” quen thuộc. Các cụ bà phải nhờ người nhà đưa tới họp lớp thì bảo: Trí tuệ và sức khỏe là hai cái quý giá nhất trong đời chứ không phải tiền bạc, chức  tước, ông nọ bà kia...

Mấy ông bà còn bảo, lời thầy giảng hôm nay làm chúng tôi nhớ lại ngày xưa  đọc "Thép đã tôi thế đấy" của N. A. Oxtrovxki của, nhớ mãi câu của Paven Korxơghin: Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời…

Năm tháng rồi sẽ qua đi, những buồn vui, được mất của đời người sẽ lùi vào dĩ vãng. Những người học trò niên khóa (1964-1967) không còn ở cái thời “… Khi mới mười lăm tuổi/ Thấy một chiếc lá rơi/ Nhặt lên còn mỉm cười/ Rồi cất vào trong túi” nữa…

Có phải vì thế không mà từ cái phông bạt treo ở cổng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, để cho các bạn không ở Hà Nội dễ tìm, đến việc chia nhau nước uống, sắp xếp chỗ cho thầy... đều được chính tay những học sinh nay đã  70 tuổi làm, rồi người khỏe thì cùng nhau giữ thang cho bạn mình trèo lên buộc phông bạt  khiến không ít người dân qua đây ngước nhìn…